Hạn chế sau 18 giờ: Hàng thực phẩm gặp khó

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, thông tin, phần lớn nhân viên công ty phải hoạt động về đêm. Thịt heo giết mổ xong đã 1h-2h sáng rồi phải vận chuyển ra các tỉnh, 2h-3h là thời gian pha lóc để chuẩn bị 5h-6h bán. Đây là hoạt động nghề nghiệp bình thường của doanh nghiệp.

Quy định hạn chế ra đường từ 18h tới 6h hôm sau, xe tải được đi nhưng xe cá nhân của người lao động lại không được phép, trong khi nhiều người phải dậy từ 4h sáng để giao hàng. 

“Giấy Vissan ký cho công nhân thì các chốt kiểm soát có nơi cho, nơi không. Tôi kiến nghị, đối với những ngành nghề đặc thù, cần ưu tiên để đảm bảo lưu thông hàng hóa”, ông Phú phát biểu tại buổi họp với lãnh đạo thành phố sáng 3/8.

{keywords}
Kiểm soát người ra vào các địa bàn tại TP.HCM

Tổng giám đốc Công ty TNHH SX và TM Tân Quang Minh - ông Nguyễn Đặng Hiến - cho biết, vẫn có tình trạng các chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính. Đặc biệt, tài xế của công ty này bị phạt tại huyện Củ Chi về việc đưa hàng hóa không thiết yếu ra ngoài đường, trong khi xe đang chở nước suối và có mã QR Code.

Cũng gặp thế khó trong khung giờ từ 18h-6h, bà Phạm Thị Kim Em, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, chia sẻ, các siêu thị trước đây 3-4h sáng đã mở cửa để nhận hàng của nhà cung cấp, nhưng hiện tại họ nhận hàng lúc 7h-7h30 vì nhân viên 6h mới ra khỏi nhà. 

Mặt khác, nhiều siêu thị chỉ đến 15h-16h chiều là không nhận hàng do nhân viên tranh thủ về sớm. Công ty Ba Huân mỗi ngày cung cấp khoảng 1 triệu trứng gia cầm cho TP.HCM mà chỉ có 8 tiếng để đi phục vụ hết hệ thống siêu thị là không xuể. 

Theo Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, bà Lý Kim Chi, thực tế đang xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát gây khó dễ kiểu “phép vua thua lệ làng”, đòi hỏi các thủ tục khiến doanh nghiệp bức xúc. 

Bà Chi kiến nghị, thành phố cần cụ thể các quy định của Trung ương và chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các chốt kiểm soát cần thực hiện nghiêm các thủ tục; yêu cầu về kiểm tra phòng dịch tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, gây khó doanh nghiệp.

Vướng do cách hiểu của từng người, từng chốt

Phản hồi những ý kiến trên, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, lại cho rằng, các văn bản của thành phố, của ngành giao thông và của công an là hoàn chỉnh và đầy đủ. Vướng mắc là cách hiểu của những người đứng trực ở các chốt. Cách hiểu về lưu thông, luồng xanh hiện nay ở các quận/huyện là có sự khác nhau. 

{keywords}
Tài xế đưa các giấy tờ liên quan cho lực lượng chức năng (Ảnh tư liệu)

Ông An lý giải, luồng xanh là đi từ vùng có dịch như 19 tỉnh, thành đến vùng chưa có dịch, tức là xe hàng chạy luồng riêng, không có chốt nào chặn lại. Đương nhiên, lực lượng chức năng sẽ chặn kiểm tra xác suất chống dịch, xe phải có mã QR Code và tài xế có xét nghiệm. 

Đối với TP.HCM, trước đây cấp mã QR Code khi chỉ duy nhất thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Hiện nay, tất cả các xe chở hàng hóa lưu thông trên địa bàn TP.HCM và 19 tỉnh, thành thì không cần mã QR Code. Còn việc kiểm tra ở các chốt là do công an và quân sự thực hiện.

“Tất cả các xe có mã QR Code trên địa bàn thành phố chạy 24/24. Thành phố có khoảng 50.000 xe tải và hiện đã cấp mã khoảng 47.000 xe rồi, vậy nên số lượng xe chưa cấp gần như không có”, ông An nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng thừa nhận, đang có những khó khăn khi lưu thông hàng hóa. Đội ngũ chốt chặn là ở phường/xã và các lực lượng khác tăng cường, nên mỗi người có một cách hiểu khác nhau.

“Kể cả tôi cũng không dám đi xe biển trắng ra ngoài đi làm, đi xe biển xanh họ mới cho qua vì biết làm việc ở Ủy ban. Thậm chí, Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở đi xe máy cũng bị kiểm tra y như doanh nghiệp”, bà Thắng chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch TP, tùy nhận thức mà mỗi lần gặp tình huống sẽ phải xử lý. Không phải thành phố chủ trương gây khó khăn nhưng một phần cách hiểu, cách làm và tổ chức ở từng nơi còn hạn chế. Lãnh đạo thành phố mong các doanh nghiệp thông cảm, đồng hành với chính quyền trong thời gian đang siết chặt các quy định để phòng, chống dịch.

Quảng Định

Thông điểm nghẽn hàng thiết yếu: Không chỉ là lương thực, thực phẩm

Thông điểm nghẽn hàng thiết yếu: Không chỉ là lương thực, thực phẩm

Việc Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông”, thay vì quy định Danh mục “hàng hóa thiết yếu”, giống như tinh thần của Luật Đầu tư hay Luật Doanh nghiệp.