Sau 3 năm thực hiện chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh, ngành dịch vụ Quảng Ninh đã có những bước phát triển mới, đóng góp tích cực vào nền kinh tế.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ sau 3 năm thực hiện nghị quyết 02-NQ/TU, cơ cấu kinh tế Quảng Ninh đã có những bước dịch chuyển đáng kể. So với năm 2015, tỷ trọng khu vực dịch vụ đã tăng từ 41,2% lên 42,9%; tỷ trong khu vực công nghiệp giảm từ 51,8% xuống 51,2%; khu vực nông - lâm - thủy sản giảm từ 7% xuống 5,9%. Chỉ riêng trong 2018, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ ước đạt 14,2% so với cùng kì. Thu ngân sách của khu vực này cũng ước tăng khoảng 16% so với cùng kì.

Tính tới thời điểm này, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 12 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 22.800 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có 120 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,4 tỷ USD; 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có hoạt động đầu tư. Các dự án FDI tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại ngày càng nhiều và quy mô vốn đầu tư cao...

Bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, có được kết quả này là nhờ các giải pháp cụ thể, phù hợp, lựa chọn các ngành dịch vụ có lợi thế để tập trung đầu tư, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ lợi thế khác, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

{keywords}
 

Trong lĩnh vực du lịch, Quảng Ninh tập trung vào các giải pháp phát triển du lịch bền vững, xây thương hiệu du lịch địa phương

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường (trên địa bàn tỉnh đến nay có 12/14 địa phương được công nhận các tuyến, điểm du lịch, cụ thể là 33 tuyến, 88 điểm du lịch và 01 khu du lịch địa phương được công nhận). Các địa phương như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Móng Cái… cũng đẩy mạnh tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa gắn với đặc thù địa phương hút thêm khách du lịch.

Việc xây dựng hạ tầng, giao thông cũng được UBND tỉnh đẩy mạnh vừa thúc đẩy nền kinh tế phát triển, vừa hỗ trợ hiệu quả hoạt động du lịch.

Mới đây, nhiều công trình hạ tầng quan trọng vừa được triển khai và đưa vào sử dụng, như: đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hạ Long, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... đã mở ra những tuyến giao thông huyết mạch phục vụ phát triển du lịch và vận tải hàng hóa. Đó là chưa kể những dự án giao thông, đô thị hiện đại, như: đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả... sắp được khởi công sẽ góp phần cải thiện đáng kể diện mạo giao thông đô thị nội tỉnh và nâng tầm chất lượng phục vụ du lịch.

{keywords}
 

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư như: Vingroup, Sun Group, FLC group, BIM group, Tuần Châu… để hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái.

Tỉnh cũng tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thuỷ nội địa chuyên dùng tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường sông như: Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai (TP Hạ Long), Bến du thuyền Cột 3 (TP Hạ Long); Cảng tàu khách du lịch Vũng Đục (TP Cẩm Phả), Bến cảng đa năng tại đảo Hòn Miếu và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), Bến cảng tại đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (TP Móng Cái). Quảng Ninh cũng có những đề xuất, kiến nghị riêng đối với Bộ Giao thông Vận tải cho phép Quảng Ninh thí điểm triển khai các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các tàu chở khách trên Vịnh. Sau 2 năm triển khai thí điểm, đội tàu du lịch phục vụ du khách tham quan khu vực Vịnh Bái Tử Long, huyện đảo Cô Tô đã phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và an toàn.

{keywords}
 

Ngoài các chính sách ưu đãi các nhà đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống bãi tắm trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh còn đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn trên các tuyến du lịch, đô thị; lắp đặt hệ thống wifi trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Quảng Ninh cũng thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch như việc nâng cấp trang website du lịch Quảng Ninh và trang fanpage của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Ninh. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức, tham gia thành công nhiều chương trình, hội thảo đẩy mạnh liên kết xúc tiến quảng bá du lịch với các tỉnh khu vực sông Hồng và các vùng phụ cận.

Với hoạt động xuất nhập khẩu, Quảng Ninh đã đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho các cơ quan chuyên ngành như hải quan, kiểm dịch… để phát triển thương mại theo hướng chuyên nghiệp, tiến tới loại bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị tăng cao theo hướng gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, gắn với phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

Với hoạt động bán lẻ hàng hóa, tỉnh xây dựng hệ thống kết cấu thương mại bán lẻ văn minh, hiện đại phục vụ du khách và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tại các địa phương. Chính vì thế mà tỉnh đã dần khẳng định vai trò và trở thành địa điểm uy tín được lựa chọn tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế.

Mới đây, Quảng Ninh đã chọn chủ đề công tác cho năm 2019 là: "Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ". Tỉnh sẽ dồn sức phấn đấu hoàn thành mục tiêu tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

D.Minh (tổng hợp)