Tân Sơn Nhất, Nội Bài xếp hạng kém

Ngày 11/3, Cục Hàng không Việt Nam công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của hành khách về chất lượng dịch vụ năm 2018. Cuộc khảo sát được Cục Hàng không Việt Nam thực hiện trong thời gian từ tháng 10-12/2018 tại 6 cảng hàng không - sân bay (cả ga nội địa và quốc tế) gồm: Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang).

Kết quả đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam dựa trên 25.000 phiếu khảo sát được phát với 25 tiêu chí đánh giá về sự hài lòng của hành khách đối với 7 khu vực của cảng hàng không gồm: khu nhà ga đi, khu làm thủ tục hàng không, khu soi chiếu an ninh, khu công an xuất nhập cảnh, phòng chờ ra máy bay, nhà ga đến và phương tiện giao thông công cộng.

{keywords}
Sân bay Tân Sơn Nhất xếp hạng bét về chất lượng dịch vụ hàng không.

Trong số 6 cảng hàng không - sân bay được khảo sát, Cát Bi đứng đầu danh sách về chất lượng dịch vụ với mức trung bình 4,56 điểm. Còn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đứng cuối bảng xếp hạng ở mức 3,96 điểm.

Trước đó, vào năm 2017, cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của hành khách về chất lượng dịch vụ cũng được thực hiện, với 3 cảng hàng không: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Kết quả, Tân Sơn Nhất cũng đứng cuối bảng xếp hạng, với 3,96 điểm.

Như vậy, mức điểm trung bình tất cả các tiêu chí năm 2018 của sân bay Tân Sơn Nhất không thay đổi so năm 2017. Theo Cục Hàng không, đây là điểm đáng ghi nhận trong bối cảnh quá tải tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Năm 2018, lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất đạt trên 38 triệu khách, tăng 6,4% so năm 2017 trong khi công suất thiết kế chỉ có 25 triệu khách.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị xếp hạng tồi về chất lượng dịch vụ.

Năm 2015, Tân Sơn Nhất bị trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports xếp hạng sân bay tệ thứ 4 châu Á. Trước đó, năm 2014 tổ chức này cũng xếp hạng Tân Sơn Nhất xếp vị trí thứ 8 trong số 10 sân bay tệ nhất châu Á .

Theo đánh giá của website này, những năm gần đây, hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất đã xuống cấp và bị hành khách cáo buộc có tình trạng tham nhũng. Nhiều hành khách cho biết, để làm thủ tục nhanh hơn, họ đã phải hối lộ cho nhân viên hải quan.

Ngoài ra, hành khách còn phàn nàn tín hiệu wifi kém, phòng vệ sinh bẩn và không có nhiều sự lựa chọn về dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, website này còn khuyến cáo hành khách khi đến sân bay Tân Sơn Nhất phải giữ kỹ tài sản giá trị, chỉ cầm trên tay một số tiền nhỏ,...

Cũng theo kết quả bình chọn do website The Guide to Sleeping in Airports tiến hành, sân bay Nội Bài đứng thứ 4 trong số 10 sân bay tệ nhất châu Á vào năm 2014.

Nguyên nhân khiến sân bay quốc tế Nội Bài đứng ở vị trí thứ 4 trong số các sân bay có chất lượng kém nhất châu Á là nóng, lộn xộn và không sạch sẽ.

{keywords}
Cảnh chen lấn ở sân bay Nội Bài...

Theo phản ánh của hành khách, điều hòa ở đây luôn rất kém, nhất là trong thời điểm đông khách khiến họ phải toát mồ hôi. Bên cạnh đó, hệ thống biển chỉ dẫn nghèo nàn, thiếu thông tin về các chuyến bay. Một số phàn nàn khác như thiếu ghế ngồi cho khách, không đủ các quầy đổi tiền.

Tuy nhiên, đến năm 2015, sân bay Nội Bài đã thoát ra khỏi danh sách này.

Quá tải hạ tầng, dịch vụ khó được như ý

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hạ tầng hàng không nước ta đang trong tình trạng quá tải, hàng loạt sân bay vừa đầu tư mở rộng xong đã đứng trước nguy cơ tắc nghẽn trở lại.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Phú Quốc... đang hoạt động vượt công suất thiết kế.

{keywords}
 Sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải.

Tổng công suất phục vụ của các sân bay trên cả nước là 75 triệu khách mỗi năm nhưng thực tế, năm 2017, các sân bay phục vụ 95 triệu hành khách và năm 2018 vào khoảng 105 triệu hành khách. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất có công suất lớn nhất là 25 triệu khách và đã quá tải nhiều năm nay.

Trong khi các sân bay lớn luôn quá tải thì các sân bay quy mô nhỏ tại nhiều địa phương, công suất hoạt động chỉ khoảng 30% và rơi vào tình trạng thua lỗ.

Hiện cả nước có 22 cảng hàng không hoạt động (9 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa), trong đó Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mới đi vào hoạt động năm 2018.

“Miếng bánh” hàng không hấp dẫn được minh chứng những năm gần đây là doanh thu và lợi nhuận của các hãng hàng không đều tăng trưởng ấn tượng. Lợi nhuận của ACV cũng tăng trưởng liên tục hàng năm, từ 1.700 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 4.000 tỷ đồng năm 2017.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa. Giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng đạt mức 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hóa. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách đường hàng không đạt mức 24,6 triệu lượt khách, tăng 15,2%; vận tải hàng hóa đạt 176.400 tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020, và 8%/năm giai đoạn 2020-2030. Hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020-2030. Sản lượng vận chuyển đạt 74 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030

Với dự báo tăng trưởng nóng như vậy, cần có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)