Căn cứ loại bột trắng thu giữ được, nhiều chuyên gia nhận định đây là một dạng hóa chất có tác dụng tích nước nhằm tăng trọng lượng.

Cơ quan chức năng Đà Nẵng đang khẩn trương xác định loại hóa chất đựng trong bao bì ghi chữ Trung Quốc tẩm vào thực phẩm có tác hại như thế nào đối với sức khỏe người dùng.

Chế biến nội tạng bẩn xuất đi Trung Quốc

Trước đó, ngày 13-5, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Đà Nẵng (PC49) phối hợp với cơ quan thú y bắt quả tang cơ sở chế biến nội tạng động vật không rõ nguồn gốc do ông Nguyễn Quế Huy (ngụ xã Hòa Tiến, Hòa Vang) làm chủ.

Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 350 kg nội tạng tươi, 5.600 kg đã qua chế biến đang cất giữ tại kho lạnh. Ông Huy thừa nhận toàn bộ nội tạng động vật nói trên thu mua từ một lò mổ trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) với giá khoảng 3.000 đồng/kg. Sau khi chế biến, gom đủ 5.000 kg thì bốc lên xe, vận chuyển ra miền Bắc để xuất đi Trung Quốc với giá từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Ban đầu ông Huy khai là sản phẩm được dùng để bán cho cá ăn. Nhưng sau đó phải thừa nhận là sử dụng làm nguồn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày cơ sở này chế biến khoảng 350 kg nội tạng.

{keywords}
Cơ sở chế biến nội tạng bằng hóa chất.

Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ nhiều nhóm người Trung Quốc sang các tỉnh miền Trung để thu mua, chế biến nội tạng không rõ nguồn gốc, sau đó chuyển về Trung Quốc tiêu thụ. Cuối năm 2012, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP Đà Nẵng) phát hiện chín người Trung Quốc đang thu gom 500 kg lòng heo tại một cơ sở kinh doanh nội tạng động vật. Ngoài ra, nhóm này cũng đã kịp thu mua, chế biến một lượng lớn nội tạng khác. Trong quá trình chế biến, nhóm này cũng sử dụng một số hóa chất (mang từ Trung Quốc sang) nhằm khử trắng, khử mùi và bảo quản nội tạng. Theo một cán bộ điều tra, mặc dù các chủ hàng khai là xuất sang Trung Quốc nhưng thực tế đường đi của số nội tạng bẩn này rất khó lường. Có trường hợp chế biến xong xuất đi nhưng cũng có khi lại quay về bàn ăn của người dân.

Cơ sở chế biến nội tạng bằng hóa chất. Ảnh: TT

Hóa chất tích nước?

Ông Lê Văn Chánh, phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng) cho hay tại cơ sở của ông Huy còn phát hiện một bao bột màu trắng có chữ Trung Quốc (không có chữ tiếng Việt), trọng lượng 40 kg. Bao này được sử dụng gần hết, chỉ còn sót lại khoảng 3,5 kg. Hóa chất này mịn như cát. “Ban đầu chúng tôi tưởng đó là hóa chất dùng để tẩy trắng nội tạng nhưng không phải. Đó là chất làm trương nở thực phẩm nhằm tăng trọng lượng. Loại hóa chất này tôi chưa gặp bao giờ” - ông Chánh nói. Chủ cơ sở cũng thừa nhận đó là chất dùng để tăng trọng lượng sản phẩm nhằm kiếm lời. Trong quá trình chế biến nội tạng, cơ sở này bỏ thêm một hàm lượng chất bột trắng vào. Khi vớt ra, ngâm nước thì nội tạng sẽ tăng thêm trọng lượng từ 20% đến 30%. Nguồn gốc của bao hóa chất này là do phía thu mua (ở Thái Bình) cung cấp - ông Huy khai.

PC49 đã yêu cầu nhân viên C. (làm thuê tại cơ sở) tiến hành thực nghiệm. Khi cân 1,4 kg nội tạng nấu không bỏ hóa chất và 1,4 kg bỏ hóa chất. Kết quả, nồi có hóa chất thu về 1,6 kg, nồi còn lại giảm xuống chỉ còn 1 kg. Theo lý giải ban đầu của cơ quan chức năng thì bột hóa chất đã làm trương nở nội tạng khiến trọng lượng tăng lên. “Lực lượng chức năng đang gửi mẫu hóa chất nói trên đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 để kiểm tra xem đó là chất gì. Trên cơ sở phân tích các hóa chất có trong loại bột trắng này mới biết được tác hại của nó đối với sức khỏe người dùng. Khoảng bốn ngày nữa sẽ có kết quả”- Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng PC49, cho biết. PC49 cũng đã gửi mẫu bao bì có ghi chữ Trung Quốc đến Phòng Xuất nhập cảnh (Công an TP Đà Nẵng) để phiên dịch ra tiếng Việt xem nội dung trên bao bì này ghi gì.

Theo một chuyên gia về thực phẩm thì căn cứ vào những dấu hiệu nhận biết như trên, có khả năng hóa chất này chứa thành phần chủ yếu là muối. “Muối giúp tích nước để tăng trọng lượng. Còn muốn biết rõ từng chất cụ thể thì phải xét nghiệm mới chính xác” - vị này nói.

(Theo PLO)