Vì sao nhà ở xã hội ‘im lìm’?

Như thông tin mà các đơn vị nghiên cứu thị trường vừa công bố, năm 2018, giá nhà tiếp tục tăng thêm từ 6-10% so với năm 2017. Trong khi đó, nguồn cung nhà giá rẻ cũng giảm mạnh.

Theo số liệu của Hiệp hội bất động sản Tp.HCM, năm 2018 phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7% giảm 4,4% so với năm 2017. Năm 2018, tại thị trường Tp.HCM có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 28.316 căn, quy mô thị trường giảm đến 34,1% so với năm 2017.

Với nguồn cung nhà thương mại giảm sút vậy, nên người có tiền mua nhà sẽ càng khó khăn hơn, và giấc mơ an cư của người thu nhập thấp càng ra vời.

{keywords}
Green River là dự án hiếm hoi đủ điều kiện pháp lý đưa ra thị trường

Câu chuyện nhà xã hội, nhà cho thuê dù được nói nhiều và được đánh giá là tạo quỹ nhà cho xã hội nhanh nhưng việc thực hiện lại không đơn giản.

Như báo cáo của Sở Xây dựng tại cuộc họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 của UBND Tp.HCM, đến nay Thành phố đã triển khai đầu tư 39 dự án với tổng diện tích đất là 137,3 ha, quy mô gần 44.900 căn hộ. Trong đó, phấn đấu sớm hoàn thành 31 dự án với tổng diện tích 49,1 ha với khoảng 20.000 căn hộ. Song, con số này vẫn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Hiện nay, quy mô dân số Tp.HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số; có hơn 400.000 sinh viên; hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới.

Không chỉ vậy, qua khảo sát của Sở Xây dựng, Viện nghiên cứu phát triển Tp.HCM thì có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà; có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020; Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại Thành phố, thì đã có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ; Trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của thành phố thì có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) có nhu cầu nơi lưu trú, nhưng hiện chỉ mới giải quyết được chỗ ở cho 39.400 người, chiếm khoảng 15% nhu cầu.

Nhu cầu về nhà ở xã hội cấp thiết vậy như quá trình triển khai thực tế có quá nhiều khó khăn, ách tắc. Ngoài thiếu vốn nhà nước hỗ trợ để đầu tư xây dựng, ngay đến các doanh nghiệp tự đầu tư cũng không dễ dàng. Thủ tục dự án kéo dài, khiến cho chi phí đầu tư phát sinh. Người mua nhà cũng không còn nguồn để được vay vốn. Bởi vậy, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ kết thúc, hoạt động công bố dự án nhà ở xã hội cũng “im lìm”.

Theo thông tin công bố dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán trên Web Sở Xây dựng Tp.HCM gần đây nhất, chỉ có mỗi dự án khu nhà ở xã hội Hưng Phát (tên thương mại là Green River) do Công ty TNHH 276 Ngọc Long làm chủ đầu tư, tọa lạc tại số 2225 đường Phạm Thế Hiển , phường 6, quận 8, Tp.HCM.

Dự án này có diện tích 24.569,2m2, trong đó diện tích xây dựng là 9.528,59 m2, tổng diện tích sàn xây dựng 198.181m2, gồm 1.554 căn hộ. Công trình gồm 3 khối nhà cao 19 tầng. Đến nay, khu đất đầu tư dự án khu nhà ở xã hội Hưng Phát đã được chuyển mục đích sử dụng đất thành đất xây dựng nhà ở xã hội; và được cơ quan chức năng công nhận chủ đầu tư, cũng như chấp thuận đầu tư là dự án phát triển nhà ở xã hội độc lập. Sở Xây dựng cũng đã cấp giấy phép xây dựng cho dự án.

Dự án hiếm hoi đủ điều kiện huy động vốn

Theo thông tin của chủ đầu tư, đến nay, dự án đã hoàn thành xong phần móng theo quy định, và đã được huy động vốn theo quy định. Ngày 12/10/2018, Sở Xây dựng đã ra Thông báo về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với khu nhà ở xã hội Hưng Phát đợt này là tổng số 966 căn hộ, trong đó 792 căn hộ bán cho các đối tượng nhà ở xã hội, 174 căn nhà ở xã hội bán theo giá kinh doanh thương mại đã đủ điều kiện huy động vốn.

Ngay trong bối cảnh thiếu nguồn cung nhà giá vừa túi tiền như hiện nay, thì việc đưa ra thị trường các sản phẩm căn hộ nhà ở xã hội cho thấy các DN rất nỗ lực. Nếu như các khó khăn hiện tại không có phương án tháo gỡ thì mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 31 dự án với tổng diện tích 49,1 ha với khoảng 20.000 căn hộ mà Sở Xây dựng đề ra là khó trở thành hiện thực.    

Thảo Vân