Khả năng tích điện còn thấp, hầu hết chỉ chạy được khoảng 150 km phải nạp điện, thời gian nạp kéo dài 4-7 giờ. Trong khi Việt Nam chưa có các trạm xạc rất có thể đang chạy xe bất ngờ chết đứng nên rất khó xài ở Việt Nam.

Tham vọng ô tô điện

Tập đoàn Mai Linh tháng 4/2016 đã ký kết hợp đồng mua 100 chiếc ôtô chạy điện của hãng Renault (Pháp) về kinh doanh taxi. Những chiếc xe điện này có công suất 95 mã lực, đạt vận tốc tối đa 135 km/h, chạy được 200 km trên một lần sạc. Ưu điểm của dòng xe này là không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu.

Phía Mai Linh cho biết, xe chạy 100km tiêu hao điện trị giá chỉ 1 USD. Vì thế, trong 5 năm tới, Mai Linh dự kiến sẽ thay thế khoảng 10.000 đến 20.000 ô tô chạy điện để làm taxi. Giải pháp lắp ráp xe trong nước đang được cân nhắc. Đây là một trong những dự án tham vọng nhất của tập đoàn kể từ ngày đầu thành lập.

Ông Kenichi Horinouchi, Tổng giám đốc Mitsubishi Motors Việt Nam, tiết lộ vào năm 2017, hãng sẽ đưa ô tô điện vào phân phối tại Việt Nam.

{keywords}
Ô tô điện ngày càng được ưa chuộng ở các nước

Ô tô điện của Mitsubishi Motors, ngoài động cơ điện, vẫn được trang động cơ xăng, tuy nhiên bản chất của nó là một chiếc xe điện với động cơ điện hoạt động chính và động cơ xăng chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ. Trong 60 km đầu, xe hoàn toàn sử dụng điện. Chiếc xe này có thể nạp điện ngay tại gia đình.

Ông Kenichi Horinouchi cũng đề cập đến khả năng sẽ lắp ráp dòng xe này tại Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á.

“Hiện chúng tôi đang đàm phán với Chính phủ để được hưởng ưu đãi với ô tô điện. Nếu được chấp nhận, sản phẩm này sẽ chỉ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 15%. Như vậy, nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản về sẽ có giá tương đương với xe chạy xăng cùng loại và góp phần thúc đẩy thị trường ô tô điện tại Việt Nam” - ông Kenichi nói.

Thời gian qua, cũng có một số đối tác nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội phát triển ô tô điện. Trung tâm Phát triển EV thuộc Viện Nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp tỉnh Ehime (Nhật Bản) năm 2014 đã sang Việt Nam tìm kiếm đối tác. Trung tâm này có công nghệ cải tạo xe ô tô thường thành ô tô điện, trọng tải nhẹ để chở khách và chở hàng hóa. Bên cạnh đó là chế tạo xe tải chạy bằng điện.

Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm, ông Sato Kazunobu, thì xe ô tô chạy 100% điện sẽ tiết kiệm được 15% chi phí, so với sử dụng xăng. Nhu cầu sử dụng xe ô tô chạy bằng điện ở các nước đang tăng mạnh, do dầu thô ngày càng cạn kiệt và giảm tác động đến môi trường.

{keywords}

Cuộc chạy đua làm chủ công nghệ giao thông thế kỷ 21, nhằm thoát khỏi sự ràng buộc của dầu mỏ, đang ngày càng quyết liệt.

Việt Nam chưa quan tâm?

Dầu thô ngày càng cạn kiệt và những đe dọa và môi trường là hai yếu tố quan trọng khiến xu hướng chuyển sang sử dụng ôtô điện ngày càng nhiều. Kết quả nghiên cứu mới tại châu Âu cho thấy, năm 2026, thói quen mua xe ô tô sẽ có một bước chuyển lớn, sang dòng xe điện, trong đó, thị trường tiềm năng nhất thuộc về châu Á - Thái Bình Dương.

Chẳng hạn tại Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, thì xe điện đang tiến triển rất tốt. Các thành phố lớn của Trung Quốc một mặt đặc biệt khuyến khích người dân mua xe xanh, mặt khác kiểm soát ngày càng chặt chẽ xe sử dụng động cơ đốt trong. Một lãnh đạo của Honda gần đây dự đoán, đến năm 2025, công ty sẽ không thể bán được chiếc xe nào tại Trung Quốc, nếu không điện hoá.

Tuy nhiên, ô tô điện hiện chưa đáp ứng được những đòi hỏi của người tiêu dùng về mặt công nghệ. Khả năng tích điện của sản phẩm còn thấp, hầu hết các xe chỉ chạy được khoảng 150 km là phải nạp điện, thời gian nạp kéo dài 4-7 giờ và giá còn đắt so với ôtô chạy xăng.

{keywords}

Mẫu BMW i3 chạy điện được nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam.

Nhưng công nghệ ô tô điện đang phát triển rất nhanh, pin ngày càng có khả năng tích điện nhiều hơn và thời gian sạc nhanh hơn. Các dự báo cho thấy chỉ 10 năm nữa, đa số ô tô điện có thể chạy tới 400 km cho mỗi lần sạc và thời gian sạc giảm còn dưới 1 giờ. Ngoài ra, ô tô điện sẽ có khả năng giao tiếp tốt với con người qua smartphone và rất được giới trẻ ưa chuộng. Khi đó, thị trường sẽ rất tiềm năng.

Trong khi làn sóng nghiên cứu ô tô điện đang nổi lên mạnh mẽ trên thế giới, thì tại Việt Nam, vẫn thiếu sự quan tâm thích đáng của các nhà làm chính sách. Đến nay, chưa có một nghiên cứu nào thực sự bài bản, khoa học và mang tính hệ thống về ô tô điện. Nếu chỉ giới hạn suy nghĩ trong lĩnh vực ô tô, thì chẳng nhìn thấy gì.

Các nhà khoa học cho biết xu hướng ô tô điện tràn vào Việt Nam là khó tránh khỏi. Ô tô điện phát triển đồng nghĩa với nhu cầu dùng điện tăng. Cân bằng cung - cầu năng lượng sẽ là vấn đề quan trọng. Một lưới điện thông minh là không thể thiếu, nếu muốn quản lý tối ưu việc phân phối năng lượng đại trà. Điều này, chưa thấy cơ quan nào đề cập tới.

Công nghiệp ôtô điện cần 4 công nghệ cơ bản là tích lũy điện, máy điện, máy đổi điện và kỹ thuật điều khiển. Nếu mở rộng cho cả ngành công nghiệp, khi ô tô điện phát triển, khi điện trở thành nguồn năng lượng chính, lúc đó thị trường pin, động cơ điện và các máy đổi điện sẽ vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc thiếu các chính sách ưu đãi và phát triển cơ sở hạ tầng cho ô tô điện, có thể thấy Việt Nam vẫn đứng ngoài "dòng chảy" này.

Cuộc chạy đua làm chủ công nghệ giao thông thế kỷ 21, nhằm thoát khỏi sự ràng buộc của dầu mỏ, đang ngày càng quyết liệt.

Nước Mỹ chi hơn 2,4 tỷ USD cho nghiên cứu ô tô điện mỗi năm, chủ yếu cải tiến nguồn năng lượng và hệ thống truyền động.

Châu Âu chuộng dòng xe plug-in hybrid.

Ở châu Á, Nhật sớm ấp ủ những nghiên cứu ô tô điện 100% (ZEV), tập trung vào hệ thống điều khiển và nguồn năng lượng. Hàn Quốc và Trung Quốc khai thác triệt để công nghệ truyền tải điện không dây với các loại xe bus nạp điện từ dưới đất tại trạm dừng. Mới đây nhất, Campuchia đã chế tạo được một chiếc ZEV (chiếc Angkor EV 2014), điều khiển bằng smartphone và công nghệ nhận dạng sóng vô tuyến RFID.

Trần Thủy