- Nhiều nông dân ở nước ta đã áp dụng phương pháp nuôi trồng độc đáo như cho lợn ăn thuốc Bắc, bò uống bia, nghe nhạc, trồng cà chua bằng sữa và trứng,... Thoạt nghe tưởng đùa, nhưng những mô hình chăn nuôi "bá đạo" này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao bất ngờ.

Lợn ăn thuốc Bắc, ở chung cư, nằm điều hòa, nghe nhạc

Hiện nay, nhiều nông dân đã biết cách làm tăng độ “xa xỉ” cho lợn nuôi bằng việc cho ăn thuốc bắc hay thảo dược, côn trùng. Theo các chuyên gia, đây là cách khá hay giúp lợn phòng chống bệnh cũng như thịt lợn thơm ngon hơn.

Công nghệ nuôi lợn này gần giống như nuôi lợn mán trong tự nhiên. Chuồng lợn bài trí đơn giản, chỉ khác là thức ăn được được chế biến rồi ủ trong các thùng nhựa hoặc cất tủ lạnh. Giá của loại lợn “vip” này luôn đắt gấp nhiều lần lợn bình thường nhưng luôn được dân sành ăn săn lùng.

{keywords}

Anh Đỗ Văn Chuyên là người tiên phong của tỉnh Hưng Yên thực hiện mô hình chăn nuôi lợn sạch bằng thuốc Bắc.

Bên cạnh chuyện ăn uống, nhiều nông dân còn chăm lo cho đời sống tinh thần của lợn bằng việc cho chúng nghe nhạc. Điển hình là chuyện anh Nguyễn Vũ Phương (ngụ TP Vĩnh Long) cho đàn lợn nghe nhạc để tăng chất lượng thịt, dễ đậu thai. Gia đình anh Nguyễn Văn Trường (xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành) cũng đã áp dụng theo cách này, thấy lợn tăng trọng nhanh hơn so với phương pháp chăn nuôi cũ, lợn ít bị bệnh dịch, không phải dùng thuốc nhiều.

{keywords}

Anh Phương cho đàn lợn nghe nhạc để tăng chất lượng thịt, dễ đậu thai

Nhiều nông dân khác lại quan tâm đến vấn đề chất lượng chuồng trại. Tỷ phú Nguyễn Trọng Long (Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã xây chuồng nuôi lợn giống như căn hộ chung cư. Đặc biệt, “chung cư” nuôi lợn này còn có cả hệ thống thang máy hiện đại để vận chuyển lợn và thức ăn cho lợn.

Còn anh Nguyễn Duy Tuấn (SN 1982, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại mạnh dạn lắp cả hệ thống máy lạnh để nuôi lợn. Mô hình chăn nuôi của anh Tuấn mỗi năm xuất ra từ 300-400 con lợn thịt có trọng lượng từ 1,2-1,4 tạ.

Bò uống bia, nghe nhạc giao hưởng

Trên cao nguyên Lâm Đồng, đàn bò Kobe được chăm sóc như những ông hoàng, bà chúa. Quy trình kỹ thuật nuôi bò Kobe rất nghiêm ngặt. Mỗi loại thức ăn bò đều phải được phân tích các chỉ tiêu về canxi, phốt pho, vitamin, độ khô, độ đạm, độ béo, chất xơ,... một cách kỹ lưỡng.

{keywords}

Đàn bò Kobe ở Lâm Đồng được chăm bẵm theo lối "quý tộc"

Giai đoạn cuối trước khi xuất chuồng, bò còn được uống bia để thêm năng lượng khi nguồn thức ăn vào cơ thể có giới hạn. Đến giờ ăn, trang trại vang lên những bản nhạc giao hưởng êm dịu để bò thư giãn, giúp việc ăn uống không bị nhàm chán.

Gà đeo kính đỏ, nằm điều hòa, nghe nhạc Mozazt

Bà Bùi Bích Liên, chủ một trang trại nuôi gà ở tỉnh Hòa Bình, đã áp dụng mô hình chăn nuôi theo công nghệ EM khép kín của Nhật. Ở đây, khi được khoảng 3 tháng tuổi, gà được đeo kính đỏ để tránh mổ nhau và làm vỡ trứng.

Chủ trang trại này chia sẻ, khi được nghe nhạc, chúng đều rất dạn, không sợ người. Chuồng nuôi có bộ lọc khí, điều hòa, quạt và máy phun sương.

{keywords}

Gà đeo kính đỏ là "của hiếm" tại các trang trại gà Việt

Còn chàng cử nhân trẻ Nguyễn Duy Thiên Ân (ở Trảng Bom, Đồng Nai) lại thiết kế hẳn một dàn 8 loa thùng cho đàn gà 5.000 con của mình nghe nhạc giao hưởng 12 giờ/ngày. Thiên Ân cho biết, anh đã thử nghiệm nhiều loại nhạc khác nhau như pop, rock nhưng đàn gà từ chối, chúng chỉ chấp nhận nhạc giao hưởng. Sản lượng và chất lượng Omega-3 trong trứng gà đều hơn và tăng lên 5-6% so với trước khi cho nghe nhạc.

Nuôi vịt trời bằng... nhạc giao hưởng

Đến trang trại vịt của anh Lâm Ngọc Nhâm ngụ tại ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng vịt kêu, thay vào đó là âm thanh du dương của những bản nhạc giao hưởng phát ra từ chiếc loa thùng nhỏ được đặt ngay sát chuồng.

{keywords}

Anh Lâm Ngọc Nhâm với đàn vịt trời tại trang trại.

“Giống như con người, vịt trời cũng cần được thư giãn. Chỉ cần được nghe nhạc giao hưởng hay tiếng sáo trúc là chúng ngoan, không kêu nữa... ", chủ trang trại vịt trời hàng chục ngàn con tiết lộ. Hiện sản phẩm vịt trời của anh được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước biết đến.

Xây nhà tiền tỷ, mở nhạc nuôi chim yến

Đầu năm 2014, ở huyện Thoại Sơn, An Giang và một vài nơi khác mọc lên những ngôi nhà mới cao tầng, không để ở mà xây “lâu đài” cho chim yến trú ngụ với mục đích lấy tổ bán làm giàu.

{keywords}

Xây nhà tiền tỷ nuôi chim yến

Một số hộ nuôi chim cho biết: Nhà nuôi chim yến phải mát (nhiệt độ 27-31oC), độ ẩm 80-95%, ánh sáng râm, âm u và lúc nào cũng có máy “hát” cho chúng nghe”. Phải cho loài chim này nghe ít nhất 3 loại nhạc. Đó là loại để trên nóc nhà phát “tín hiệu”, thứ hai là loại “gọi mời” và thứ 3 là “hát ru”.

Trồng cà chua bằng sữa và trứng

Không chỉ vật nuôi, nhiều cây trồng cũng được áp dụng phương pháp canh tác độc đáo. Trong số đó, phải kể đến phương pháp trồng cà chua bằng sữa và trứng của chị Phạm Thị Xuân Thủy (Đức Trọng, Lâm Đồng) .

{keywords}
Cà chua được trồng bằng trứng và sữa.

Một lần được người bạn ở Nhật giới thiệu phương pháp trồng trái cây từ phân bón làm bằng trứng, sữa, chị Thủy khá hào hứng và quyết định mang hạt giống và phương pháp này về áp dụng tại quê hương. Chị Thủy cho biết, sử dụng phân bón là sữa và trứng gà, cây sẽ đặc biệt khỏe, khi đó sâu bệnh khó xâm nhập, cây phát triển tốt hơn và không cần sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật.

Nhờ bón loại phân “lạ” nên chất lượng của sản phẩm cũng khác hơn nhiều so với sản phẩm thông thường. Cà chua có vị ngọt chứ không chua, khi ăn thơm mùi trứng sữa và không tanh. Dù bán ra với giá 100.000 đồng/kg nhưng sản phẩm cà chua trồng bằng sữa và trứng gà của chị luôn đắt hàng, cho thu nhập 120 triệu đồng mỗi tháng.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)