Doanh thu tăng nhờ bán đồ bổ

5h30 sáng, Phan Quỳnh Như đã bắt đầu ngày mới của mình bằng việc kiểm tra chất lượng của một số nguyên liệu mới nhập về quán. Cua có đảm bảo? Rau củ quả có tươi? Bánh canh sạch và mới ra lò?

Chuỗi lây nhiễm dịch Covid-19 kéo đến, lan rộng tại TP.HCM, nhiều hàng quán phải đóng cửa tuân thủ yêu cầu giãn cách của nhà chức trách. Có hàng ăn không một bóng khách. Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, chuỗi quán ăn của cô chủ trẻ vẫn tăng doanh thu những ngày này.

“Từ khi đợt dịch thứ 4 xảy ra thì số lượng đơn order rục rịch tăng gần gấp đôi so với trước đây. Từ 320-350 đơn/ngày. Doanh thu trung bình phụ thuộc từng quán song tổng doanh thu 5 quán vào khoảng 100 triệu đồng/ngày, tăng 50-60% so với trước dịch”, Như nói.

{keywords}
Một đơn hàng khách đặt gửi biếu tại quán của Quỳnh Như

Thương hiệu đồ ăn của Như gồm các món ăn như súp cua, súp bào ngư vi cá, tổ yến. Với tâm lý tăng cường sức khỏe mùa dịch, món ăn được thực khách quan tâm và đặt hàng nhiều là các món có giá trị dinh dưỡng cao như bào ngư vi cá, tổ yến. Đơn hàng liên hệ trực tiếp qua fanpage có giá trung bình từ 1-1,5 triệu/đơn, số lượng đơn tăng hơn ngày thường.

“Bên mình có hai cấp độ đồ ăn khác nhau. Đồ ăn vặt giá bình dân và đồ ăn bổ dưỡng có giá thành cao hơn. 4 năm trước, khách chủ yếu đến ăn và đặt mua đồ ăn vặt với giá trị nhỏ còn thời gian gần đây, mọi người bỏ tiền ra dùng các sản phẩm bổ dưỡng nhiều hơn. Tỷ lệ order (đặt hàng) 50-50 giữa hai cấp độ đồ ăn”, đại diện thương hiệu súp chia sẻ.

Điểm đáng chú ý, nắm bắt được tâm lý con cái ở xa muốn gửi đồ ăn bổ dưỡng về cho cha mẹ ở quê mùa dịch, Như và các thành viên sáng lập đã liên hệ công ty vận chuyển, cung cấp thêm dịch vụ giao đồ ăn tận nhà (ngoài các địa bàn ở TP.HCM và Hà Nội).

Quỳnh Như cho biết, việc đau đầu nhất khi bán hàng online là buổi trưa đơn hàng dồn dập tới cùng một lúc, shipper sẽ đợi lâu đồng nghĩa với thời gian chờ món của khách lâu hơn một chút.

{keywords}
Hàng dài shipper chờ nhận đơn tại TP.HCM

“Tuy doanh số tăng và bán online đang có lợi thế nhưng không phải là không có rủi ro. Hạn chế bán hàng tại chỗ mùa dịch đồng nghĩa với việc sẽ mất đi lượng khách hàng ăn trực tiếp. Chúng tôi cân nhắc việc điều chỉnh menu cũng như hỗ trợ khách hàng khi tâm lý thắt chặt chi tiêu bởi dịch bệnh xuất hiện”, cô chia sẻ.

“Lương” shipper đồ ăn ổn hơn lương dân văn phòng

Các quán ăn đông khách trong mùa dịch giống của Quỳnh Như không thể không có sự liên kết với các ứng dụng giao hàng trên thị trường hiện nay. Trung bình một ngày, có khoảng 150 đơn hàng được chuyển đi từ 5 chi nhánh súp của cô.

Hiểu rõ đây là thời gian “vàng” để kiếm sống, Trần Phan Tấn, shipper đến từ quận 6, TP.HCM cũng tập trung vào việc vận chuyển đồ ăn và hàng hóa đặt mua qua các sàn thương mại điện tử. Thời điểm bận rộn của shipper này là buổi trưa và buổi tối.

“Cao điểm nhất là từ 11h-13h và buổi chiều tối từ 17h-19h30, đó là khung thời gian không có khoảng nghỉ. Công việc của chúng tôi tốt hơn ngày thường, số lượng đơn hàng tăng. Cao điểm có buổi trưa chạy được 5-6 đơn”, Tấn chia sẻ. 

Trong khi đó, cũng đang đứng chờ đơn hàng đồ uống của khách, shipper Nguyễn Đình Tuấn ở quận Bình Thạnh cho biết, so với thời điểm trước dịch, giao đồ ăn lúc này ổn hơn. Vốn chạy vận chuyển người bình thường nhưng đợt này Tuấn tắt tính năng chở người trên thiết bị.

{keywords}
Nhiều shipper trang bị cả nước rửa tay sát khuẩn trên xe
{keywords}
 Ra đường chỉ thấy shipper chạy xe

“Khi chở khách thì ứng dụng yêu cầu người dân phải khai báo y tế, trong khi đó nhiều người lại không chịu khai báo. Nếu chúng tôi gặp phải người thuộc diện F2 sẽ bị khóa ứng dụng, chờ cho đến khi có thông báo mới của công ty. Do vậy, anh em chạy xe chuyển sang vận chuyển hàng hóa, đồ ăn”.

Theo shipper này, một ngày trung bình anh làm từ 7h sáng tới 9h tới được khoảng 30 chuyến xe vận chuyển đồ ăn, từ thời điểm dịch đến giờ đều đặn ngày nào cũng vậy. Thu nhập của Tuấn ổn định, dao động từ 500.000-650.000 đồng/ngày, tương đương mức “lương” từ khoảng 15 triệu đến 18 triệu đồng/tháng, con số có thể ngang bằng hoặc cao hơn mức lương của nhiều nhân viên công sở hiện nay.

Tuy nhiên, Tuấn ra đường khi đã trang bị đầy đủ khẩu trang bảo hộ và cả nước rửa tay sát khuẩn gắn trên xe. Nếu không may, trong trường hợp vô tình gặp phải bệnh nhân, anh sẽ bị cách ly từ đó ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống chưa kể lịch trình đi lại nhiều của Tuấn sẽ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

“Khách đặt hàng vào khu vực cách ly thì chúng tôi không dám nhận. Tâm lý ra đường những ngày này ai cũng lo sợ. Nghề nào chẳng vậy, được cái nọ thì phải mất cái kia thôi”, shipper này cho biết.

Quảng Định

Mở mắt mất 2 triệu quảng cáo online, hụt hẫng vì không có đơn hàng

Mở mắt mất 2 triệu quảng cáo online, hụt hẫng vì không có đơn hàng

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng offline (trực tiếp) mà còn tác động đến mảng kinh doanh online (trực tuyến). Điều cần làm là sự chủ động thay đổi, thích nghi từ tự thân doanh nghiệp.