Giãn cách xã hội, bà con nông dân ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) không thể đi chợ đầu mối để bán nông sản. Trên địa bàn huyện, hàng mẫu mướp, đậu đũa, rau màu,... vào mùa thu hoạch, nếu không tiêu thụ hết sẽ dẫn tới nguy cơ bị đổ bỏ.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, các xã: Vân Côn, Song Phương, Tiền Yên, Cát Quế, Minh Khai, Vân Canh,... là những địa bàn trọng điểm sản xuất rau ăn lá các loại, đậu đũa, mướp ngọt, mướp đắng, ngô, cà tím, cà xanh...

Sản lượng rau, củ, quả toàn huyện đạt khoảng 50 tấn/ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại huyện chỉ khoảng 35 tấn do thực hiện giãn cách xã hội, nên mỗi ngày, các xã còn khoảng 10-15 tấn rau, củ đến kỳ thu hoạch, cần tìm nơi tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Chí (xã Văn Côn, Hoài Đức) cho hay, gia đình ông đang trồng 3 sào rau màu bao gồm 2 sào mướp và các loại rau khoai lang, mùng tơi,... Các loại rau quả này đang vào vụ thu hoạch. Kể từ khi giãn cách xã hội, hàng ngày, số nông sản trên được UBND xã hỗ trợ tiêu thụ hết. Nông dân yên tâm, không lo nông sản phải bỏ đi hay tiểu thương ép giá. 

{keywords}
Nông sản tại huyện Hoài Đức đang vào vụ thu hoạch

Tổ phản ứng nhanh tiêu thụ nông sản giúp bà con tại xã Vân Côn đã được thành lập. Hội đồng định giá nông sản sẽ đưa ra mức giá chung cho mỗi loại. Hàng ngày, giá cả và nhu cầu thu mua được thông báo trên loa của thôn. Người nông dân dựa vào các thông tin trên để đăng ký bán nông sản. Từ 4 giờ sáng mỗi ngày, tổ thu mua nông sản tại địa phương đã hoạt động, kiểm tra chất lượng, phân chia đóng gói nông sản để kịp giao cho các xã trên địa bàn huyện và các khu vực khác trong TP. Hà Nội.

Các hội nhóm trên mạng xã hội kết nối người mua tại các khu vực, đưa ra nhu cầu và khả năng đáp ứng. Bên bán và bên mua kết nối trực tiếp, giao hàng tận nơi giúp nông sản tiêu thụ kịp thời.

Ông Đoàn Văn Thụ, Trưởng thôn Vân Côn, cho hay: “Chúng tôi thông báo trên loa truyền thanh của thôn về nhu cầu mua hàng ở các nơi, bà con mang hàng ra bán. Do có định giá tập thể nên không có chuyện ép hạ giá hay tăng giá. Kể từ khi giãn cách xã hội, rau màu được thu mua như vậy nên không có bị vứt bỏ”.

Theo Chủ tịch UBND xã Vân Côn Hoàng Văn Tuấn, ngay sau khi thành lập tổ tiêu thụ nông sản, xã ký hợp đồng với 4 lái xe ô tô đã được cấp phép chuyên chở, lưu thông hàng hóa trên địa bàn huyện và trưng dụng sân nhà văn hóa của 8 thôn làm nơi tập kết. 

Điểm đặc biệt ở Vân Côn là các hộ dân sau khi thu hoạch nông sản sẽ tự đóng gói, mang đến điểm tập kết. Trong mỗi túi hàng, phải có một tờ giấy cam kết chất lượng hàng, ghi rõ họ tên, địa chỉ hộ sản xuất, trọng lượng... Nhờ đó, bình quân mỗi ngày, xã Vân Côn tiêu thụ từ 5-10 tấn rau, củ, quả các loại, nhưng không bị khách hàng phản ánh về chất lượng.

Vừa chống dịch vừa lo tiêu thụ nông sản đó cũng là cách mà tổ phản ứng nhanh tại xã Song Phương đang thực hiện. Các hội nhóm trên mạng xã hội đã chung tay tiêu thụ nông sản cho bà con. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ từ đội thanh niên tình nguyện giúp đóng gói, phân loại nông sản và vận chuyển.

Nhờ thực hiện tốt kết nối tiêu thụ nông sản, đến nay, vựa rau của xã không bị ứ đọng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Tuyết (xã Song Phương, Hoài Đức) thông tin, tổ thanh niên làm việc bất kể lúc nào, 24/24, sẵn sàng làm hết công suất để phân loại, đóng gói nông sản nhằm giúp bà con tiêu thụ nhanh chóng.

Theo ông Trần Cao Tiến, Phó trưởng Phòng kinh tế huyện Hoài Đức, do giãn cách không thể đi thực tế được nên đã dùng mạng xã hội thành lập nhóm để tiêu thụ, hàng ngày trên cơ sở đăng ký của các đơn vị có nhu cầu mua, thông tin lại đơn vị có nhu cầu bán. Các tổ đã giúp bà con nông dân thu mua 206.000 tấn rau các loại, 51.000 tấn ổi nhãn, 190.000 quả trứng gà vịt.

{keywords}
Tổ công tác kết nối tìm kiếm người mua
{keywords}
Nông dân thu hoạch bán theo số lượng đã đăng ký
{keywords}
Mức giá bán chung được quy định rõ ràng không bị ép giá
{keywords}
Thanh niên, phụ nữ tham gia tình nguyện phân loại, đóng gói nông sản
{keywords}
Nông sản được tiêu thụ hết trong ngày
{keywords}
Hàng nghìn tấn nông sản được cung cấp cho các khu vực của Hà Nội

Sở NN-PTNT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã về việc lập 5 điểm trung chuyển hàng hóa trên địa bàn nhằm giảm tải áp lực cho chợ đầu mối. Các điểm được Sở đề xuất gồm: Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), sân vận động huyện Thanh Trì, sân vận động huyện Hoài Đức và một số điểm khác của huyện Gia Lâm.

Sở đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổng hợp, cập nhật thông tin các cơ sở, hợp tác xã, trang trại sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, phương tiện tham gia vận chuyển thực phẩm, vật tư nông nghiệp thiết yếu trên địa bàn, khó khăn, vướng mắc về đơn vị để tổng hợp theo quy định.

Cơ quan này cũng đề xuất các quận, huyện cần quan tâm, có phương án sớm tiêm vắc xin Covid-19 cho lực lượng cán bộ ngành nông nghiệp đóng trên địa bàn, vì đây là lực lượng phải hoạt động thường xuyên, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao; đề nghị Sở GTVT hỗ trợ giải quyết nhanh nhất việc xác nhận cho các xe chuyên chở hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn.

Bảo Anh - Đức Hiếu