Việc tìm ra Sâm Ngọc Linh có thể nói là một trong những phát hiện quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực y dược không chỉ của Việt Nam.

Đây là chủ đề của Lễ hội Sâm núi Ngọc Linh lần thứ I-2017 được tổ chức tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam từ ngày 10 đến 13-6-2017. Sự kiện này được tổ chức nhằm giới thiệu rộng rãi cho người dân biết đến giá trị của cây sâm; đồng thời đưa Sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, xứng tầm những loại dược liệu của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sâm Ngọc Linh - một loại sâm quý, hiếm

Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, được đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y Khu V phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh, thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đến năm 1985 hai nhà khoa học (TS Hà Thị Dụng và TS Grushvitsky) xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv (theo Trung tâm Sâm Việt Nam - 1993), thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.

{keywords}

Những củ sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi. 

Duy nhất cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có sâm Ngọc Linh và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, Sâm Ngọc Linh có số lượng Saponin (một trong những thành phần hóa học của các loại thảo mộc, có hiệu quả rất lợi cho sức khỏe con người) cao hơn nhiều lần so với các loại sâm khác trên thế giới.

Những kết quả phân tích thân và rễ, củ của Sâm Ngọc Linh, các nhà khoa học xác định được có 52 loại Saponin, trong đó có 26 Saponin có cấu trúc hóa học thường thấy trong sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và 26 Saponin có cấu trúc mới, không có trong các loại sâm khác.

Như vậy, đây là một trong những loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất. Ngoài ra, các bộ phận trên mặt đất của sâm như lá, thân (cọng) sâm Ngọc Linh đã phân lập được 19 Saponin Dammaran, trong đó có 8 Saponin có cấu trúc mới.

Các công trình nghiên cứu đã xác định được thành phần dược tính trong Sâm Ngọc Linh có 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%. Những kết quả nghiên cứu nêu trên cho thấy việc tìm ra Sâm Ngọc Linh có thể nói là một trong những phát hiện quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực y dược không chỉ của Việt Nam.

Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường...

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và được xếp vào một trong bốn loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ.

Ngày 16-8-2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh tại các xã Măng Ri, Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhằm thông tin rộng rãi đến các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp... trong và ngoài nước về giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh trên thị trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án đầu tư 567 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2024 nhằm xây dựng sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.

Nằm trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017, Lễ hội Sâm núi Ngọc Linh lần thứ I-2017 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn. Chủ tịch huyện Nam Trà My cho hay, dự kiến sẽ có 120 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia.

UBND huyện Nam Trà My cũng dự kiến có khoảng 7.000 lượt du khách đến tham quan, mua bán tại hội chợ và có khoảng 10.000 người dân trong huyện đến hội chợ. Dự kiến các doanh nghiệp, cá nhân trao đổi mua bán hàng hóa có tổng thu khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó, riêng củ sâm Ngọc Linh người dân bán được khoảng 5 tỷ đồng.

Xây dựng thương hiệu dược liệu Quảng Nam

Từ rất lâu, dược liệu Quảng đã có danh thơm trong sử sách. Thế nhưng, vẫn thiếu những mắt xích hoàn hảo để “thương mại hóa” thương hiệu, người dân được hưởng lợi chứ không chỉ dừng ở danh xưng.

Đẩy mạnh triển khai cơ chế khuyến khích trồng cây dược liệu dưới tán rừng, xây dựng thương hiệu cho vùng dược liệu, phát triển thành “sản phẩm quốc gia” đang là hướng đi của tỉnh.

Quảng Nam là địa phương khá phong phú, đa dạng về chủng loại cây dược liệu, trong đó có 36 loài cây thuốc nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”, có trên 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc. Có nhiều loài quý như: sâm Ngọc Linh, quế, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, hoàng đắng, sa nhân, ngọc cẩu, lan kim tuyến, chè dây, ngũ vị tử…

Chưa kể, 4 loài dược liệu được phát hiện mới là: dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng và ba chạc lá đỏ. Hiện diện tích cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 500ha, chủ yếu sâm Ngọc Linh 68ha, đảng sâm 296ha, đương quy 50ha, ba kích 48ha, sa nhân 40ha…

{keywords}

Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ. 

Có được kết quả bước đầu trên, ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương, Quảng Nam đã ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển cây sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu truyền thống. Đặc biệt, năm 2016, Đề án bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đến năm 2030 đã được phê duyệt, đã mở ra cơ hội lớn cho vùng sâm. Dự án đang trong giai đoạn khởi động liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là cơ chế cho thuê diện tích rừng để trồng sâm.

Với mục tiêu phát triển Nam Trà My trở thành trung tâm dược liệu của Việt Nam, theo cơ chế ưu đãi, mỗi doanh nghiệp được thuê đất trồng sâm dưới tán rừng trong vòng 25 năm, tức đủ 3 chu kỳ trồng sâm với diện tích tối đa 300 ha và mức giá cho thuê là 200.000 đồng/ha/năm. Trước mắt, có 4 doanh nghiệp được tỉnh ưu tiên hỗ trợ trồng sâm đợt này.

Người dân trồng sâm sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, miễn phí dịch vụ, chưa kể được bảo vệ vòng ngoài và hỗ trợ kỹ thuật, được hỗ trợ sâm giống nếu đăng ký thoát nghèo, hỗ trợ vay vốn trồng sâm…

“Cùng với tổ chức lễ hội sâm, huyện Nam Trà My xúc tiến thành lập hội sản xuất kinh doanh sâm Ngọc Linh, xây dựng chợ đầu mối sâm Ngọc Linh, khảo sát xây dựng nhà máy chế biến sâm Ngọc Linh trên địa bàn” - ông Hồ Quang Bửu Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay.

Ngoài phát triển vùng sâm, huyện Nam Trà My đã chủ động trong việc triển khai dự án bảo tồn và phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn 10 xã với tổng giá trị hơn 15 tỷ đồng. Nhiều vườn ươm giống cây dược liệu của huyện ra đời, các mô hình trồng cây dược liệu đã hình thành trong dân, được xem là cây “giảm nghèo” hiệu quả.

Tại Tây Giang, diện tích cây ba kích không ngừng tăng lên với 129,9ha, đảng sâm là 374,43ha, cây sâm Ngọc Linh di thực được bàn giao cho Công ty CP Dược sâm Ngọc Linh là 23.000 cây.

(Theo Bnews)