Rừng lim “độc nhất vô nhị” của lão nông Hà Tĩnh

Luôn sợ mất rừng

{keywords}
Những khóm lim chừng 5 đến 10 cây chụm lại với nhau sừng sững

Có lẽ trong số những gia sản của ông Trần Văn Sơn (thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) thì cánh rừng lim hàng chục năm tuổi là một trong những thành quả “ngọt ngào” nhất.

“Các chú tới ngắm vườn gỗ lim của tôi phải không”, ông Sơn cười lớn rồi dẫn chúng tôi lên cánh rừng mà ông đã dành rất nhiều thời gian chăm bẵm.

Ông Sơn kể, năm 1982 ông là công nhân lâm trường Hương Sơn. Thời điểm đó, ông đã nhận giao khoán bảo vệ và chăm sóc 27 ha rừng.

Đến tháng 3/1986, ông Sơn gác lại công việc, tình nguyện lên đường nhập ngũ.

{keywords}
 
{keywords}
Rừng lim này có độ tuổi từ 20 năm đến hơn 40 năm tuổi

Sau 3 năm rèn luyện trong quân ngũ, ông được cấp trên cho đi đào tạo sĩ quan để phục vụ lâu dài trong quân đội nhưng vì sức khỏe không đảm bảo nên ông xin phục viên về quê sinh sống và tiếp tục chăm sóc, bảo vệ số diện tích rừng được giao.

“Nói là rừng nhưng thời điểm đó cây gỗ có giá trị rất thấp. Chỉ có một ít cây gỗ lim, dổi”, ông Sơn cho biết.

Vốn sinh ra từ làng quê nên hình ảnh núi rừng đã quá quen thuộc và gần gũi đối với ông.

Thế nhưng, cũng giống như nhiều người nhận công tác bảo vệ rừng khác, ông luôn sợ mình không hoàn thành nhiệm vụ, sợ để mất rừng.

“Thời điểm mà tôi nhận giao khoán rừng thì tình trạng phá rừng, chặt gỗ còn diễn ra phức tạp. Diện tích rừng thì lớn mà chỉ có tôi, thi thoảng có vợ phụ giúp nên tôi rất lo sợ bị mất rừng”, ông Sơn tâm sự.

{keywords}
Thời gian ông Sơn dành cho rừng đôi lúc còn nhiều hơn ở nhà

Hàng ngày, ông dành một khoảng thời gian để đi tuần tra. Thấy những “đứa con” của mình còn lành lặn, ông mới yên lòng.

“Nhiều lúc đang nằm ngủ thì nghe tiếng chặt, tiếng cưa, tôi lại phải chạy lên rừng. Đôi lúc leo lên đến nơi thì cây đã bị chặt đổ. Những lúc thế tôi tiếc đứt cả ruột”, ông Sơn chỉ tay lên phía đỉnh núi và cho biết đó là những khu vực khó bảo vệ nhất.

Rừng lim “độc nhất vô nhị”

{keywords}
Ông Sơn ôm cây lim có tuổi đời hơn 40 năm, đường kính thân cây gần 1m

Không chỉ bảo vệ rừng mà mỗi năm ông lại trồng thêm một ít cây gỗ, đặc biệt là cây lim, cây dổi nhằm “phục dựng” lại cánh rừng.

“Tán cây lim rất đẹp, độ phủ bóng cao, có giá trị kinh tế và tôi rất thích loài cây này”, ông Sơn cho biết.

Sau hàng chục năm với biết bao công sức, đến nay ông cũng đón nhận được thành quả “ngọt ngào”.

Hiện tại khu rừng của ông hầu như loại gỗ nào cũng có. Nhưng đặc biệt, có trên 300 cây gỗ lim từ 20 năm tuổi đến hơn 40 năm tuổi, hàng trăm cây gỗ dổi quý. Có những cây lim đường kính lên đến gần 1m.

“Tôi nói thật, hiện nay tại huyện Hương Sơn không có rừng nào có nhiều gỗ lim lâu năm như thế này, đường kính trung bình từ 30cm đến gần 1m”, ông Sơn vui mừng chia sẻ thành quả của mình.

Hiện nay, để tìm được cánh rừng còn nhiều cây gỗ lim như thế này thật khó. Cho nên cánh rừng không chỉ là niềm tự hào của gia đình ông Sơn, mà còn cả thôn xóm.

Ông Sơn tâm sự, đã có rất nhiều người đến gạ hỏi mua với số tiền rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng nhưng ông đều lắc đầu.

{keywords}
Rừng lim là thành quả ngọt ngào mà ông có được sau hàng chục năm cặm cụi

“Chặt bán thì dễ nhưng để trồng và bảo vệ, tạo nên một cánh rừng như thế này thì rất khó. Khi sức khỏe yếu đi, tôi muốn các con của mình sẽ tiếp tục thay tôi chăm sóc, bảo vệ và trồng thêm cây trên cánh rừng này”, đó là mong ước lớn lao của ông Sơn.

Một trong những niềm vui mà cánh rừng mang lại cho ông đó là những đàn chim, đàn ong đến mùa lại tìm đến cư ngụ, sinh sống.

Không chỉ nhận bảo vệ, chăm sóc rừng tốt mà gia đình ông Sơn còn là hộ có mô hình kinh tế hiệu quả nhất nhì trong vùng.

Hiện gia đình ông đang liên kết chăn nuôi lợn với quy mô 1.000 con/lứa, có hơn 300 gốc bưởi đã cho mùa quả thứ 3, 150 gốc cam bù, 3ha trồng keo tràm…. Trung bình, mỗi năm mô hình trang trại đưa lại thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết, đất rừng này trước đây là của lâm trường dịch vụ Hương Sơn, nhưng sản xuất không có hiệu quả nên các cấp các ngành sau đó đã giao lại cho người dân quản lý, sử dụng.

“Không chỉ riêng hộ của ông Trần Văn Sơn mà ở thôn Khe Năm có nhiều hộ dân thực hiện công tác bảo vệ rừng rất tốt. Người dân họ vừa lấy ngắn nuôi dài, vừa bảo vệ môi trường. Riêng rừng lim của gia đình ông Sơn này nguyên sinh cũng có và tái sinh, do người dân trồng thêm cũng có”, ông Hải cho biết.

Ông Hải cũng cho biết thêm, nhờ những cánh rừng này nên chất lượng không khí rất tốt, nguồn nước sẵn có và đảm bảo hơn. Hơn nữa, cánh rừng cũng là môi trường lý tưởng cho các loài động vật sinh sống.

“Đến mùa, ong đến làm tổ ở những cánh rừng này rất nhiều. Nhờ đó, người dân có thêm nguồn thu nhập từ mật ong rừng”, ông Hải cho biết.

(Theo Dân trí)