Sau hơn một năm xảy ra dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện neo ở mức 83.000-93.000 đồng/kg, chưa hề có dấu hiệu giảm về mức giá hợp lý dù Chính phủ, Bộ NN-PTNT nhiều lần yêu cầu. Nguyên nhân được cho là do thiếu hụt nguồn cung, chi phí chăn nuôi tăng cao.

Việc này kéo theo giá các sản phẩm thịt lợn trên thị trường tăng cao chót vót. Tại các khu chợ truyền thống, thịt lợn cố thủ ở mức 140.000-180.000 đồng/kg, thậm chí có loại giá tới 220.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại hệ thống siêu thị, giá thịt lợn còn dao động từ 150.000-310.000 đồng/kg.

Theo Bộ NN-PTNT, ngoài nhập khẩu, một trong những biện pháp giúp thịt lợn hạ nhiệt là đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn. Song, vấn đề đáng nói là nguồn cung lợn giống đang thiếu hụt, giá lợn giống tăng cao, lên tới 2,7-3 triệu đồng/con. Nhiều người đặt mua lợn giống để tái đàn mà chờ cả 2 tháng vẫn chưa có.

{keywords}
Doanh nghiệp đang xin nhập khẩu 6 vạn con lợn nái để về sản xuất lợn giống phục vụ cho việc tái đàn, tăng đàn

Chia sẻ về vấn đề trên, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Trọng thừa nhận, hiện giá giống lợn rất cao,từ 2,5-3 triệu đồng/con.

“Theo báo cáo của 63 tỉnh thành, hiện đàn nái còn 2,7 triệu con, 109.000 con lợn cụ kỵ và ông bà (trước còn 4 triệu con). Ông Trọng khẳng định chúng ta vẫn giữ được đàn cụ kỵ trên 120.000 con. Đây là đàn nái mấu chốt để tái đàn.

Ông cho biết, vừa qua dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, có 99,3% số xã không xảy ra dịch tả lợn châu Phi trong vòng 30 ngày. Vì thế, chủ trương của Bộ và các tỉnh đang khuyến khích tái đàn để chủ động thực phẩm.

Nhưng từ tháng 5-7/2019, thời gian cao điểm của dịch tả lợn châu Phi, nhiều đàn nái tại các nông hộ đã bị tiêu hủy. Vì thế, trong các tháng tới, các hộ chăn nuôi, các gia trại khó có thể tái đàn vì thiếu con giống. Tại Bắc Giang, đàn nái đã mất 50%.

Theo ông, đàn nái đang còn chủ yếu ở 17 doanh nghiệp, các doanh nghiệp này cũng tái đàn nên không bán bán lợn giống ra ngoài mà chủ yếu cung cấp cho mạng lưới trang trại liên kết của họ. “Đây cũng là lý do khiến bà con chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn lợn giống, dẫn tới khó tái đàn”, ông nói.

Cũng theo ông Trọng, mới đây Bộ NN-PTNT đã mời các doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh, thành đến để bàn về việc tái đàn. Qua đó, Bộ cam kết sẽ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và bà con chăn nuôi.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Việt Nam đã nhập 316.000 con nái, sắp tới sẽ nhập thêm 12.000 con. Có doanh nghiệp đã đăng ký nhập 2.000 con nhưng không chuyển về được vì dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Có doanh nghiệp xin nhập tới 60.000 con nái, ông chia sẻ.

“Các doanh nghiệp nên nhập loại lợn trên 80kg để nhanh sản xuất được giống phục vụ tái đàn. Bộ đang tìm cách hỗ trợ nhưng vẫn rất nan giải”, ông nói.

T.An