Đến nay, thứ quả đặc sản này của Việt Nam đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, giúp người trồng vải tại Bắc Giang, Hải Dương có nguồn thu tới 7.000 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, vài năm gần đây, vải thiều không còn tình trạng được mùa rớt giá như trước.

{keywords}

Vào một buổi chiều giữa tháng 12/2019, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vui mừng thông báo nhận được thư của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) về việc chính thức mở cửa cho vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang xứ sở Mặt trời mọc. Quy định này có hiệu lực từ 15/12/2019. Kèm theo đó, một loạt yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật được đặt ra với quả vải thiều Việt Nam. 

Cụ thể, vải phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Lô quả xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide - được Cục BVTV và MAFF công nhận - với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong vòng hai giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật hai bên. Lô vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục BVTV cấp.

Để đạt được thành quả trên, từ lúc ngồi vào bàn đàm phán tới khi tính toán lý thuyết, xây dựng phương pháp và cách bố trí thí nghiệm, chuẩn bị vật liệu và thiết bị phục vụ thí nghiệm, cử chuyên gia sang kiểm tra,... cho tới lúc nhận được cái gật đầu đồng ý là hành trình 5 năm nỗ lực của Cục BVTV và MAFF. 

{keywords}

Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV), kể rằng, tuy vải thiều Việt Nam đã vào được nhiều thị trường khó tính, nhưng nếu thị trường Mỹ, Australia chỉ đòi chiếu xạ thì Nhật Bản lại yêu cầu xử lý bằng khử trùng xông hơi.

“Phải mất hơn 2 năm thực hiện thí nghiệm khử trùng xông hơi, cuối cùng, chuyên gia Nhật sang kiểm tra trực tiếp và đã chấp thuận”, ông Hà nói. 

Theo ông Hà, đây là đột phá mới. Lần đầu tiên Việt Nam tiến hành khử trùng xông hơi thành công và nhận được cái gật đầu từ phía Nhật. Đặc biệt hơn cả, thành công này không chỉ riêng với quả vải mà là tiền đề để những trái cây khác có thể vào Nhật Bản, thậm chí cả Hàn Quốc - hai nước chỉ chấp nhận khử trùng xông hơi chứ không chấp nhận chiếu xạ, ông Hà cho hay.

{keywords}

Nhận phía Nhật chấp thuận, Cục BVTV đã làm việc với Hải Dương và Bắc Giang, hai địa phương có diện tích trồng vải thiều lớn nhất nước, triển khai mọi việc để chuẩn bị cho lô hàng vải thiều đầu tiên đi Nhật trong năm nay. Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào chương trình; hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp về quy trình trồng, chăm sóc, xử lý kiểm dịch thực vật và đóng gói theo quy định của Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục BVTV), để vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản thuận lợi, tháng 2/2020, Việt Nam bắt đầu xây dựng cùng lúc 3 hệ thống xử lý xông hơi khử trùng quy mô thương mại đầu tiên tại Việt Nam tại Trung tâm sau nhập khẩu 1 (Hà Nội), nhà máy của Công ty Toàn Cầu (Bắc Giang) và nhà máy của Công ty Hưng Việt (Hải Dương).

Bắc Giang và Hải Dương cũng hình thành các vùng trồng vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật. 

{keywords}

Báo cáo của Sở NN-PTNT Bắc Giang cho thấy, toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng vải thiều được phép xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103ha. Tại huyện Thanh Hà (Hải Dương), con số này là 8 vùng.

Mọi việc cứ thế trôi chảy, thuận lợi. Nông dân tất bật chăm sóc vườn vải sai trĩu cành, hào hứng chờ ngày quả vải lên đường sang Nhật. Thế nhưng, đầu tháng 5, khi mùa thu hoạch cận kề Bộ Công Thương có văn bản gửi hai Sở Công Thương Hải Dương và Bắc Giang nêu rõ, MAFF thông báo không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do ảnh hưởng dịch bệnh.

"Cửa" xuất khẩu vải tươi Việt Nam sang thị trường Nhật Bản gần như đóng lại với vụ vải năm nay.

Để tháo gỡ, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Nhật làm việc với MAFF, thuyết phục phía bạn xem xét các giải pháp khác thay cho việc phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng. Trước mắt, tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện hoặc phối hợp với Bộ NN-PTNT kiểm tra từ xa.

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam cũng có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch Covid-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản.

Cục BVTV tiến hành họp trực tuyến với phía Nhật Bản bàn mọi giải pháp để lô vải tươi đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản đúng tiến độ.

{keywords}

Nhờ những nỗ lực đàm phán, ngày 3/6, chuyên gia Nhật Bản có mặt tại Việt Nam. Sau thời gian cách ly theo quy định, ngày 17/6, chuyên gia Nhật Bản chính thức vào cuộc giám sát dây chuyền xử lý khử trùng quả vải.

“Ngày đầu tiên, một danh sách các hạng mục cần kiểm tra được đưa ra, chuyên gia Nhật xem xét từng bước một. Sau đó, họ đánh giá đây là dây chuyền xử lý tốt, vượt cả yêu cầu của Nhật trong mọi thông số kỹ thuật”, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hiểu - Trưởng bộ môn Nghiên cứu Công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm (Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN-PTNT) nhớ lại.

Vậy là sau “phút 89” nghẹt thở, tưởng như quả vải thiều Việt Nam sẽ lỡ hẹn với thị trường Nhật Bản vì dịch Covid-19, thì ngày 19/6, hai lô hàng đầu tiên đã lên đường sang Nhật, chính thức mở cửa thành công thị trường khó tính bậc nhất thế giới này.

{keywords}

Những quả vải thiều Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên kệ siêu thị tại Nhật Bản vào ngày 21/6. Vải được đóng vào hộp nhỏ 200gram, bán với giá khuyến mãi là 489 yen (giá gốc là 537 yen) - tương đương hơn 100.000 đồng/hộp. Tính ra, giá vải thiều Việt Nam bán tại Nhật trên 500.000 đồng/kg.

Đáng lưu ý, ngay trong ngày mở bán đầu tiên, lô vải thiều tươi 2 tấn của Việt Nam được chuyên chở bằng máy bay sang Nhật đã bán hết sạch chỉ trong vòng vài tiếng. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao, khen quả vải của Việt Nam đạt chất lượng tốt. 

Được thị trường Nhật Bản đón nhận, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, tiếp tục đưa các lô vải thiều sang thị trường này bằng đường biển.

Tại thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang) - vùng trồng vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật - ông Trần Văn Lân chia sẻ, vợ chồng ông cả đời gắn bó với cây vải thiều. Mấy chục năm nay, đến mùa thu hoạch phải dậy sớm bẻ vải, chở từng sọt nặng hàng tạ ra chợ bán. Những năm đắt hàng, vải được giá và ngược lại có năm ế ẩm, vải rớt giá thê thảm.

Song, vụ vải 2020 là bước ngoặt với gia đình ông. Toàn bộ vườn vải thiều rộng 3ha đều được trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật. Các chuyên gia tới tận vườn kiểm tra, đánh giá.

{keywords}

“Hơn một tuần nay, doanh nghiệp về tận vườn thu mua vải thiều với giá 30.000 đồng/kg”, ông Lân kể. 

Vải đang vào vụ chín rộ, mỗi ngày ông bẻ khoảng 1,5-2 tấn bán cho doanh nghiệp. Năm nay, vườn vải của gia đình ông được mùa, quả đạt chất lượng cao. Ông Lân nhẩm tính, với giá bán như hiện nay cùng sản lượng 40-45 tấn, vợ chồng ông thu lãi khoảng 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, các doanh nghiệp đã thu mua thêm khoảng 12 tấn vải tươi để xuất sang Nhật Bản bằng đường biển. Dự kiến, khoảng 200 tấn vải thiều tươi được tiêu thụ tại thị trường cao cấp này trong niên vụ năm nay.

Từ thành công của quả vải thiều, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng sẽ định vị trái vải vào phân khúc cao cấp, khi xuất sang được Nhật Bản thì có thể tự tin chinh phục các thị trường khác.

Đến nay, sau nhiều năm nỗ lực mở cửa thị trường, vải thiều Việt Nam đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhờ đó, những vụ vải gần đây không còn tình trạng bế tắc đầu ra, không còn cảnh được mùa rớt giá.

Điển hình như năm 2019, dù mất mùa nhưng doanh thu từ vải thiều tăng mạnh. Tại Bắc Giang, quả vài đem lại cho người nông dân nguồn thu 6.300 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm 2018. Còn người trồng vải ở Hải Dương cũng thu tới gần 1.000 tỷ đồng.

Năm nay, sản lượng vải hai địa phương này dự báo đều tăng. Hải Dương dự kiến đạt 45.000 tấn, cao hơn 20.000 tấn so với niên vụ 2019. Bắc Giang sản lượng ước đạt 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm ngoái. Thời điểm này, nếu có dịp ghé qua hai trung tâm vải thiều lớn nhất nước, sẽ thấy cảnh người dân đang tất bật thu hoạch, chở vải đi bán. Ai cũng phấn khởi vì vụ mùa bội thu, vải thiều được mùa được giá.

Tâm An

Clip: Anh Đức - Thiết kế: Nguyễn Hồng Anh