Cơ hội phát triển của các sản phẩm chủ lực Quảng Ninh

Với vị trí địa lý đa dạng, có vùng núi, biển và vùng đồng bằng, nhiều hình thái khí hậu khác nhau, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản, với nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng như: Trà hoa vàng, nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, Sá sùng Vân Đồn, mực ống Cô Tô, chả mực Hạ Long, Hầu, ghẹ Trà Cổ, miến dong Bình Liêu…

Từ năm 2013 UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai Chương trình “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Hiện Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện chương trình một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực từ nội lực cộng đồng, đến hướng dẫn quy trình triển khai, xúc tiến thương mại...

{keywords}
 

Tính đến nay, Quảng Ninh đã có 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh gồm: Du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; Gốm sứ mỹ nghệ; Nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh; Mực và các sản phẩm từ mực; Ba kích và các sản phẩm từ Ba kích; Chè Đường Hoa và các sản phẩm từ chè; Hàu và các sản phẩm từ hàu; Miến dong Bình Liêu; Ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; Trà hoa vàng và các sản phẩm từ trà hoa vàng...

Theo thống kê sơ bộ, doanh thu từ sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt, trong năm 2018, doanh thu từ sản phẩm OCOP toàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt khoảng trên 500 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2017. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP đã trực tiếp tạo việc làm cho gần 4.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Đẩy mạnh bảo hộ thương hiệu sản phẩm OCOP

Mặc dù sản phẩm OCOP là một cơ hội hấp dẫn, tuy nhiên có một tình trạng một số sản phẩm OCOP không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu sản phẩm. Trong khi đó, việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu là cơ sở pháp lý cho việc xác định chủ sở hữu đối với nhãn hiệu, thương hiệu khi có bất kỳ một sự cạnh tranh nào.

Theo thông tin từ Sở KHCN Quảng Ninh, hiện mới có trên 250/402 sản phẩm OCOP đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Một số địa phương, như huyện Đầm Hà có 11/28 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy đăng ký nhãn hiệu; huyện Hoành Bồ có 20/29 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn với số sản phẩm OCOP hiện có của Quảng Ninh.

Hiện nay, để giữ vững thương hiệu cho các đơn vị, Ban chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành xác định danh mục sản phẩm OCOP để làm căn cứ đề xuất, đăng ký bổ sung với Cục Sở hữu trí tuệ để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, yêu cầu các địa phương hướng dẫn các đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh thực hiện việc đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

H. Dũng