2 lần ý kiến của Bộ Tài chính

Ngày 17/4, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã thông tin công khai đề cập đến những vấn đề sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về cung cầu, dự trữ, xuất khẩu gạo vào ngày 25/3.

Tổng cục Hải quan cho biết sau chỉ đạo đó, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị, trong đó có thành viên là Bộ Tài chính. Tuy nhiên thời gian cuộc họp chỉ có nửa ngày nên Tổng cục Hải quan cho rằng “chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Vì vậy, sau đó Bộ Tài chính đã hai lần tham gia ý kiến với Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15/6 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia.

Ngày 10/4, Bộ Tài chính có tiếp công văn gửi Bộ Công Thương, nêu rõ: Phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương cho thấy doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất.

{keywords}
Xuất khẩu gạo đang chịu nhiều quyết định bất ngờ.

Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án: Phương án 1, giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp có sự giám sát của Bộ Công Thương; Phương án 2, giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho hay các ý kiến trên không được Bộ Công Thương tiếp thu.

Liên quan đến việc mở tờ khai với hạn ngạch 400 nghìn tấn gạo theo yêu cầu của Bộ Công Thương vào ngày 10/4, Tổng cục Hải quan cho biết: Dù văn bản của Bộ Công Thương phát đi ngày 10/4 có hiệu lực kể từ 0h ngày 11/4, nhưng đến thời điểm đó, cơ quan này vẫn chưa nhận được bản chính thức từ Bộ Công Thương. Đến 9h30 sáng 11/4 Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử và bản chính thức vào ngày 13/4.

Căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 Quyết định nêu trên, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0h ngày 12/4.

Hạn ngạch, doanh nghiệp không chủ động được

Liên quan đến việc ra hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cho rằng quyết định này làm doanh nghiệp không chủ động được phương án kinh doanh.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến ngày 27/3, tổng lượng gạo các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã ký hợp đồng nhưng chưa giao hàng là trên 1,5 triệu tấn (các doanh nghiệp ngoài hiệp hội là 910 tấn), trong đó phải giao từ nay đến 31/5 là hơn 1,3 triệu tấn gạo.

Có thể thấy, giai đoạn trước mắt và lâu dài, nhu cầu xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, với 257 doanh nghiệp tham gia, trong khi tổng lượng gạo được xuất khẩu trong tháng 4 theo Quyết định của Bộ Công Thương chỉ là 400.000 tấn, điều này khiến nhiều doanh nghiệp không thể đăng ký tờ khai xuất khẩu được.

Do đó, Tổng cục Hải quan khẳng định: Nếu quy định nguyên tắc quản lý hạn ngạch như hiện nay (nhất là hạn ngạch cấp theo tháng và doanh nghiệp nào đăng ký tờ khai trước thì được xuất khẩu trước đến khi hết hạn ngạch) dẫn đến tình trạng DN sẽ bị động trong việc ra quyết định kinh doanh, gặp nhiều rủi ro khi xuất khẩu, không dám ký trước hợp đồng với đối tác vì chưa biết chắc có được đăng ký để xuất khẩu không. Nếu ký hợp đồng có thể bị phạt vì không giao hàng đúng hợp đồng và có thể chịu các chi phí khác liên quan đến lưu tàu, lưu cont, hàng tồn kho,...

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thiệt hại do không tận dụng được cơ hội kinh doanh trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu trên thế giới tăng cao.

Những rủi ro trên đây cùng với việc không đăng ký được tờ khai xuất khẩu gây ra bức xúc cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, quyết định của Bộ Công Thương khiến nhiều doanh nghiệp từ chối bán hàng cho dự trữ nhà nước nhưng lại sẵn sàng xuất khẩu gạo. Hệ quả là, trong tổng số 190.000 tấn gạo tổ chức đấu thầu đã ký hợp đồng 7.700 tấn (đã nhập kho 3.280 tấn), còn lại 182.300 tấn không ký được hợp đồng và phải tổ chức đấu thầu lại.

Vì vậy, Tổng cục Hải quan kiến nghị đối với các lô hàng gạo hiện đang tồn tại cảng chưa xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4/2020 được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan (theo phản ánh của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là 146.453 tấn). Số lượng gạo xuất khẩu sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đề xuất quản lý hạn ngạch trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu (không bao gồm gạo nếp) và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu. Trên cơ sở đó, giao Bộ Công Thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phương án 1 là giao Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo (tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã và đang được Bộ Công Thương triển khai).

Phương án 2 là giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Sau khi chấm dứt dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT đánh giá tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, nhu cầu dự trữ quốc gia và tiêu dùng trong nước, nếu đảm bảo ổn định cung cầu thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện việc kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; không áp dụng quản lý bằng hạn ngạch xuất khẩu.

Lùm xùm xuất khẩu gạo, Hải quan kiến nghị cơ quan chức năng điều tra

Về biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm chính sách quản lý gạo xuất khẩu, Tổng cục Hải quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện nghiêm Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và công văn số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020, có hay không dấu hiệu trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lương Bằng