Thu phí xử lý cả kẹo cao su và thực phẩm

Đóng góp ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương cho rằng, việc quy định cứng nhắc danh mục các sản phẩm kèm theo mức đóng góp và thời điểm thực hiện trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải tại Phụ lục 61 là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đơn cử, Bộ Công Thương cho hay, thời gian qua, nhiều hiệp hội ngành hàng của EU như Euro Charm, Hiệp hội thực phẩm Ý,... đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ Công Thương bày tỏ quan ngại về dự thảo quy định nêu trên, khi coi “kẹo cao su” và thực phẩm là những sản phẩm độc hại, khó tái chế.

Theo đó, ngành sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su bắt buộc phải đóng góp một khoản phí cố định trên tổng doanh thu hàng năm cho Quỹ bảo vệ môi trường, của Bộ TN&MT, để xử lý rác thải kẹo cao su.

Bộ Công Thương đánh giá: Việc đóng góp tiền là chưa có tiền lệ ở châu Âu, không giải quyết gốc rễ được vấn đề hạn chế xả thải mà còn làm tăng chi phí sản phẩm, khiến đa phần người tiêu dùng phải trả tiền thêm để giải quyết hậu quả do một số ít người gây ra.

{keywords}
Nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su phải đóng góp một khoản phí cố định trên tổng doanh thu hàng năm cho Quỹ bảo vệ môi trường

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ chế hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (Quỹ BVMT) để thực hiện tái chế sau khi doanh nghiệp đóng tiền vào Quỹ BVMT.

Bởi vì, khi doanh nghiệp nộp tiền vào Quỹ BVMT thì trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ của doanh nghiệp đã chuyển thành trách nhiệm của Quỹ BVMT. Do đó, Quỹ phải có trách nhiệm tái chế. Trường hợp Quỹ không thể thực hiện tái chế thì cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính hay chế tài tương ứng để yêu cầu Quỹ thực hiện trách nhiệm của mình.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, linh kiện máy móc, tin học, viễn thông, chế phẩm sinh học, xử lý chất thải,... thì tái chế không phải là vấn đề khó thực hiện mà vấn đề khó nhất ở khâu thu gom. Theo các quy định hiện hành về thu hồi sản phẩm thải bỏ, khi các sản phẩm thải bỏ của các loại thiết bị nêu trên được đưa ra điểm thu hồi thì phải quản lý như là chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp và chỉ những đơn vị “có chức năng”, có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải nguy hại mới được phép thu gom, vận chuyển, xử lý...

Mặt khác, sản phẩm thải bỏ qua sử dụng của hộ gia đình phân tán trên phạm vi toàn quốc khó thu gom tập trung. Đây là rào cản chính khiến các doanh nghiệp sản xuất (đa phần không phải là đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải nguy hại khó thu hồi sản phẩm thải bỏ của mình phục vụ tái chế.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng: Để giúp giải quyết điểm nghẽn về tái chế sản phẩm thải bỏ thì cần thiết nhất là quy định để thực hiện thu gom, thiết lập các hệ thống thu hồi thiết bị, sản phẩm thải bỏ.

“Nếu không làm được điều này thì dù doanh nghiệp có nộp một khoản kinh phí vào Quỹ BVMT thì khả năng thực hiện tái chế của Quỹ cũng rất khó khăn và hệ quả tất yếu là vẫn không thể thực hiện tái chế theo tỷ lệ quy định”, Bộ Công Thương chia sẻ.

Làm rõ cơ sở thu phí

Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế (ICGA) cho rằng, nếu dự thảo Nghị định được thông qua, thì bên cạnh các nghĩa vụ thuế hiện tại, ngành sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su bắt buộc phải đóng góp một khoản phí cố định trên tổng doanh thu hàng năm cho Quỹ bảo vệ môi trường của Bộ TN&MT để xử lý rác thải kẹo cao su. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy rác thải kẹo cao su là một vấn đề rác thải nghiêm trọng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Ngoài ra, cũng chưa rõ cách tính mức phí EPR đang được đề xuất, trong khi không có bằng chứng cụ thể dựa trên dữ liệu về khối lượng rác thải kẹo cao su và chi phí làm sạch tương ứng tại Việt Nam.

ICGA kiến nghị không nên áp dụng phí EPR đối với kẹo cao su, vì đây là mặt hàng thực phẩm duy nhất chịu nghĩa vụ đóng phí trong dự thảo Nghị định. Chỉ khi có đánh giá rõ ràng về vấn đề này, ngành sản xuất kẹo cao su mới sẵn sàng thảo luận với Bộ TN&MT về các biện pháp thích hợp nhất để giải quyết nguy cơ tiềm ẩn cũng như xây dựng các sáng kiến tích cực khác.

Cũng liên quan vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Các sản phẩm này được cho là khó thu gom, xử lý do khối lượng không lớn và sản phẩm có kích thước rất nhỏ.

VCCI cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp vì việc thu tiền xử lý chất thải trên mỗi sản phẩm sẽ đánh đồng giữa người tiêu dùng có trách nhiệm (thải bỏ đúng cách, đúng chỗ) với người tiêu dùng không có trách nhiệm (là đối tượng thải ra các sản phẩm cần thu gom, xử lý). Thay vào đó, việc thu gom, xử lý chất thải của các sản phẩm này nên được thực hiện bằng phương pháp khác để đảm bảo xác định đúng mục tiêu và đối tượng cần xử lý.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ hai sản phẩm trên ra khỏi Danh mục sản phẩm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý.

 

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành đối với Bộ TN&MT, liên quan đến ý kiến góp ý của các doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT lưu ý các quy định của dự thảo đảm bảo phù hợp với thực tiễn, công tác quản lý nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.

 

Hà Duy

Người phụ nữ Nhật làm mọi thứ từ bìa các-tông, bán giá trăm triệu đồng

Người phụ nữ Nhật làm mọi thứ từ bìa các-tông, bán giá trăm triệu đồng

Sử dụng một chiếc nhíp dài, Monami Ohno khéo léo đặt những "vảy" các-tông nhỏ lên chân của tác phẩm điêu khắc Godzilla, loài bò sát khổng lồ trong bộ phim kinh điển của Nhật Bản.