Phố ăn chơi tiêu điều

Chị Phương Thùy (quận 1) không còn nhớ nổi lần cuối cùng nhìn thấy những hình ảnh đông đúc tại phố Tây nổi tiếng Bùi Viện là khi nào. Thậm chí, tiếng nhạc xập xình đêm muộn từ các quan bar khiến người phụ nữ này khó chịu cũng hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí.

Thời gian giãn cách kéo quá dài, nhiều quán bar, nhà hàng nổi tiếng xung quanh khu phố đã đóng cửa từ lâu. Nhà hàng - Bar Go2 góc đường Đề Thám - Bùi Viện chỉ còn một nhân viên ở lại trông coi đồ đạc. Go2 đóng cửa từ tháng 5 và hiện chủ sở hữu nhà hàng bỏ kinh doanh, sang sinh sống tại Hoa Kỳ. YOLO pub - địa điểm ăn chơi “chất” nhất phố Tây ngày nào giờ là căn nhà hoang mặt tiền, với đầy biển thông báo cho thuê được dán bên ngoài.

Nhiều mặt bằng kinh doanh khác dọc Bùi Viện cũng đóng cửa, trả mặt bằng hoặc chuyển công năng sử dụng sang thực phẩm. “Hơn 10 năm sinh sống tại đây, chưa bao giờ tôi chứng kiến hình ảnh này. Dịch bệnh đã giết chết con phố”, anh Hải Thanh (quận 1) nhận xét.

{keywords}
YOLO pub năm 2019 (ảnh: IT)
{keywords}
YOLO pub tại phố Bùi Viện - "Bạn chỉ sống một lần" đã đóng cửa (ảnh:Trần Chung)
{keywords}
Bên trong pub như nhà bỏ hoang nhiều tháng nay (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
Phố Tây nổi tiếng Bùi Viện không còn là chính mình do tác động của đại dịch (ảnh: Trần Chung)

Chủ một nhà hàng ở Bùi Viện cho biết, có 3 lý do khiến khu phố ăn chơi này chưa thể phục hồi. Thứ nhất, dịch bệnh khiến hoạt động của các quán bar, karaoke, ăn uống tại chỗ vẫn tiếp tục bị cấm. Thứ hai, tâm lý e dè đám đông sẽ tác động đến người dân khi đến những khu vực đông như nhà hàng, quán bar. Thứ ba, người dân thắt chặt chi tiêu và tìm các hoạt động giải trí khác phù hợp, tiết kiệm hơn.

Hình ảnh tương tự, đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) nơi tập trung nhiều nhà hàng lẩu, nướng, buffet với mức giá tầm trung trở lên, cũng vắng bóng người. Một số địa điểm kinh doanh đã mở bán mang về. Song, ghi nhận thực tế cho thấy, thực khách đến mua rất ít hoặc thậm chí có nhà hàng cả ngày không một bóng khách.

“Chúng tôi mở lại cho khách đỡ quên thương hiệu, chứ không hy vọng lời lãi gì thời điểm này. Nhiều hôm, nhân viên đến mở cửa nhưng không có khách. Họ ngồi chơi, nói chuyện hết giờ rồi lại đi về”, đại diện một nhà hàng chia sẻ.

Con số lịch sử tác động tới tâm lý con người hậu Covid-19

Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam - cho biết, hơn 20 năm nghiên cứu hành vi mua sắm từ thành thị tới nông thôn, đây là lần đầu tiên, đơn vị này nhận thấy sự bị quan đang bao trùm tâm lý.

Để so sánh, Kantar khảo sát mức độ lo sợ của người dân trong đợt dịch đầu tiên tại Việt Nam khi giãn cách xã hội toàn quốc vào tháng 4/2020. Thời điểm đó, có hơn 30% số hộ dân được hỏi nhận thấy không ổn. Nhưng đợt khảo sát vừa hoàn thành, con số lịch sử lên tới 54% hộ cho hay không ổn tý nào.

Với câu hỏi giống hệt năm 2020, chỉ có 2-3% cho rằng mọi thứ vẫn ổn vào năm 2021. Ngay cả các gia đình có thu nhập lên tới hàng chục triệu/tháng cũng cảm thấy bất an và cắt giảm chi tiêu để ứng phó trong tình hình mới. Dù có thể họ chưa bị ảnh hưởng, nhưng chứng kiến những gì diễn ra xung quanh nên có tâm lý tiết kiệm.

“Trước đây, nhu cầu thứ tự của người dân là lo lắng sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm rồi mới tới thu nhập. Bây giờ, các mối bận tâm thế chỗ là dịch bệnh, đảm bảo công ăn việc làm và chi phí mua lương thực thực phẩm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khảo sát của chúng tôi có trường hợp này”, bà Nga thông tin.

{keywords}
Một địa điểm nhà hàng ngã tư đường đã "sập tiệm" (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
Đời sống người dân, doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ gặp nhiều khó khăn sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư (ảnh: Trần Chung)

Hệ quả của đại dịch Covid-19 tác động nhiều tới hành vi con người. Những lo lắng trên thay đổi một cách cụ thể tới hành vi tiêu dùng, quyết định chi tiêu của người dân. Khách hàng sẽ mua chủ yếu là đồ thiết yếu chứ không mua tùy hứng, cần cái gì mới mua.

Điều này giải thích một phần lý do vì sao dịch vụ kinh doanh quán bar, vũ trường ở đường Bùi Viện (quận 1), các nhà hàng ở đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) hay các cửa hàng bán đồ thời trang mặt tiền đường 3/2 (quận 10) sẽ rất khó để gượng dậy. Từ đó, dẫn đến quyết định trả lại hàng loạt mặt bằng tại TP.HCM của các chủ kinh doanh.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định, việc người dân không lạc quan về điều kiện tài chính có thể lường trước được. Nhưng những con số đáng giật mình về khó khăn của người tiêu dùng, cũng chính là khó khăn của các DN. Đáng buồn cho DN là người dân có thể sẽ quên cả chi tiêu cho dịp Tết cuối năm. Khi thấy không đủ tiền, không thấy có niềm vui trong mua sắm thì họ sẽ không mua đồ, điều này vô hình chung thêm “sự trừng phạt” cho DN.

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân mới đây cho rằng, TP.HCM đang phải đối mặt với tình huống đặc biệt chưa từng có trong lịch sử do vậy cũng cần giải pháp phải chưa từng có. DN không hoạt động, người lao động không có việc làm thì thu nhập không còn.

Ông Nhân dẫn chứng ở các nước, Chính phủ đã phải cấp tiền trực tiếp cho người dân khi không có việc làm. Người dân dùng tiền đó để mua hàng, lúc đó mới kích cầu cho sản xuất hàng tiêu dùng. Nếu dân không có tiền, DN có sản xuất lại cũng không có người mua.

Nghiên cứu 14 quốc gia cho thấy, để ứng phó với đại dịch, các nước chi theo nguyên tắc khi kinh tế suy giảm thì nợ công tăng, dùng nợ công để hỗ trợ kinh tế phát triển trở lại. Kinh tế suy giảm với tốc độ lớn thì nợ công tăng tốc độ lớn. Ví dụ, khi kinh tế tăng trưởng âm 5,7% năm 2019-2020, Chính phủ Hoa Kỳ dành 3 gói cứu trợ trong 1 năm giá trị 4.410 tỷ USD, bằng 23% GDP. Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ 2.225 tỷ USD, tương đương 15% GDP cũng trong 2 năm khi kinh tế tăng trưởng âm 3,7%.

Với tư cách là thành viên của Đoàn ĐBQH TP.HCM, từ các nghiên cứu trên, ông Nhân kiến nghị phải có tổng gói tài trợ ít nhất khoảng 6,5% GDP, tương đương khoảng 18 tỷ USD (410.000 tỷ đồng) chủ yếu từ nguồn nợ công để chi hỗ trợ DN, người lao động trong bối cảnh suy giảm kinh tế rất đặc biệt hiện nay.

Trần Chung

Chủ tịch TP.HCM: Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất cuộc đời tôi

Chủ tịch TP.HCM: Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất cuộc đời tôi

'Nhưng ngày đã qua là những ngày khốc liệt. Với nhiều anh chị doanh nhân còn có những giai đoạn khó khăn hơn nhưng đối với cá nhân tôi, đây là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời mình'