Phân tích sâu về nhận định này, ông Lê Đình Quảng cho biết: Về thời giờ làm việc bình thường, số liệu khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ của ILO cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/ tuần trở lên), cùng với khoảng 40 nước khác; chỉ ít hơn hai nước là Kennya và Seychelles (trên 48h/tuần).

Về thời gian nghỉ phép, trong số 155 nước khảo sát, trừ 6 quốc gia không có quy định thì Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước; và ít hơn 110 nước.

{keywords}
 

So sánh số giờ làm việc trung bình năm (giờ làm việc thực tế), đại diện Tổng LĐLĐ VN về lĩnh vực quan hệ lao động cho rằng, Việt Nam là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới.

“Số liệu tổng hợp giờ làm việc thực tế của 63 quốc gia năm 2014 cho thấy: Việt Nam xếp thứ 3 trong số nhóm các quốc gia có giờ làm việc thực tế cao nhất (từ 2250 – 2500) với mức giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ, cao hơn 60 nước, chỉ xếp sau Campuchia và Banglades” – ông Lê Đình Quảng nói.

Phân tích về ngày nghỉ lễ, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực: Với Camphuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonexia là 16 ngày; Malaysia là 13 ngày; Myanmar là 14 ngày; Philippines là 19 ngày; Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày; Lào 12 ngày; Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày.

Theo ông Lê Đình Quảng, trong 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP: Việt Nam là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất (có 01 nước chưa có dữ liệu là Brunei). Trong khu vực ASEAN: Việt Nam có số giờ làm việc thực tế cao thứ hai sau Campuchia. Với Trung Quốc, số làm việc bình thường là 40h/tuần, số ngày nghỉ lễ 21 ngày.

Giờ làm thêm: Việt Nam ở mức trung bình của thế giới.

Hiện tượng vi phạm giờ làm thêm ở Việt Nam khá phổ biến. Kết quả thanh tra lao động ngành may mặc 2015 cho thấy: 39,5% doanh nghiệp không thực hiện đúng về số giờ làm thêm của người lao động.

Ông Lê Đình Quảng cho biết: “Thậm chí, tham chiếu Báo cáo việc làm tốt hơn (Better Work), thông số vi phạm còn cao hơn, 82% trong tổng số 257 nhà máy sử dụng lao động làm thêm giờ vượt quá quy định của pháp luật.

Đã có bằng chứng cho thấy, người lao động phải chịu áp lực để tăng cường độ lao động, kéo dài thời gian làm việc hoàn thành định mức lao động nhưng không được tính lương làm thêm ngoài giờ”.

(Theo Dân trí)