Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí đầu về nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng, dường như, thị trường này cũng đang “chê” gạo Việt khi 10 tháng đầu năm nay đã giảm cả về khối lượng và giá trị nhập khẩu.

Số liệu thống kê từ Bộ NN-PTNT cho thấy, khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,2 triệu tấn và đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD, giảm hơn 21% về khối lượng và giảm gần 17% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2016 đạt 449 USD/tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1 về nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016, chiếm trên 35% thị phần.

{keywords}
Xuất khẩu gạo Việt liên tục sụt giảm

Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi những năm trước đó, lượng gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong cùng kỳ đều tăng mạnh.

Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2015, gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng 4,7% về khối lượng, chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nguyên nhân, Bộ NN-PTNT lý giải, là do phía Trung Quốc siết chặt nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch và tăng cường rào cản qua đường chính ngạch, khiến gạo Việt xuất sang thị trường này sụt giảm. Trong khi đó, phía đối thủ với Việt Nam là Thái Lan lại đang thúc đẩy việc xuất khẩu vào thị trường này.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam qua các thị trường truyền thống khác cũng giảm mạnh, như: Philippines giảm 47,8%, Malaysia giảm 47,4%, Singapore giảm 34,6%, Hoa Kỳ giảm 32%, Bờ Biển Ngà giảm 25% và Hồng Kông giảm 11,4%.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Việt Nam lại tăng ở một số thị trường khác.

Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang Gana là tăng gần 42% về khối lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015; Indonesia tăng gấp 21,5 lần về khối lượng và gấp 22,5 lần về giá trị; Angola tăng gấp 4,4 lần về khối lượng và gấp 3,5 lần về giá trị.

Vân Anh