Điều lạ lùng là thương lái Trung Quốc không chỉ mua dứa chín mà còn mua cả quả còn xanh và cả dứa còn non.

Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc (TQ) đã đến nhiều vùng trồng dứa tại Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa… để mua dứa (khóm) với giá cao bất thường. Chính vì vậy nhiều nhà máy chế biến dứa để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của Việt Nam không còn nguyên liệu để sản xuất, chế biến. Thậm chí một số nhà máy phải đóng cửa.

Mua từ A đến Z

Chúng tôi đến nông trường dứa Thống Nhất thuộc thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định - nơi được xem là “thủ phủ” dứa của tỉnh Thanh Hóa. Ông Phạm Văn Hội, nông dân trồng dứa tại đây, kể cách đây một tháng giá dứa chỉ khoảng 4000-4.300 đồng/kg nhưng gần đây tăng vọt lên 9.000-9.200 đồng/kg do thương lái TQ tranh nhau mua.

{keywords}

“Tôi trồng dứa từ lâu rồi nhưng chưa bao giờ thấy giá cao như hiện nay. Mọi năm thương lái TQ chỉ mua nhỏ giọt, còn năm nay họ mua ồ ạt. Có thời điểm họ đưa cả xe trọng tải lớn đến vài ba chục tấn đến bốc dứa, có bao nhiêu đều vét hết” - ông Hội nói.

Nhiều nông dân khác cũng cho hay thương lái TQ xuất hiện khắp các vùng dứa nguyên liệu để thu gom với số lượng lớn. Họ ưng ý vườn dứa nào thì thỏa thuận giá rồi đưa tiền liền cho chủ vườn bẻ. Điều lạ lùng là họ không chỉ mua dứa chín, quả to mà còn mua cả quả nhỏ còn xanh với giá cao.

Bà Nguyễn Thị Liễu, ở khu phố 32, thị trấn Thống Nhất, so sánh:“ Thương lái TQ mua tất tần tật chứ không giống các nhà máy ở địa phương chỉ mua dứa đủ độ chín”.

Một thương lái người Việt tên T. cho biết thêm thương lái TQ mua rất nhanh và đưa tiền liền. “Có ngày tôi gom cho họ vài trăm tấn dứa xanh, kể cả dứa non. Tôi giao dịch với người TQ nhưng cũng chẳng biết tên hay địa chỉ của họ ở đâu. Việc mua bán chẳng có hợp đồng ràng buộc gì cả. Họ đưa ra giá và số lượng rồi nhờ tôi thu gom, khi nào đủ hàng thì tôi gọi điện thoại cho họ đến nhận hàng”.

Do thương lái TQ ráo riết săn lùng nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vùng nguyên liệu dứa ở Thanh Hóa, Ninh Bình hết sạch.

{keywords}

Thương lái Trung Quốc đã đến nhiều vùng thu mua dứa với giá cao bất thường. Trong ảnh: Nông dân đang hái dứa bán cho Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt khóc ròng

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất khẩu Nông Sản Việt, đánh giá chưa năm nào thương nhân TQ lại ồ ạt gom dứa với số lượng lớn trên quy mô rộng như năm nay. Họ đi đến đâu là mua hết sạch ở đó, kể cả vườn dứa còn xanh, non họ cũng mua tuốt. Nếu cứ đà này, thời gian tới dứa sẽ không còn.

“Việc thương lái TQ thu mua dứa với giá trên trời đã đẩy 16 nhà máy chế biến dứa xuất khẩu ở miền Bắc phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Riêng ở địa bàn Thanh Hóa có ba nhà máy thì hai nhà máy đã tạm thời đóng cửa. Bản thân nhà máy của chúng tôi có công suất chế biến 15-20 tấn/ngày đã phải tạm đóng cửa khoảng một tuần nay. Bởi thương lái TQ đẩy giá dứa lên quá cao khiến chúng tôi không thể cạnh tranh được. Nói cách khác, nếu chúng tôi cố chạy theo họ thì sẽ lỗ lớn” - ông Quỳnh bức xúc.

Ông Quỳnh lo ngại hiện tại TQ mua dứa với giá cao nên nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng dứa nhưng nếu mùa dứa tới họ không mua nữa thì bà con nông dân sẽ gặp rủi ro lớn, dứa ế thì ai cứu.

“Do đó tôi nghĩ Nhà nước cần phải có những giải pháp căn cơ hỗ trợ để nông dân và doanh nghiệp làm ăn theo chuỗi, bắt tay nhau. Tức là đẩy mạnh hợp tác ba nhà: nhà nông, doanh nghiệp và Nhà nước thì mới bền vững được. Tránh trường hợp thương lái TQ đổ xô vào mua giá cao rồi sau đó đột ngột không mua nữa khiến cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều khổ, điệp khúc giải cứu nông sản lại lặp lại. Những bài học về dưa hấu, vải thiều, thanh long, thịt heo… vẫn còn thời sự” - ông Quỳnh nhấn mạnh.

Ông Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT, cho rằng về mặt quản lý, những thương lái nước ngoài vào thu mua thì cần phải đăng ký, khai báo. Chúng ta không gây khó khăn cho thương nhân khi vào Việt Nam kinh doanh buôn bán nhưng cũng không thể lỏng lẻo để họ thao túng thị trường. Bởi thực tế đã có chuyện khi nông dân ồ ạt mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thì các thương lái TQ bất ngờ thay đổi phương thức thu mua, ép giá, thậm chí biến mất.

Từ thực tế trên, ông Thắng nhấn mạnh: “Chính quyền, nông dân cần phải hết sức tỉnh táo bởi mua bán sản phẩm với số lượng lớn bây giờ không thể chỉ hứa suông, nói miệng mà phải có hợp đồng hẳn hoi”.

Phải làm đúng pháp luật

Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thống Nhất, Thanh Hóa, lo lắng: “Thương lái TQ thu mua với giá cao thì nông dân trước mắt được lợi, tuy nhiên nếu họ đột ngột dừng thu mua thì rất nguy hiểm vì việc buôn bán không có hợp đồng gì cả. Để hạn chế rủi ro cho bà con, chúng tôi cũng đã có những cảnh báo không nên vì thấy lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Năm nay họ mua, sang năm không mua thì biết bán cho ai, chẳng lẽ đến lúc đó sang TQ mà kêu”.

Nhiều chuyên gia cảnh báo để tránh những chuyện đáng tiếc lặp lại, chính quyền địa phương cần phải giám sát được hoạt động của các thương lái nước ngoài. Qua đó buộc họ làm ăn theo đúng pháp luật (phải có giấy phép, khai báo, đóng thuế…), đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng nhằm giảm thiểu rủi ro cho bà con.

Tại tỉnh Tiền Giang trước đây từng xảy ra chuyện thương lái TQ đột ngột biến mất sau một thời gian ồ ạt mua dứa. Điều này khiến hàng loạt nông dân, doanh nghiệp và thương lái Việt Nam khóc ròng. Nhiều mặt hàng nông sản khác cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)