Nuôi lợn rừng ăn dược liệu, cán bộ xã thu tiền tỷ mỗi năm

Ngoài giờ hành chính, anh Trần Nam Giang, cán bộ xã ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tập trung chăn nuôi lợn rừng bằng thảo dược. Mỗi ngày, anh cho lợn ăn 2 lần, có cả tinh bột nhưng chủ yếu là lá cây, mít, chuối, chè cỏ, lá sung, củ mài, cây thuốc nam. Những thức ăn này giúp thịt lợn rừng ngon hơn vì chứa nhiều khoáng chất. Đặc biệt, các loài cây dược liệu, cây thuốc nam ở rừng có thể giúp lợn kháng bệnh, tiêu hóa và phát triển tốt.

{keywords}
Anh Giang nuôi lợn rừng bằng thảo dược (Ảnh: Thiện Lương)

Việc nuôi lợn rừng đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm cho gia đình anh Giang. Anh Giang cho hay, sắp tới, anh sẽ đầu tư, mở rộng quy mô, tiến tới xây dựng cơ sở sản xuất chế biến thịt lợn rừng trở thành thương hiệu của địa phương.

Nuôi lươn đồng theo kiểu lạ, anh nông dân trúng lớn

Với 120m2 đất vườn quanh nhà, anh Nguyễn Thanh Hải (ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) bố trí 12 bể lót bạt nuôi lươn không bùn, chất giá thể bằng cây tràm. Sau 10 tháng nuôi, anh Hải bắt toàn lươn to bự, thu lời 240 triệu đồng.

Mô hình của anh Hải tận dụng công lao động nông nhàn tại nhà, đầu tư thấp cho lợi nhuận cao. Mô hình này cần được nhân rộng để giúp bà con nông dân tăng thu nhập.

Bỏ việc lương cao về quê trồng cỏ lạ, thu nhập khủng

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (ở xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) cho Báo Dân Việt biết, đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, chị bỏ về quê trồng loại cỏ lạ mang tên cỏ Vetiver. Loại cỏ này có nguồn gốc từ Ấn Độ, có tác dụng chống sạt lở đất, xử lý nguồn đất nhiễm phèn, mặn; lá non làm thức ăn cho gia súc; rễ có thể chiết xuất tinh dầu làm mỹ phẩm, dược phẩm...

{keywords}
Chị Hoài bỏ việc lương cao về quê trồng cỏ lạ.

Khi biết chị về quê trồng một thứ cỏ lạ cao hơn cả đầu người, lá cứng đến mức ngay cả bò cũng không ăn được khiến mọi người ai cũng sốc. Có người bảo chị dở hơi "cỏ diệt không được lại còn đi trồng".

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, hiện diện tích trồng cỏ Ventiver của chị Hoài lên tới hơn 2,5 ha. Trung bình mỗi năm, chị bán ra khoảng 800.000 cây cỏ giống, mỗi cây có giá 500 đồng. Mỗi năm, chị Hoài còn thu hái được 400kg rễ cỏ khô. Sau khi trừ chi phí, chị thu về khoảng gần 30 triệu đồng/tháng.

Ông nông dân trồng lúa khác người xay ra gạo sạch đắt hàng

Đó là ông Nguyễn Anh Đức (Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đức Bình), "vua lúa gạo hữu cơ". Hợp tác xã của ông đã cho ra thị trường gạo sạch, gạo hữu cơ có tiếng nhiều năm nay.

Chia sẻ trên Báo Dân Việt, ông Đức cho biết, vì cách trồng lúa khác người là không dùng thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, thuốc trừ cỏ mà ban đầu nhiều người cho ông là "gàn dở". Nhiều người khuyên ông, trồng lúa hữu cơ làm gì cho vất vả, thiên hạ trồng lúa như thế nào ông cứ thế mà làm theo cho khỏe. Nhưng ông Đức vẫn kiên định con đường trồng lúa hữu cơ.

Mỗi năm, HTX sản xuất 2 vụ lúa hữu cơ với sản lượng từ 70-80 tấn/năm. Hiện tại, sản lượng gạo hữu cơ của HTX không đủ cung ứng ra thị trường vì nhu cầu quá cao.

Quán phở kỳ lạ ở Hà Nội chỉ mở lúc 3 giờ sáng

Chủ quán phở đặc biệt này tên là Hoa. Quán bắt đầu mở ở vỉa hè ngã tư Hàng Chiếu - Hàng Đường (Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm 1990. Ban đầu, cô Hoa mở cửa bán hàng vào lúc 5 giờ sáng. Nhưng về sau, để “chiều khách”, cô đổi giờ mở cửa lúc nửa đêm, khoảng 3 giờ sáng.

{keywords}
Quán phở gánh nức tiếng chỉ bán những bát phở đầu tiên vào lúc 3 giờ sáng (Ảnh: Dân Trí)

2 giờ sáng quán bắt đầu dọn hàng đón khách, song tất cả những khách đến giờ đó đều phải đợi đúng giờ mới được ăn phở. Nhiều người là khách quen đến từ 1 giờ đêm, đặt đồ dùng cá nhân lên bàn để giữ chỗ. Đa số sẵn sàng đợi 2-3 tiếng chỉ để được ăn một bát phở.

Thường chỉ từ 2-3 giờ sáng, tất cả bàn đã kín chỗ. Người đến sớm thì có chỗ ngồi, người tới muộn thì phải... đứng đường đợi. Dù quán rất đông khách và có bao người đang đợi, cô Hoa vẫn làm phở với phong thái rất thong thả, đủng đỉnh.

Nhà sàn rộng 300m2 toàn gỗ quý ở Đà Lạt

Ngôi nhà gỗ của ông Lê Sĩ Phú (Đà Lạt) nổi bật so với những công trình hiện đại xung quanh bởi kiến trúc nhà gỗ độc đáo.

{keywords}
Ngôi nhà làm từ gỗ đinh hương quý hiếm (Ảnh: Dân Trí)

Ngôi nhà được làm hoàn toàn từ gỗ đinh hương, được ông Phú tìm mua ở một khu vực giáp biên giới với Lào, thuộc huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) cách đây gần 2 năm. Sau đó, ông Phú thuê nhóm người từng thi công ngôi nhà đó ở Thanh Hóa tháo dỡ rồi vận chuyển hơn 1.200km vào Đà Lạt và phục dựng lại.

Ngôi nhà có kiến trúc kiểu nhà sàn Bắc Bộ lai kiến trúc Mường và Thái. Nhà có 4 gian, 2 chái với tổng diện tích sử dụng 300m2. Từng chi tiết của ngôi nhà được điêu khắc công phu.

Vườn mộc hương, cây sanh cổ, bồ đề 'đắc đạo' tiền tỷ không mua nổi

Anh Bùi Đức Dũng (TP. Việt Trì, Phú Thọ) có hơn chục cây mộc hương (mộc ta) quý hiếm. Hiện vườn mộc hương này được coi có 1-0-2 ở Việt Nam. Nổi bật nhất là đôi mộc hương “Huynh đệ”. Anh Dũng cho biết đã có người trả 3 tỷ đồng nhưng anh không bán.

{keywords}
Cây bồ đề hàng trăm năm tuổi.

Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ (Hà Nội) đang sở hữu cây sanh cổ, thuộc dòng Nam Điền được tạo hình theo bộ tứ linh (long, lân, quy, phượng) với vẻ ngoài độc đáo có một không hai. Tác phẩm này hiện có giá tới hàng tỷ đồng, nhiều đại gia muốn sở hữu nhưng ông không bán.

Ông Thọ cũng là chủ nhân của cây bồ đề mang tên "bồ đề đắc đạo" có tuổi đời hàng trăm năm, mang thế bàn thạch. Theo ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội sinh vật cảnh Hà Nội, cây bồ đề này là một trong những "báu vật hiếm có khó tìm" trong giới sinh vật cảnh bởi mức độ quý hiếm.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)