- Hiện nay, vải thiều chính vụ của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bắt đầu cho thu hoạch. Cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trong khâu tiêu thụ, chính quyền và nhân dân huyện luôn quan tâm, giúp đỡ thương lái, nhất là người nước ngoài trong thời gian lưu trú để thu mua vải thiều.

Thân thiện, mến khách

Bước vào vụ vải thiều, công việc khá bận rộn, song dường như ngày nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Bé, khu Tân Tiến, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn đều đi chợ, nấu ăn mời thương lái người Trung Quốc ăn cơm cùng gia đình. Có những hôm cân vải vất vả, bà tự tay nấu chè, pha nước hoa quả mời họ uống để bồi bổ sức khỏe.

Do có địa điểm thu mua vải đẹp, kết hợp có nhà nghỉ, nên hiện nay gia đình bà Bé có 7 thương nhân Trung Quốc lưu trú. Mặc dù nhu cầu thuê địa điểm cân vải, chỗ ăn ở của các thương lái thời điểm này rất lớn, nhưng bà Bé tuyệt nhiên không tăng giá, thậm chí ưu ái nhiều so với giá cả thị trường. "Thi thoảng họ muốn ăn các món ưa thích lại nhờ tôi mua hộ, còn chủ yếu gia đình tôi nấu ăn miễn phí cho họ. Mình coi họ như những người bạn thân nên chẳng tính toán thiệt, hơn", bà Bé tâm sự.

Không chỉ bà Bé, nhiều thương nhân của huyện Lục Ngạn cũng đối xử rất nhiệt tình, thân thiện với người Trung Quốc khi họ tới huyện làm ăn. Chị Nông Thị Mao, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn chia sẻ: Cứ vào vụ vải, gia đình lại dọn dẹp, sửa sang chỗ ăn, nghỉ để đón người nước ngoài về nhà mình. Năm nay, chị Mao lên tận cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn để đón gần 10 thương nhân Trung Quốc.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Bé, khu Tân Tiến, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) sửa soạn cơm mời thương nhân Trung Quốc tại gia đình

Ngoài ra, chị còn giới thiệu cho họ các đối tác làm ăn; những điểm cân đẹp, giá cả hợp lý trên địa bàn huyện... Những lúc ốm đau, mệt mỏi, các thành viên gia đình chăm sóc họ như những người thân.

Với các thương nhân, dù là nhiều lần hay lần đầu tiên đặt chân lên đất Lục Ngạn họ đều nhận được những tình cảm ấm áp của người dân nơi đây. Anh Hồ Kiến Hoa, thương nhân tỉnh Giang Tây,Trung Quốc cho biết: Đây là năm thứ 3, anh đến huyện Lục Ngạn thu mua vải thiều, được nhân dân địa phương đón tiếp chu đáo, từ chỗ ăn, nghỉ, đến việc hướng dẫn đi lại, vui chơi, giải trí. Những hôm đau đầu, cảm cúm, anh được chủ nhà mua thuốc cho uống. Có hôm lại đi dạo phố, cũng có khi vào tận nhà dân để xem họ thu hoạch vải. "Tuy thời gian lưu trú ngắn, nhưng mỗi lần đến với đất Bắc Giang, chúng tôi cảm thấy rất ấn tượng. Con người nơi đây thật thân thiện, gần gũi, an ninh rất tốt. Sang năm chúng tôi sẽ giới thiệu nhiều đối tác sang làm ăn hơn", anh Hoa nói.

Bảo đảm an toàn

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Lục Ngạn có hơn 200 thương nhân nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) thu mua vải thiều lưu trú tại huyện Lục Ngạn.

{keywords}

Công an huyện Lục Ngạn hỏi thăm, nắm bắt tình hình thu mua vải thiều đối với các thương nhân Trung Quốc trên địa bàn huyện.

Nhằm tạo sự thân thiện, an toàn, ấn tượng tốt đối với thương lái, nhất là người nước ngoài, chính quyền và ngành chức năng huyện Lục Ngạn đã có nhiều giải pháp; trong đó làm tốt công tác tuyên truyền tới chính quyền các xã, thị trấn, các hộ dân có người nước ngoài cư trú giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi khi thương nhân đến làm ăn.

Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Lục Ngạn cho biết: Thương nhân Trung Quốc đến huyện chỉ cần có hộ chiếu, thị thực là được phép tham gia thu mua vải. Đối với các hộ ở các xã, thị trấn có người nước ngoài lưu trú, sau 24 giờ phải khai báo với công an cấp xã và huyện để tiện theo dõi, quản lý, bảo đảm an toàn cho họ trong thời gian lưu trú.

Cùng đó, công an huyện cũng thường xuyên tuyên truyền các chủ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ chấp hành các quy định hiện hành đối với người nước ngoài. Thông tin kịp thời nếu xảy ra những vụ việc phức tạp nơi có người nước ngoài lưu trú để có biện pháp tháo gỡ, xử lý...

Theo nhận định, trong những ngày tới, khi mức độ tiêu thụ vải thiều lớn, các thương nhân nước ngoài đến huyện Lục Ngạn có thể sẽ tăng hơn. Với các biện pháp trong công tác chỉ đạo, quản lý của chính quyền và ngành chức năng; sự gần gũi, thân thiện, hiếu khách của nhân dân huyện Lục Ngạn đã tạo ra một hình ảnh đẹp trong lòng thương nhân khi đặt chân đến nơi này. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh về quê hương vải thiều cũng như đóng góp vào thành công của vụ vải.

Công Doanh