Lazada, Shopee bán 'hàng cấm'

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, TMĐT Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm tốt vẫn có những hàng hóa kém chất lượng được bán trên các trang TMĐT.

Không chỉ bán hàng kém chất lượng, một số sàn TMĐT còn cho phép bán hàng không được phép quảng cáo, hàng cấm như thuốc kích dục, rượu, thuốc lá, vũ khí, chất gây nghiện,...

Thực tế, không khó để đặt mua trên mạng các loại vũ khí, thiết bị có khả năng gây sát thương cao như súng bắn điện, bình xịt hơi cay, dùi cui, súng bắn đạn nhựa cao su, dụng cụ chích điện các loại…

Theo khảo sát của PV báo Lao Động trên trang web: www.muado... có vô vàn mẫu mã, đa dạng các loại vũ khí, dụng cụ hỗ trợ được rao bán như: gậy điện, súng điện, roi điện, bình xịt hơi cay, súng các loại, thậm chí, có cả thuốc kích dục và đồ hỗ trợ sex khuyến mãi đi kèm.

{keywords}
Linh kiện lắp ráp súng được bày bán trên trang thương mại điện tử Lazada. (Ảnh chụp màn hình)

PV SGGP ghi nhanh trong ngày 20/2 trên các trang bán hàng mang tên “tự vệ”, “công cụ hỗ trợ” vẫn rao bán những mặt hàng có khả năng gây sát thương cao như súng điện, kiếm Nhật, bình xịt cay,... Thậm chí, những mô hình bộ phận cơ thể người (bàn tay, ngón tay, bàn chân giả) dính đầy máu cũng được bán công khai trông rất rùng rợn.

Đáng chú ý, không chỉ các trang TMĐT nhỏ mà các trang TMĐT lớn cũng bán hàng cấm. Cách đây vài ngày, một số trang thương mại điện tử đình đám của Việt Nam bị tố rao bán hàng cấm đã khiến dư luận chú ý.

Trả lời báo giới, ông Trần Minh Hóa, Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương TP.HCM, cho biết qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận Công ty TNHH Recess và các thương nhân trên sàn Lazada có dấu hiệu vi phạm một số quy định trong hoạt động xúc tiến thương mại, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc trên website, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Theo báo cáo và chứng từ do Công ty TNHH Recess cung cấp Kinh doanh Thiết bị lắp ráp súng trên website của Lazada có 125 giao dịch được các thành viên đăng ký trên www.lazada.vn và mua thành công 69 loại sản phẩm của các nhà cung cấp từ Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, 12 giao dịch do hai thương nhân đăng ký kinh doanh tại Bình Dương và Hà Nội thực hiện; 113 giao dịch do thương nhân tại Trung Quốc kinh doanh.

Trước đó, vụ thiết bị lắp ráp súng rao bán trên Lazada vào tháng 2 cũng gây chú ý. 

Báo Thanh Niên phản ánh, một số phương tiện truyền thông đã phản ánh giữa tháng 2, nhiều khách hàng bất ngờ khi phát hiện trên trang thương mại điện tử Lazada.vn đăng thông tin rao bán thiết bị để lắp ráp súng, vũ khí dưới dạng đồ chơi. Khi lắp ráp hoàn chỉnh, những loại súng đồ chơi này dùng để bắn đạn bằng bi sắt hoặc bằng khí nén CO2 có thể gây sát thương. Đồng thời, trang web này cũng bán nhiều loại vũ khí thô sơ như dao găm, kiếm, côn, cung, nỏ, phi tiêu,...

Không chỉ Lazada, trang TMĐT Shopee cũng bị tố bán hàng cấm.

Cuối năm 2018, gian hàng Quantrum2011 đã đăng bán nhiều loại bánh, socola với "giá trên trời" ở nền tảng Shopee. Trong một nhóm kín Facebook có tên "VNN***tầng 1" với hơn 6.000 thành viên, nhiều bài đăng giới thiệu đây là các sản phẩm có nguyên liệu là cần sa với tác dụng "gây phê".  Các bài đăng giới thiệu công năng, tác dụng của loại "bánh phê" này luôn được gửi kèm liên kết đến gian hàng trên trang thương mại điện tử Shopee.

{keywords}
Bốn chiếc bánh quy với giá 500.000 nghìn trên Shopee được một số người quảng cáo có chất gây nghiện để chào mời trên Facebook.

Vì sao 'hàng cấm' được bán tràn lan trên sàn TMĐT?

Theo An ninh Thủ đô, Thông tư 47/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về Quản lý website TMĐT nêu rõ, các thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website TMĐT để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh như: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; Rượu các loại; Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để thu hút đông đảo người mua và bán, tăng doanh thu chiết khấu giá sản phẩm, quảng cáo, một số sàn TMĐT cho phép cá nhân kinh doanh có thể thoải mái đăng tải trên sàn TMĐT các loại mặt hàng mà không bị kiểm soát.

Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT tìm mọi cách lách qua bộ lọc của sàn, khi bán hàng cấm đã cố tình không đưa rõ hình ảnh sản phẩm, đưa tên khác hoặc tạo nhiều tài khoản khác nhau để bán hàng... 

Mặt khác, do mức phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được nên không đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm. Mức xử phạt chục triệu hoặc vài chục triệu đồng/vụ suy cho cùng chẳng thấm gì với các sàn TMĐT mà mỗi năm “đốt” đến hàng trăm hoặc cả ngàn tỷ đồng.

Hơn nữa, hiện nay, việc duy trì cách đăng ký tài khoản bán hàng trên các trang TMĐT khá đơn giản. Người dùng có thể đăng nhập bằng tài khoản Facebook, đăng ký số điện thoại, số tài khoản ngân hàng là có thể tham gia bán hàng.

Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng bán hàng giả, nhái, hàng cấm trên các trang TMĐT, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, tăng mức xử phạt, buộc các chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm với sản phẩm bày bán trên sàn của mình.

Các trang TMĐT cũng cần có biện pháp quản lý và siết chặt sản phẩm mà đối tác bày bán, giao dịch trên sàn, để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa không phù hợp.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)