Còn gần một tuần nữa mới đến Tết Canh Tý, nhưng thị trường trái cây đã bắt đầu nhộn nhịp, giá tăng chóng mặt, nhất là những loại trái cây thường được người dân lựa chọn mua về để bày mâm ngũ quả thờ Tết.

Chị Hoàng Thị Hải – tiểu thương bán trái cây tại chợ Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, nhiều mặt hàng trái cây có xu hướng tăng giá từ đầu tháng 12 Âm lịch. Còn thời điểm hiện tại đang mùa cao điểm tiêu thụ trái cây nên giá đồng loạt tăng mạnh.

Theo đó, trung bình mỗi loại tăng trái cây tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg, có loại giá đã tăng lên thêm 20.000-30.000 đồng/kg, tức gần gấp đôi so với giá ngày thường.

Đơn cử, thanh long ruột trắng giá tăng 10.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg, chôm chôm tăng thêm 5.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg, dưa hấu tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg lên mức 25.000-30.000 đồng/kg, bưởi da xanh tăng 20.000 đồng/quả lên 120.000 đồng/quả.

{keywords}
Giá các mặt hàng trái cây tăng mạnh những ngày cận Tết Nguyên đán

Dịp này mặt hàng cam canh giá tăng mạnh. Như hồi đầu tháng giá chỉ ở mức 40.000 đồng/kg loại ngon, giờ đã tăng lên 75.000 đồng/kg và đang có dấu hiệu tăng tiếp. Mặt hàng chuối xanh giá cũng có xu hướng tăng gấp đôi gấp 3 ngày thường, dao động từ mức 80.000-300.000 đồng/nải tuỳ loại…

Thực tế, báo cáo mới đây của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, ngay từ tháng 12/2019, giá hàng loạt mặt hàng trái cây tăng cao. Đơn cử, giá thanh long tăng lên 15.000 đồng/kg, gấp đôi so với cách đây 2 tháng và có thể đắt nữa vào sát Tết Canh Tý. Giá thanh long ruột đỏ dự báo sẽ còn tăng mạnh và có thể cán mốc 30.000-35.000 đồng/kg khi nhu cầu thị trường Tết tăng cao. Hay như bưởi da xanh 30.000-32.000 đồng/kg; quýt đường 35.000-40.000đồng/kg.

Tại hầu hết các nhà vườn ở tỉnh Trà Vinh, các loại trái cây bán Tết như bưởi, quýt đường, xoài, thanh long,... được thương lái ký kết thu mua với giá cao hơn Tết năm trước từ 5.000-7.000 đồng/kg.

Chị Phạm Thị Tuyến – tiểu thương bán hoa quả tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) thừa nhận, dịp Tết năm nào giá trái cây cũng tăng mạnh, thậm chí mỗi ngày tăng thêm vài giá.

Càng cận Tết giá càng tăng. Nguyên nhân một phần là vì mọi người cũng có nhu cầu mua sắm nhiều hơn để ăn, biếu tặng. Đặc biệt, gia đình nào cũng phải sắm sửa mâm ngũ quả thờ Tết. Thế nên, vào những ngày này, lượng trái cây bán ra cao gấp cả vài chục lần so với ngày thường.

“Ngày thường, doanh thu từ sạp hàng hoa quả này chỉ được khoảng 10-20 triệu/ngày. Nhưng dịp Tết này thì gấp cả chục lần”. Chị Tuyến tiết lộ, từ ngày 20 đến 29 tháng Chạp, trung bình mỗi ngày chị bán khoảng 150-200 triệu đồng tiền trái cây các loại. Riêng ngày 30 Tết, mọi người về quê hết nên doanh thu giảm đi chỉ còn vài chục triệu đồng.

Theo chị, những ngày này, khách mua ít cũng hết gần triệu, khách mua nhiều hết vài triệu đồng, trong khi ngày thường khách chỉ mua chục ngàn hay vài trăm ngàn mỗi lần.

“Cả năm mới có mùa Tết, mà lượng khách mua cũng chỉ tập chung vào khoảng 10 ngày cuối năm. Thế nên, những ngày này gia đình tôi phải huy động thêm người đứng bán. Hàng cũng mở bán từ 5 giờ sáng cho đến gần 11 giờ đêm mới đóng cửa”. Chị Tuyến nói và cho biết, thời gian đóng cửa muộn, lại phải ra chợ nhập trái cây về bán nên mỗi ngày chị chỉ ngủ khoảng 3 tiếng đồng hồ, cơm cũng phải ăn tranh thủ. Song đổi lại, số tiền lãi kiếm được cũng lên tới gần trăm triệu đồng.

Châu Giang