Được như vậy là nhờ ông kiên trì với con đường mình đã chọn - trồng cà phê đặc sản theo phương pháp hữu cơ. 

Người đi ngược dòng

Tại một diễn đàn trao đổi về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của các bạn trẻ được tổ chức tại TP Đà Lạt mới đây, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với một lão nông dân rất cởi mở và nói về cà phê cả ngày không biết chán. Hành trình và những câu chuyện làm nông nghiệp của ông đã và đang trở thành “lực hấp dẫn” của rất nhiều tình nguyện viên, chuyên gia, nghiên cứu sinh và khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến khám phá, tiếp cận kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và chế biến khá đặc biệt ở trang trại cà phê Sơn Pacamara mà người được mệnh danh trồng cà phê ngon số 1 Việt Nam, đó là ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1962). 

o noi so huu ca phe quy hiem nhat, thom ngon nhat gia 2,2 trieu/kg hinh anh 1
 Sở thích của ông Sơn là tự tay mình pha những ly cà phê thơm ngon để thưởng thức.

Như đã hẹn trước, chúng tôi tìm đến chủ nhân khu vườn trồng giống cà phê Pacamara. Nằm cạnh rừng thông xanh ngát ở Phường 5, TP Đà Lạt, thoạt nhìn, trang trại cà phê Sơn Pacamara cũng giống như bao trang trại cà phê bình thường khác, thậm chí nó giống như một khu vườn tạp với đủ các loại cây trồng đa dạng. Tuy nhiên, khi đón ly cà phê đầu tiên do chính tay chủ trang trại pha chế, khách mới hiểu được vì sao ông được giới cà phê tôn vinh đến như vậy. 

Ông Sơn kể: Vườn cà phê này tôi mua của Nông trường Măng Lin cũ, trên diện tích đó đã có cà phê và chỉ được biết là dòng cà phê Arabica. Năm 2009 ông tiến hành cải tạo vườn và mua thêm giống cà phê của Viện Khoa học Tây Nguyên về trồng dặm vào những diện tích già cỗi, hư hại.

Trong khu vườn của mình, tôi lựa chọn sản xuất truyền thống hữu cơ và đi ngược lại với xu hướng sản xuất hiện tại là sản xuất sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật vì cho năng suất vượt trội. Việc ấy, đồng nghĩa với năng suất của khu vườn sẽ không đạt. Năng suất không cao cộng với việc sản phẩm bị cho là cà phê loại bỏ vì vị nhạt giống nước 2, những năm đầu tôi phải bán cà phê của mình với giá rẻ bèo để cho người ta đem về trộn bắp, đậu nành làm cà phê bột.

Trầy trật với cà phê trong vòng 5 năm, trong một lần tình cờ những người bạn Đài Loan lấy cà phê của tôi để dự thi cà phê thế giới, lúc ấy qua sự nếm thử của các chuyên gia hàng đầu thế giới về cà phê và cà phê của tôi đã được giải cao. Từ đây, cà phê của tôi bước sang một trang mới. Trong quá trình tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, tôi mới hay biết được là mình đang sở hữu những giống cà phê ngon vào bậc nhất thế giới, đó là Tybica, Bourbon, Caturra và đặc biệt Pacamara... Họ khuyên tôi nên vẫn giữ phương pháp canh tác vốn xưa nay.

Thành công bước đầu đã làm ông vững tin theo con đường mình chọn đó là sản xuất cà phê đặc sản bằng phương pháp trồng hữu cơ. Để sản xuất hữu cơ ông đã tạo nên một vành đai sản xuất cà phê hữu cơ chất lượng cao theo phương pháp truyền thống, phù hợp với địa hình trên đất dốc giúp cây phát triển tốt nhất.

Một khu vườn cà phê được ông thiết lập trong một hỗn hợp cây cao và thấp để tạo thành một hệ thống đa tầng. Nhiều tầng có nghĩa là có các lớp khác nhau của cây trồng với độ cao khác nhau trong hệ thống. Ba cấp độ (tầng) là quan trọng trong một vườn cà phê nông lâm kết hợp. Cây trồng của tầng trên (bóng râm) bảo vệ cây cà phê chống lại ánh sáng mặt trời mạnh mẽ, góp phần vào công tác phòng chống xói mòn đất và tăng độ ẩm trong vườn cà phê.

Cà phê mọc trong bóng râm bên dưới tán rừng để không làm tổn hại hệ sinh thái. Những loài chim sống trong rừng vừa có “nhiệm vụ” ăn côn trùng gây hại, mặt khác lại góp phần tiếp thêm dinh dưỡng để đất nuôi cây. Lá cây rụng trở thành loại phân bón thụ động, trong khi các bộ phận của cây cà phê sau quá trình chế biến quay trở lại thành phân bón cho cây.

“Trong khi với một nước đang phát triển như Việt Nam, nông dân mong chờ hưởng lợi nhiều thông qua việc xuất khẩu cà phê, song hiện nay đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Thay vì phải chi nhiều tiền để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì lựa chọn canh tác cà phê bền vững là sản xuất hữu cơ lại là con đường thông minh, lại nhằm mục đích bảo vệ môi trường”, ông Sơn chia sẻ.

Đến cà phê giá hàng triệu đồng/kg

Ở trang trại cà phê Sơn Pacamara, Specialty coffee (cà phê đặc biệt) được ông làm theo quy trình khép kín. Đầu tiên ông chọn giống tốt, phù hợp với thổ nhưỡng. Đối với loại cà phê này, vùng trồng càng cao sẽ cho chất lượng ngon. Nằm trong thung lũng ở độ cao 1.400 m so với mực nước biển, nơi đây được xem là khu vực có điều kiện thuận lợi nhất cho Specialty coffee đạt chất lượng cao nhất. Hiện trang trại đã phát triển diện tích lên đến 4 ha với gần 15.000 cây cà phê Arabica.

o noi so huu ca phe quy hiem nhat, thom ngon nhat gia 2,2 trieu/kg hinh anh 2
 Ông Sơn chia sẻ với du khách những phương pháp canh tác mà nông trại ông đang sản xuất.

Trong đó có 5.000 cây cà phê Tybica, 5.000 cây cà phê Bourbon, 2.000 cây cà phê Caturra, 3.000 cây cà phê Pacamara. Tất cả diện tích trên đều được ông Sơn canh tác theo phương thức nông nghiệp hữu cơ bền vững. 

Trước đây, do chất lượng của các giống cà phê chưa được chú trọng, đánh giá đúng mức nên nhiều nông dân ở Đà Lạt đã phá bỏ các giống cà phê quý để chuyển sang trồng các loại hoa màu hoặc các giống cà phê cao sản. Tuy nhiên, với lão nông Nguyễn Văn Sơn, mỗi gốc cà phê được ông vun trồng và chăm sóc bằng tất cả tình yêu và tâm huyết. 

Để rồi vào thời điểm tháng 10 hàng năm, những trái cà phê chín mọng được ông thu hái bằng tay, lên men và sơ chế ngay tại vườn tạo nên hương vị tốt nhất. Đó cũng là lúc ông tận hưởng thành quả ngọt ngào sau hơn 10 năm miệt mài với con đường cà phê hữu cơ. 

Tại trang trại Sơn Pacamara, ông Sơn gần như là người trồng cà phê duy nhất có thể tự mình làm từ A-Z (from farm to cup): từ việc xác định giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, lên men, sàng lọc, rang xay, cupping (tức quy trình ngửi - nếm một cách chuyên nghiệp để kiểm định chất lượng cà phê), cho đến pha chế.

Phải chục bước lớn nhỏ để cho ra được một tách cà phê vừa ngon theo đúng tiêu chuẩn đánh giá của các chuyên gia, tinh chỉnh cho hợp với khẩu vị của từng đối tượng khách hàng. 

Không chỉ trồng, thu hoạch và chế biến cà phê, ông Sơn còn có sở thích rang và thưởng thức cà phê do chính mình làm ra. Niềm đam mê ngày càng mạnh mẽ đã biến thành động lực để ông sản xuất ra loại cà phê Arabica chất lượng cao nhất tại Đà Lạt.

Nếu như hiện nay, cà phê thông thường tại các vùng sản xuất nổi tiếng của TP Đà Lạt như Cầu Đất chỉ có giá khoảng 40.000 - 60.000 đồng/kg, bất kể năm 2016, Starbucks đã chính thức cho ra mắt sản phẩm cà phê Arabica Đà Lạt, thì sản phẩm cà phê Specialty coffee của trang trại cà phê Sơn Pacamara được bán dưới dạng nhân xanh với giá thấp nhất cũng lên đến 500.000 đồng/kg. 

Đặc biệt, riêng loại cà phê Pacamara có giá lên đến 2.200.000 đồng/kg, một mức giá kỷ lục chưa từng xuất hiện trên thị trường cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, do sản lượng cà phê không nhiều nên trang trại đang nợ sản lượng đặt hàng của các doanh nghiệp đến năm 2020.

Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất cà phê đặc sản thế giới, niên vụ 2018-2019 vừa qua, trang trại Sơn Pacamara thu hoạch khoảng 3 tấn hạt nhân/4 ha, trị giá gần 2 tỷ đồng, trừ mọi chi phí chăm sóc hữu cơ, thu hái bằng tay lựa chọn từng trái, phân loại hạt nhân chế biến… trang trại lãi khoảng 800 triệu đồng.

Hiện trang trại cũng đang liên kết với một số hộ nhằm bảo tồn, mở rộng diện tích cà phê đặc sản, cũng như chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho thành viên, nhằm góp phần khẳng định và nâng cao giá trị cho cà phê Đà Lạt. 


(Theo Báo Lâm Đồng)