Theo Foreign Policy, cho đến cuối thập niên 1990, Trung Quốc vẫn được coi là “quốc gia của những người đi xe đạp”. Xe đạp là một phần quan trọng của cuộc sống thường ngày tại quốc gia tỷ dân vào thập niên 1970. Để kết hôn, đàn ông Trung Quốc phải có một chiếc xe đạp đàng hoàng, giống như phải sở hữu nhà và xe hơi ngày nay.

Mỗi sáng, “đội quân" hàng chục nghìn người đi xe đạp túa ra các con phố của thủ đô Bắc Kinh. Nhưng từ năm 1995 đến 2002, chính phủ Trung Quốc thực hiện các chính sách hạn chế xe đạp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô và khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng.

Khi dịch SARS bùng lên tại Trung Quốc, sự hoảng loạn lan rộng khiến nhiều người coi các phương tiện giao thông công cộng là ổ dịch nguy hiểm. Cơn sốt mua sắm ôtô cá nhân bùng lên dữ dội tại các thành phố lớn.

{keywords}
Xe đạp từng đóng vai trò thiết yếu trong đời sống của đất nước tỷ dân. Ảnh: Getty Images.

Hậu quả là ngày nay các đô thị lớn của Trung Quốc đều đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Giải pháp là gì? Khuyến khích người dân thành phố đi xe đạp, vừa để giảm số lượng ôtô lưu thông trên đường phố, vừa giúp những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhanh chóng về nhà từ ga tàu điện hay trạm xe buýt.

Từ Ofo và Mobike, các ứng dụng chia sẻ xe đạp ồ ạt xuất hiện tại Trung Quốc. Ý tưởng là rất đơn giản. Một người dùng smartphone quét mã QR, lấy xe đạp đi rồi đặt nó gọn gàng trên lề đường, để cho người khác sử dụng tiếp. Và một cơn sốt bùng lên.

18 triệu xe đạp trên đường phố

Ước tính từ năm 2014 đến 2017, khoảng 60 công ty khởi nghiệp lao vào ngành kinh doanh chia sẻ xe đạp. Có tới 16-18 triệu chiếc xe đạp được đưa vào sử dụng ở các thành phố lớn tại Trung Quốc. Năm 2017, Ofo đạt giá trị thị trường 2 tỷ USD và có tới 62,7 triệu người sử dụng thường xuyên hàng tháng.

Trên thực tế, từ năm 2007 chính quyền nhiều thành phố ở Trung Quốc đã áp dụng các chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe đạp. Các thành phố như Bắc Kinh, Hàng Châu và Vũ Hán mở nhiều trạm cho thuê xe đạp, nhưng dịch vụ này sớm chết yểu. Đa phần người dân cho rằng việc phải lội bộ đến trạm cho thuê xe đạp là quá bất tiện.

Các ứng dụng chia sẻ xe đạp như Ofo hay Mobike khắc phục được điểm yếu đó. Khi xe đạp có mặt ở mọi con đường, sự bất tiện đã biến mất. Người dùng dễ dàng sử dụng dịch vụ thông qua một ứng dụng trên điện thoại và chỉ mất khoảng 45 USD tiền đặt cọc, thanh toán qua mạng di động.

Với chính phủ Trung Quốc, cơn sốt chia sẻ xe đạp là cơ hội để khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Do đó, chính quyền các địa phương nhiệt tình hỗ trợ dịch vụ chia sẻ xe đạp, để các công ty khởi nghiệp này thoải mái hoạt động và phát triển.

{keywords}
Một nghĩa địa xe đạp tại Thượng Hải. Ảnh: Getty Images.

Nhưng kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng, tỷ lệ người giàu ngày càng tăng cao, đồng nghĩa với số lượng xe hơi tăng vọt. Người đi xe đạp thường phải di chuyển trên vỉa vè. Cộng thêm tình trạng xe đạp đậu khắp nơi, vỉa hè tại các thành phố lớn ngày càng trở nên chật hẹp.

Bắc Kinh và Thượng Hải là những thành phố có tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp lớn nhất. Đến năm 2017, xe đạp bắt đầu trở thành "chướng ngại vật" trên vỉa hè, gây khó khăn cho người đi bộ. Chính quyền phải triển khai hàng loạt chiếc xe tải thu thập xe đạp đỗ bừa bãi. Công nhân xếp xe phải dọn dẹp đống hỗn độn này mỗi ngày.

Một vấn đề nữa là các công ty khởi nghiệp đua nhau hạ giá thuê xe đạp để giành thị phần. Thậm chí một số doanh nghiệp mới còn tung ra các gói miễn phí để thu hút người dùng. Hàng loạt công ty nhỏ đốt sạch tiền đầu tư và âm thầm biến mất khỏi thị trường.

Chính quyền siết chặt quản lý

Việc nhiều công ty chết yểu là điều không gây ngạc nhiên. Theo phân tích của Tân Hoa Xã, mỗi chiếc xe đạp có chi phí sản xuất khoảng 210 USD chỉ đem về 1 NDT (tương đương 0,15 USD) lợi nhuận sau 2 giờ cho thuê. Người dùng đặt cọc 15 - 45 USD.

Theo quan điểm của các chủ đầu tư, sản phẩm thực sự là dữ liệu người tiêu dùng. Thông tin khách hàng sẽ được lưu trữ để phục vụ mục đích quảng cáo. Nhưng thực tế, những lợi ích mơ hồ này không thể nuôi sống các công ty nhỏ thiếu vốn.

Từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2017, lần lượt các công ty Kuqi Bikes, Bluegogo, Dingding Bikes, 3Vbikes và Wukong Bikes ngừng hoạt động, không thể thanh toán tiền cho nhà cung cấp cũng như trả tiền đặt cọc. Cùng thời điểm đó, chính quyền các địa phương bắt đầu siết chặt quản lý dịch vụ chia sẻ xe đạp và phạt tiền các hành vi sai quy định.

Người đi xe đạp đối mặt nguy cơ bị phạt khi phóng xe bất chấp trên vỉa hè. Vào tháng 5/2018, Bắc Kinh ra quy định phạt tiền các công ty cho thuê xe đạp để xảy ra tình trạng đỗ xe không đúng quy định. Các thành phố khác cũng sớm làm theo. Nhiều biển cấm xe đạp cho thuê xuất hiện ở cổng chung cư, khu thương mại và công viên công cộng.

{keywords}
Xe đạp bị vứt bỏ ở một cánh đồng trống ở Nam Ninh. Ảnh: Getty Images.

Ngay cả Mobike và Ofo cũng vật vã trong cơn khốn khó vì doanh thu thấp và hoạt động bị hạn chế. Tháng 4/2018, Mobike được dịch vụ giao thức ăn nhanh Meituan Dianping mua lại và giờ hoạt động cầm chừng với số lượng xe đạp lưu hành giảm đáng kể.

Trong khi đó, Ofo cũng dần cạn tiền, phải vật lộn để thanh toán cho nhà cung cấp và duy trì hoạt động. Đầu năm 2018, Ofo dừng hoạt động mở rộng tại nước ngoài để tập trung vào thị trường nội địa. Có thời điểm hàng trăm người xếp hàng dài bên ngoài trụ sở Ofo ở Bắc Kinh, đòi trả lại tiền đặt cọc.

Trên ứng dụng Ofo, 13 triệu người dùng gửi yêu cầu hoàn lại số tiền đặt cọc. Tháng 12/2018, Ofo cân nhắc khả năng tuyên bố phá sản. Đến tháng 1/2019, hãng giải tán bộ phận thị trường quốc tế.

Bất chấp khủng hoảng của Ofo và Mobike, Hellobike mới huy động được hơn 500 triệu USD tiền đầu tư từ Primavera Capital và Ant Financial của Alibaba. Foreign Policy bình luận dường như vẫn có những nhà đầu tư chưa tỉnh dậy từ giấc mộng cho thuê xe đạp.

Trong khi đó, chính quyền Thượng Hải đang bổ sung thêm các trạm cho thuê xe. Đó có thể là sự trở lại của phiên bản chia sẻ xe đạp nhàm chán nhưng dễ quản lý hơn. Có lẽ tại Trung Quốc, luôn có một tỷ lệ dân số thích di chuyển bằng xe đạp. Nhưng chừng đó là không đủ để xây dựng một đế chế cho thuê xe khổng lồ.

(Theo Zing)