Siêu thị vẫn chờ

Tính đến trưa ngày 23/8, thông tin với PV. VietNamNet, các hệ thống phân phối lớn tại TP.HCM như Bách Hóa Xanh, Co.opmart, MM Mega Market, Aeon Mall đều cho biết, đang chờ đợi thông tin từ phía chính quyền, các lực lượng chức năng để phối hợp hình thức mua và cung ứng lương thực thực phẩm tới người dân.

“Chúng tôi vẫn đang chờ chỉ đạo của chính quyền. Hiện chưa có thông tin gì”, đại diện một hệ thống siêu thị nói.

Trong khi một đơn vị khác nhận định, hiện người dân đã trữ đủ lương thực cho ít ngày tới nên tình hình đang tạm lắng. Tuy nhiên, nếu các bên triển khai chậm thì phía các DN phân phối sẽ khó lòng có kế hoạch kịp thời, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị tại địa bàn.

Đại diện Tổng Công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) cho biết, trong ngày 22/8, đồng loạt các hệ thống của Satra đều đã gửi văn bản tới các phòng Kinh tế và UBND các quận/huyện có siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Satra hoạt động, cũng như gửi thông tin các gói combo cho địa phương. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thống nhất được cách triển khai tới người dân nên công tác phối hợp còn một số vấn đề vướng mắc.

Theo đại diện Satra, một số phường làm tốt nhưng một số phường đang bị vướng, còn bỡ ngỡ nên có trường hợp người dân trên gọi điện trực tiếp tới nhờ nhân viên siêu thị mua sắm trực tiếp hộ, việc này TP không cho phép. Người được phường cử xuống mới có thể đi mua đồ.

“Chúng tôi đã sẵn sàng quy trình tiếp nhận và chuyển về các địa phương. Vấn đề còn lại là các địa phương triển khai, điều phối nhân lực ra sao về các đơn vị bán lẻ. Địa phương làm tốt vai trò thì chúng tôi hoàn toàn đáp ứng, còn địa phương mà lúng túng thì hệ thống bán lẻ cũng lúng túng theo”, đại diện Satra nói.

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó TGĐ Thường trực Công ty VinCommerce, cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Công thương và Sở công thương TP HCM, ngày 23/8, gần 500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ đã tăng gấp 4–5 lần lượng hàng hóa thiết yếu so với thời điểm đầu tháng 8 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. 

Theo bà Phương, ngày 23/8, lượng khách đến mua sắm trực tiếp giảm mạnh, trong khi đơn hàng qua các kênh đặt hàng trực tuyến và điện thoại tăng mạnh. Song, hệ thống siêu thị chưa giao được hàng đến tay người tiêu dùng, bởi nhân viên của hệ thống không được phép đi giao hàng. 

Phía siêu thị đã ngay lập tức chủ động liên hệ trực tiếp làm việc với các phường/tổ dân phố để tìm phương án phối hợp với các lực lượng chức năng giao hàng đến nhân dân. Bên cạnh đó là kết nối với chương trình “Đi chợ hộ” mà các phường/tổ dân phốnhằm nắm bắt nhu cầu, đề xuất danh mục hàng hóa thiết yếu cung ứng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ 10% phường và tổ dân phố đã có phản hồi, 90% còn lại chưa có phản hồi.

{keywords}
Các sạp hàng tại chợ truyền thống đã đóng sáng 23/8

“Hiện tại, chúng tôi đang chờ sự chỉ đạo của Sở Công thương TP HCM để sớm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu giao hàng, phục vụ hàng hóa kịp thời đến nhân dân. Đồng thời, nắm bắt được nhu cầu thực tế của người dân, lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phù hợp, đặc biệt với nhóm hàng tươi sống cần tiêu thụ trong ngày”, bà Phương nói.

Theo kế hoạch đề ra, hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn TP như: Coop, Satra, Big C, Lotte, Vinmart, Bách Hóa Xanh,... sẽ vào cuộc, phối hợp với các địa bàn để đảm bảo cung ứng lương thực thực  phẩm. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cũng đã giao Sở Công Thương TP, trên cơ sở hệ thống phân phối sẵn có của TP, phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương trong việc điều phối đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Tổ trưởng dân phố sẽ đi chợ hộ

Đối với các chợ truyền thống, chợ tại khu vực quận Bình Thạnh, quận 1, quận Phú Nhuận đều trong trạng thái “im lìm”. Các tiệm tạp hóa, sạp cóc ở khu vực xung quanh các chợ này cũng ngừng hoạt động theo.

{keywords}
Hệ thống phân phối cần vai trò tích cực hơn từ các địa phương (ảnh chụp ngày 20/8)

Bà Trịnh Thị Mùi, một tiểu thương sinh sống gần chợ Đa Kao (quận 1) chia sẻ, thực phẩm khô được tiêu thụ khá nhiều trong ngày hôm qua (22/8). Do đó, hàng trong kho không sợ hỏng, bà Mùi sẽ đóng cửa sạp đến hết ngày 6/9.

Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11) - ông Nguyễn Bá Tùng cho hay, các tiểu thương tại chợ vẫn được phép hoạt động, tuy nhiên, tiểu thương quyết định nghỉ trong vòng một tuần do lượng hàng tiêu thụ những quá lớn, cần có thời gian chờ hàng mới về trong điều kiện giãn cách.

Ông Nguyễn Kim Long, Đội trưởng bảo vệ chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), thông tin, chợ hiện chỉ bán thực phẩm cho những người đi mua hộ như tổ trưởng dân phố hoặc các đội hỗ trợ ở phường. Người dân đăng ký qua tổ trưởng dân phố để gom thành một đơn hàng rồi tổ trưởng dân phố sẽ tới siêu thị hoặc chợ để “đi chợ hộ”. Tuy nhiên, đại diện chợ Nguyễn Tri Phương cho rằng, hiện giấy đi đường đang là vấn đề trở ngại đối với các tiểu thương tại chợ.

“Những người ở quận khác muốn có giấy đi đường thì phải qua quận 10 lấy, nhưng lại không được ra ngoài vì chưa được cấp giấy. Tiểu thương có giấy nhưng hàng hóa vận chuyển vào chợ bằng cách nào thì chưa rõ vì shipper không được đi liên quận”, ông Long nói.

Trước đó, UBND TP.HCM quyết định, từ 0h ngày 23/8, việc tổ chức phân phối hàng hóa, thực phẩm cho người dân TP được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”. TP đề nghị nhân dân an tâm, không thu gom hàng hoá. Người dân có nhu cầu sẽ được tổ công tác đặc biệt ở xã, phường, thị trấn hỗ trợ mua giúp lương thực, thực phẩm. Người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ các túi an sinh xã hội.

“Đề nghị người dân không ra đường, tập trung đông người tạo ra nguy cơ lây lan dịch, bệnh, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Mong người dân hãy ủng hộ, chung sức cùng thành phố để cùng vượt qua đại dịch”, thông điệp từ UBND TP.HCM được gửi tới từng người dân qua hệ thống SMS tự động.

Quảng Định

Sáng đầu tiên 'siết chặt hơn', chợ và siêu thị vắng lặng không bóng khách

Sáng đầu tiên 'siết chặt hơn', chợ và siêu thị vắng lặng không bóng khách

Không khí im lặng bao trùm các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố. Đây là những hình ảnh khác biệt của một TP.HCM vốn nhộn nhịp thường ngày.