Cũng bởi thế, nghề chế biến sứa ở Cô Tô đã đi vào ngõ cụt, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhiều người tính bỏ nghề sang làm nghề khác...

Hoang tàn làng chế biến sữa được coi là "vàng trắng" ở Cô Tô

Chúng tôi đến khu 4, thị trấn Cô Tô - nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở thu mua, chế biến sứa trên huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Những ngày giữa tháng 10, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 7, huyện đảo Cô Tô có mưa to, sóng dữ dội hơn những ngày bình thường. Nhưng nhìn những xưởng chế biến sứa hoang tàn, nguội lạnh, cảm giác như vừa bị bão tàn phá.

{keywords}
Xưởng sứa hoang tàn, không một bóng người.

Cả khu vực nhà xưởng ven biển ở các bãi số 1, 2, 3 thuộc khu 4, thị trấn Cô Tô im lìm, tịnh không một bóng người. Khung gỗ, cọc tre và một số mái lợp bị hư hỏng, nằm chỏng chơ trên bãi cát. Các bể ngâm sứa trước kia, nay tận dụng làm kho chứa vỏ thùng nhựa. Các bể sứa còn lại nằm phơi nắng, bị bỏ không từ nhiều tháng nay.

Ít ai ngờ rằng hình ảnh nhộn nhịp với những đoàn tàu chở sứa nối đuôi nhau ra vào bến trước đây, hay cảnh nhân công đông đúc, thoăn thoắt tay chân ở các xưởng sứa, nay lại im ắng lạ thường đến vậy.

Cách đây 8 tháng, gia đình bà Nguyễn Thị Mười (khu 4, thị trấn Cô Tô) mạnh dạn thế chấp sổ đỏ vay 1,7 tỷ đồng từ Ngân hàng NN&PTNT để đầu tư thu mua 24 vạn con sứa biển dự trữ vào các bể, chế biến đóng thùng xuất bán. Tưởng chừng mua được mẻ sứa tươi, chế biến đóng thùng chào bán được giá cao, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, sứa liên tục rớt giá, thương lái Trung Quốc không mặn mà thu mua, khiến gia đình bà Mười như ngồi trên đống lửa. Bao nhiêu công sức, vốn đầu tư của gia đình vẫn đang chìm ngâm trong các bể sứa, chưa xuất hàng được.

{keywords}
Những bể sứa nguội lạnh do ngừng chế biến từ nhiều tháng nay.

Nhìn thùng sứa chất đầy trong xưởng, bà Mười buồn bã tâm sự: "Chục năm gắn bó với nghề làm sứa, nhưng chưa năm nào việc tiêu thụ lại gặp khó khăn như năm nay. Từ đầu năm đến giờ, gia đình tôi mới xuất bán được gần 4.000 thùng sứa, hiện còn tồn hơn 10.000 thùng sứa các loại".

Bà Mười cho biết thêm: "Thị trường xuất khẩu khó tiếp cận được các đối tác Trung Quốc, trong khi đó, sức tiêu thụ nội địa rất ít, thương lái mua giá rẻ từ 100.000 - 120.000 đồng/thùng. Nếu bán với giá trên, gia đình sẽ lỗ gần 1 tỷ đồng. Giờ gia đình chỉ dám thuê 1 công nhân trông coi xưởng sứa, sản xuất cầm chừng, còn lại 5 công nhân kỹ thuật và hơn 30 công nhân thời vụ trước đó đã cho nghỉ hẳn".

Không chỉ gia đình bà Mười, nhiều xưởng chế biến sứa khác ở Cô Tô đều rơi vào tình trạng tương tự.

Anh Lê Bá Tùng, một chủ cơ sở sản xuất, chế biến sứa ở khu 4, thị trấn Cô Tô, cho biết, hiện các chủ cơ sở và bà con làm sứa ở đây đang trông chờ vào việc xuất sứa sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều thương lái Trung Quốc thông tin lại, mặt hàng sứa xuất khẩu qua đường biên bị kiểm soát gắt gao, đòi hỏi nhiều thủ tục giấy tờ. Đây là nguyên nhân khiến sứa Cô Tô khó tiêu thụ, tồn kho tăng. Sứa thành phẩm, nếu không biết cách bảo quản, để lâu ngày rất dễ bị hư hỏng. Trước đó các xưởng đã bán tháo gỡ ít vốn, chịu lỗ tiền tỷ.

{keywords}
Hiện huyện Cô Tô còn tồn hơn 150.000 thùng sứa các loại.

"Hiện gia đình tôi còn tồn hơn 8.000 thùng sứa, trị giá khoảng hơn 1,7 tỷ đồng. Bao nhiêu hy vọng vào mùa sứa này sẽ cứu vãn 2 mùa sứa trước, nhưng không ngờ lại thê thảm hơn. Đến giờ này, chúng tôi chẳng còn hy vọng nhiều, coi như công sức, tiền của mất trắng, khó gỡ lại. Cứ đà này chắc vụ sứa tới, nhiều cơ sở sứa Cô Tô hết vốn phải "treo" bể, tính chuyển sang nghề khác làm ăn" - anh Tùng nói.

Ông Mai Công Đàm (khu 1, xã Thanh Lân), chủ cơ sở chế biến sứa lớn nhất Cô Tô, cho biết: "Trước năm 2018, sứa là lộc trời, là hi vọng thoát nghèo, làm giàu của người dân Cô Tô. Nhưng 2 năm trở lại đây, tình hình tiêu thụ giảm sút. Sứa thành phẩm sau khi chế biến không xuất khẩu được. Có những chuyến hàng chờ xuất, thủ tục, vận chuyển, lưu kho bãi, bảo quản cả tháng trời, gây thiệt hại nặng".

Đừng để "lộc trời" rơi...

{keywords}
Sứa thành phẩm trong bể và đóng thùng ở xưởng hộ gia đình bà Phạm Thị Bốn (khu 4, thị trấn Cô Tô) vẫn còn tồn khá nhiều.

Trăn trở của chủ xưởng trên cũng chính là nỗi trăn trở của hơn 30 hộ sản xuất chế biến sứa tại Cô Tô. Theo thống kê, hiện lượng sứa thành phẩm lưu kho tới hơn 150.000 thùng. Hộ kinh doanh gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí phát sinh như điện, nước, thuê nhà xưởng và chi phí nhân công.

Ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng Phòng TNMT và nông nhiệp huyện Cô Tô, cho biết, do chính sách biên mậu nước bạn thay đổi, siết chặt lại quy định kiểm soát nhập khẩu, tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản, đóng gói hàng hóa… Đây có lẽ là lí do ngành chế biến sứa Cô Tô đang lao đao.

{keywords}
Các bãi 1,2,3 thuộc khu 4, thị trấn Cô Tô trước đây luôn nhộn nhịp cảnh công nhân lao động, nay đìu hiu vắng vẻ khác thường.

Cũng theo ông Hà Mạnh Hùng, huyện Cô Tô cũng đang tích cực vào cuộc giải quyết, tháo gỡ. Trước hết, huyện đang tích cực, chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng xem xét hoãn, giãn các khoản vay, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, tổ chức hội nghị kết nối giao thương cung cầu giữa doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, hướng dẫn người dân các quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu, hướng dẫn hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, hồ sơ... để cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, nhãn mác xuất xứ, nguồn gốc đảm bảo các tiêu chí tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu vào nhiều nước khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Khuyến khích các mô hình liên kết chuỗi từ khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ năng lực và điều kiện xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm. Hiện huyện cũng báo cáo tỉnh để đề xuất hỗ trợ lên bộ, ngành liên quan để tháo gỡ.

Thống kê của huyện Cô Tô, cả huyện có 30 cơ sở chế biến sứa. Tuy nhiên, vụ sứa năm 2020 chỉ có 23 cơ sở hoạt động, trong đó 7 cơ sở tồn kho hơn 150.000 thùng sứa các loại (nặng 7kg/thùng), tương đương hơn 21 tỷ đồng. Giá bán sứa hiện dao động từ 150.000-200.000 đồng/thùng, nhưng vẫn không có người mua, tiêu thụ rất chậm (giảm 1 nửa so với giá xuất khẩu).

Trong khi sứa rớt giá liên tục, khó tiêu thụ, 7 cơ sở này đang phải "cõng" thêm chi phí sản xuất tăng theo từng ngày. Khó khăn chồng chất khiến các cơ sở sản xuất sứa đứng trước nguy cơ đóng cửa.

(Theo Dân Việt)