Khi củi đốt thành…tiền

Theo người dân địa phương, cây trầm dó thường mọc tự nhiên ở các vùng đất cát, trong đó nhiều nhất là ở các huyện Phú Vang, Hương Thủy và Quảng Điền, có mùi thơm nhẹ, khi phơi khô, đốt lên thì có mùi trầm. Trước đây, người dân địa phương không để ý gì tới loại cây này và thường chỉ dùng làm củi.

Tuy nhiên, gần đây, không hiểu vì lý do gì, các thương lái lùng sục loại cây này thu mua, tạo nên một cơn sốt khiến dân địa phương bỏ việc đồng áng, đổ xô đi tìm chặt trầm dó, cây tơ hồng về tập kết chờ xuất hàng, với giá trung bình từ 2.500-3.000 đồng/kg. 

O at san tram do, to hong de ban cho thuong lai Trung Quoc
Bà Lê Thị Thanh Nhung, hiện là chủ thu mua cây trầm dó, cây tơ hồng của người dân tại khu vực huyện Phú Vang

Bà Nguyễn Thị A. - ở thị trấn Phú Đa, H.Phú Vang - cho biết: “Thời gian đầu, họ mua cây với giá 2.500 đồng/kg. Càng về sau, giá càng nhích lên. Do nhiều người lùng nên bây giờ, loại cây này cũng dần khan hiếm. Các cây to hầu như đã hết nên họ chặt luôn những cây nhỏ, thu gom cành khô và đào luôn cả gốc, rễ để bán. Khi nào chủ thu mua điện báo có đoàn đi kiểm tra, bà con mới tạm dừng việc chặt trầm dó”.

Có mặt tại điểm thu mua trầm dó ở tổ dân phố Đức Lam Trung, thị trấn Phú Đa, H.Phú Vang, chúng tôi nhận thấy hàng chục bao lớn trầm dó và cây tơ hồng phơi khô được chặt nhỏ, cất sau nhà thờ gia tiên của bà Lê Thị Thanh Nhung. Cùng lúc, ở phía ngoài sân, nhiều đống cây trầm dó đã héo khô, đang được chờ đóng bao để đưa ra Bắc. Bà con tổ dân phố Lam Trung cho biết, hoạt động thu mua cây trầm dó đã diễn ra hơn 4 tháng nay.

Theo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, thương lái thu mua trầm dó và cây tơ hồng tại H.Phú Vang chính là bà Lê Thị Thanh Nhung - sinh năm 1984, trú tại TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Bà này đã  kết hôn với một người Trung Quốc. Địa điểm tập kết, thu mua trầm dó và cây tơ hồng chính nhà ngôi nhà của cha mẹ bà Nhung, ở thôn Đức Lam Trung, thị trấn Phú Đa, H.Phú Vang. 

“Tôi cũng chỉ là thương lái nhỏ thôi, nên sau khi mua về, sẽ cung ứng cho người chủ thu mua lớn hơn để họ chở ra miền Bắc, bán sang Trung Quốc. Dù thu mua như vậy nhưng tôi cũng không biết loại cây này có tác dụng gì. Có người bảo để làm dược liệu, có người lại bảo là để làm hương thắp” - bà Nhung nói.

Làng quê không yên tĩnh

Cũng theo lời bà Nhung, trong một lần ghé thăm bà ngoại, bà tình cờ chụp ảnh cây trầm dó, cây tơ hồng đưa lên mạng xã hội; sau đó, có người liên hệ, đề nghị bà thu mua hai loại cây này để làm thuốc. Bà được một người ở miền Bắc ứng trước 20 triệu đồng, đề nghị mỗi lần thu mua được 5 tấn cây trầm dó phơi khô, cắt nhỏ, sẽ chuyển ra Bắc cho họ, mỗi tấn giá 10 triệu đồng.

O at san tram do, to hong de ban cho thuong lai Trung Quoc
Trầm dó và tơ hồng được nhiều người tích trữ chờ bán cho thương lái

Do biết nhiều thương lái tìm đến thu mua cây trầm dó và tơ hồng với giá cao, nhiều người dân ở thị trấn Phú Đa cùng một số dân nghèo ở các xã Vinh Phú, Vinh Thái đã bỏ làm công nhân ở khu công nghiệp Phú Bài, đổ xô vào rừng lùng sục trầm dó, tơ hồng về bán, khiến hai loại cây trên cạn kiệt. Một số khu vực chôn cất mồ mả cũng bị đào bới thành đường, phục vụ cho việc săn tìm hai loại cây này.

Theo những cụ cao niên ở H.Phú Vang, lâu nay, cây trầm dó, cây tơ hồng sinh tồn trên các đồi cát, nơi đất đai khô cằn, có tác dụng giữ đất, chống cát bay, cát lấp. Việc ồ ạt chặt phá cây trầm dó, cây tơ hồng bán cho thương lái là rất nguy hại, gây sạt lở đất, gây tình trạng cát bay.

Trước hiện tượng trên, chính quyền cơ sở đã báo cáo với Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế và công an địa phương. Ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa - thừa nhận, mấy ngày nay, UBND huyện liên tục phát tin trên loa truyền thanh cảnh báo về tình trạng người dân ồ ạt chặt phá cây trầm dó, cây tơ hồng. UBND thị trấn cũng đã yêu cầu người dân ngừng chặt phá cây trầm dó để tránh ảnh hưởng tới hệ sinh thái  rừng. Công an tỉnh và huyện cũng tuyên truyền, giải thích và hướng dẫn các thủ tục cần thiết đối với vợ chồng bà Nhung - thương lái mua cây. 

(Theo Phụ nữ TP.HCM)