Sinh ra và lớn lên tại Tiên Lãng, năm 2009, anh Phạm Viết Toản (sinh năm 1981 ở thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP Hải Phòng) lấy vợ ở thôn Kiều Trung và  lập nghiệp tại đây. Trong một lần tình cờ sang nhà người thân chơi, anh thấy ông trồng nhiều hoa hồng. Qua tìm hiểu, anh biết trên thị trường nhiều người đang thích chơi hoa hồng nên bắt đầu nghiên cứu về loại hoa này.

{keywords}
Anh Phạm Viết Toản, xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP Hải Phòng đam mê với nghề trồng hoa hồng cổ.

Đầu năm 2017, anh vận động gia đình chuyển 2 sào trồng đào sang trồng hoa hồng. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, anh Toản trồng tràn lan nhiều loại hồng khác nhau. Sau phát hiện thấy giống hoa hồng cổ Hải Phòng có nhiều ưu điểm nên anh tập trung chuyên trồng giống hồng này.

Khác với những hộ dân trong xã, anh Toản tìm hướng phát triển thị trường riêng. Thay vì bán cây như nhiều hộ dân khác, anh chiết cành để bán giống. Mỗi cành hồng chiết giá thấp nhất là 25.000 đồng. 

Cách làm này không tốn chi phí vận chuyển, lại nhanh có thu nhập. Cứ sau 20  ngày chiết cành là được bán. Bên cạnh đó, anh Toản lập các trang facebook và zalo để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hằng ngày, cùng với việc chăm sóc hồng, anh chụp ảnh, quay video đăng lên mạng xã hội để quảng cáo. 

Ngoài trang facebook cá nhân, anh cũng lập trang xã hội tập hợp những người có sở thích trồng hoa hồng cổ. Cách làm này không chỉ giúp thị trường tiêu thụ hoa hồng của gia đình mở rộng, còn giúp thương hiệu hoa hồng cổ Kiều Trung được nhiều người biết đến.

Hiện nay, ngoài diện tích trồng hồng tại thôn Kiều Trung, anh Toản đầu tư trồng 2 mẫu hồng tại thôn Xuân Hưng, xã Tây Hưng (huyện Tiên Lãng). Mỗi tháng anh bán ra thị trường 6.000 cành chiết, hằng năm vườn hồng cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Đức Chữ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái, anh Toản thành công nhờ cách làm hiện đại trong việc tiếp cận thị trường, mở ra một hướng mới cho nhiều người làm nghề nông trên địa bàn huyện học hỏi, làm theo.

(Theo Báo Hải Phòng / Dân Việt)