Đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi hoạt động buôn bán vàng toàn cầu, đóng cửa các thị trường tiêu dùng rộng lớn của Châu Á, trong khi nó lại kích thích các nhà đầu tư phương Tây đổ xô mua vàng - thứ được xem là tài sản dự trữ an toàn trong thời điểm nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng sau khi đại dịch bùng phát.

{keywords}
Vàng được xem là tài sản dự trữ an toàn trong thời điểm nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng sau khi đại dịch bùng phát. Ảnh: Getty

Reuters dự đoán, nhiều khả năng giá vàng tương lai của Mỹ sẽ tăng cao hơn giá ở các nơi khác trên thế giới, gợi ý về một đợt chuyển vàng miếng chưa từng có đến New York.

Theo dữ liệu từ cục hải quan Thụy Sĩ, trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, Thụy Sĩ - trung tâm tinh chế và trung chuyển vàng lớn nhất thế giới - đã xuất khẩu sang Mỹ 412,9 tấn vàng trị giá 22 tỷ USD. Cũng trong giai đoạn này, Thụy Sĩ chỉ chuyển sang Trung Quốc, Hồng Kông và Ấn Độ tổng cộng 23,7 tấn vàng.

Tuy nhiên, trong tháng 8, các lô vàng chuyển đến Mỹ đã giảm xuống còn 28,5 tấn, gần bằng với 26,8 tấn vàng từ Mỹ đến Thụy Sĩ.

Trong khi đó, cũng trong tháng 8, Thụy Sĩ xuất khẩu 20,2 tấn vàng sang Ấn Độ, nhiều nhất kể từ tháng 5/2019 và gửi 10 tấn vàng sang Trung Quốc - lô hàng đầu tiên kể từ tháng 2/2020.

Một điểm đáng chú ý trong tháng 8 vừa qua đó là Thụy Sĩ không những không vận chuyển vàng đến Hồng Kông mà còn nhận 25,4 tấn vàng từ thành phố này.

Theo nhận định của giới chuyên gia thì đây là một tín hiệu cho thấy nhu cầu vàng của châu Á vẫn còn yếu dù giá vàng liên tục đạt đỉnh trong giai đoạn này.

Trong khi đó, xuất khẩu vàng của Thụy Sĩ sang Thổ Nhĩ Kỳ ở mức 16,2 tấn trong tháng 8, cao nhất kể từ tháng 7.2017, theo dữ liệu hải quan. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng lira mất giá đã thúc đẩy đầu tư vào vàng tăng vọt.

Tổng cộng, Thụy Sĩ đã xuất khẩu 116,5 tấn vàng trong tháng 8, tăng so với mức 102,6 tấn của tháng 7.

(Theo Reuters / Dân Trí)