Với nhiều người, lan rừng chỉ để sưu tầm và thưởng thức vẻ đẹp của nó. Nhưng với anh Trịnh Văn Sỹ, xã Lộc Thanh, huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng, lan rừng đã giúp anh trở thành tỷ phú nhờ vào việc trồng và nhân giống.

Khu vườn rộng hơn 1800m2 của anh Sỹ hiện đang gần 200 giống lan rừng đặc hữu quý hiếm như long tu, kim điệp, giả hạc Di Linh, đại ý thảo trắng… Thu nhập từ lan rừng có thể mang lại cho anh từ 700 triệu – 1 tỷ đồng/năm.

Clip: Vườn lan 'khủng' sở hữu các loại lan rừng quý hiếm bậc nhất đất Việt (Nguồn: VTC)

Nghề trồng và bán lan rừng này của anh Sỹ bắt nguồn từ niềm đam mê các cây độc lạ. 15 năm trước, anh hay đi khá nhiều khu rừng ở Lộc Bắc, Lộc Nam, Di Linh, Bảo Lộc để tìm những loại lan quý nhưng sức người có hạn nên sau đó anh lựa chọn mua lại từ đồng bào người dân tộc.

{keywords}

Anh Trịnh Văn Sỹ - chủ nhân của vườn lan "khủng" với nhiều loại lan rừng quý hiếm 

Nhận thấy nhu cầu của người chơi lan càng cao và lợi nhuận của nó mang lại, anh Sỹ đã tìm tòi nghiên cứu lai tạo và nhân giống các loại lan tự nhiên này. Anh lấy ví dụ như cây lan thủy tiên đột biến. Cây bình thường, ở hoa, lưỡi bông có màu vàng, còn cây thủy tiên đột biến, lưỡi hoa không còn màu vàng, chỉ có trắng tuyền. Cây lan này đã giúp anh đạt giải ở một hội thi lan.

Anh Sỹ cho biết để đầu tư vào làm một vườn lan rừng cần số vốn khá lớn, khoảng 500 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, 200 triệu tiền mua cây giống. “Vì có số vốn lớn như vậy nên mình phải mở rộng từ từ. Ban đầu là 100m2, rồi dần dần có vốn lớn hơn mở rộng tới 1000m2 hoặc hơn nữa”.

Tai vườn lan của anh Sỹ, những giò lan được treo thứ tự trên những hàng rào lưới B40, tận dụng tối đa diện tích sử dụng. Theo anh Sỹ, so với các loại lan công nghiệp, việc nhân giống lan rừng cần nhiều kĩ thuật. Lan rừng có 2 cách để nhân giống là tự nhiên và công nghiệp. “Cách tự nhiên là cứ treo lan ngoài trời, những cái thân già sẽ nảy ra những cái mầm.

Cách công nghiệp là đưa vào nhà có lưới che, không cho nước mưa trực tiếp nhỏ xuống, mầm hoa sẽ không lên rêu, và nhiệt độ cũng nóng hơn so với bình thường nên mầm sẽ phát triển nhiều. Khi cây ra mầm, thân già sẽ ra mầm sớm, thân non sẽ chậm ra. Với những mầm cây non chưa đủ tuổi phải cắt xa ra, để nó tiếp tục nuôi cây con. Lưu ý là cắt mầm cây non ra khỏi thân cùng dụng cụ sắc bén nếu không mầm sẽ bị thối” – anh Sỹ cho hay.

{keywords}

Anh Sỹ đang giới thiệu các loại lan mới cho khách.

Tùy theo từng vùng, cách nhân giống trên giá thể cũng khác nhau. Đối với vùng Lâm Đồng, bà con nên trồng trên cây dớn hay gỗ sẽ tốt hơn. Các mầm cây được đóng dính vào giá thể, mầm lan xuôi theo hướng cây mọc lên. Những vùng xứ nóng, ít mưa nên trồng trong chậu. Để trong nhà có mái che, cách ly với nước, đến khi nào vết thương khô hẳn, cây phát triển mới đưa ra ngoài trời, tưới nước bổ sung. Không đưa vào nhà kính mà chuyển ra ngoài trời vì lan rừng thích hợp với điều kiện tự nhiên.

Lan rừng dễ chăm sóc, ít bị bệnh. Đặc biệt, hoa lan đẹp, lâu tàn, có mùi thơm nhẹ rất đặc trưng. Khi bón phân cho lan rừng, đòi hỏi người trồng phải phối hợp hài hòa và đúng liều lượng giữa phân hữu cơ và vô cơ. Trong thời kỳ khác phải có chế độ chăm bón phân hợp lý, đặc biệt, cần phải tạo môi trường sạch để lan ra hoa đều và nở rộ.

Hiện nay, vườn lan của gia đình anh Sỹ trở thành mô hình điểm của TP.Bảo Lộc, chuyên cung cấp cho người đam mê lan rừng khắp cả nước nhiều loại lan quý đặc hữu của vùng cao nguyên Lâm Đồng và cũng góp phần nâng cao giá trị kinh tế của gia đình anh từ niềm đam mê hoa phong lan.

(Theo Dân Việt)