Hơn ai hết, chị em phụ nữ là những người thấu hiểu được nỗi khổ ngày Tết. Cả mấy ngày 29, 30 thì lụi cụi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn. Ba ngày Tết cũng không được yên thân, ngày nào cũng phải bày vẽ nấu nướng, ăn xong bát cơm lại phải bò ra rửa bát. Mà mâm cỗ ngày Tết thì bát đũa cứ chất lên cao như núi.

Chị Lan, Bắc Giang than thở: "Chồng mình là con trưởng trong nhà, cả mấy ngày Tết là anh em họ hàng tập trung ăn uống ở nhà mình, tục lệ Tết ở quê nó vậy. Công đoạn làm cơm còn đỡ ngại vì nhiều đồ có sẵn như giò chả, bánh chưng,... chứ rửa bát thì mệt lắm. Cánh đàn ông may ra chỉ phụ giúp được lúc nấu cơm thôi, nói đến rửa bát thì chạy hết."

Để chấm dứt tình trạng này, chị Lan cho biết đang tìm mua một chiếc máy rửa bát dùng cho đỡ vất vả.

{keywords}
Nỗi khổ rửa bát ngày Tết của chị em. Ảnh: Soha

Không giống như lò vi sóng, tủ lạnh, máy rửa bát vẫn còn khá xa lạ với các căn bếp ở gia đình Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu do trước kia giá thành loại máy này quá cao và sợ tốn điện, nước nên nhiều người còn ngần ngại. Hiện tại, chỉ từ 7-8 triệu đồng là các bà nội trợ có thể sắm cho mình một chiếc máy cỡ nhỏ dùng cho gia đình 2-4 người.

Thực ra, so với rửa bằng tay, máy rửa bát có rất nhiều ưu điểm. Theo tính toán, để rửa một mâm bát trung bình theo cách truyền thống chúng ta tiêu tốn tới 20 lít nước tráng rửa. Còn khi sử dụng máy thì chỉ tốn từ 9-12 lít nước. Như vậy, nếu một ngày phải rửa bát 2 lần thì sẽ tiết kiệm được gần 20 lít nước mỗi ngày.

Hơn nữa, rửa bát bằng máy sẽ sạch hơn hẳn so với bằng tay. Nguyên nhân do vi khuẩn từ chính giẻ rửa bát có thể lây nhiễm ngược lại bát đũa trong quá trình vệ sinh.

Cuối cùng và quan trọng nhất, máy rửa bát tiết kiệm được thời gian và công sức cho các bà nội trợ. Chị em có thể thảnh thơi ngồi uống nước mỗi khi ăn cơm xong.

Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại máy được bày bán, giá dao động từ 8 triệu tới vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, với phần lớn gia đình ở Việt Nam, một chiếc máy tầm 10-15 là đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Theo hình thức cấu tạo, máy rửa bát đang được chia ra làm 3 loại chính: máy rửa bát để bàn, máy rửa bát âm tủ và máy rửa bát đứng độc lập.

Máy rửa bát để bàn có thiết kế đơn giản, nhỏ gọn, giá thành rẻ. Tuy nhiên, do dung tích rất nhỏ nên máy rửa được ít bát đĩa. Dòng máy này chỉ phù hợp với các gia đình có hai vợ chồng.

{keywords}
Máy rửa bát để bàn giá rẻ nhưng rửa được ít. Ảnh: Danby

Máy rửa bát âm tủ là dòng máy được thiết kế đồng bộ với tủ bếp của gia đình. Sở hữu kiểu dáng đẹp, sang trọng, công suất hoạt động mạnh mẽ nhưng giá thành máy lại tương đối cao. Hơn nữa, trước khi mua máy loại này, gia chủ phải thiết kế sẵn kích thước tủ bếp sao cho phù hợp.

{keywords}
Máy rửa bát âm tủ có thiết kế sang trọng nhưng giá thành cao. Ảnh: Eukitchen

Cuối cùng là loại máy rửa bát đứng độc lập. Loại này về thiết kế không có gì khác so với loại để bàn nhưng được làm kích thước lớn để phục vụ nhiều người.

{keywords}
Dòng máy rửa bát đứng độc lập trông như một chiếc máy giặt cỡ nhỏ. Ảnh: Modern Countertops

Để lựa chọn được loại máy phù hợp với nhu cầu gia đình, ngoài yếu tố giá thành bạn cần dành sự quan tâm chủ yếu tới công suất của máy. Nếu máy quá nhỏ thì phải rửa nhiều lần mới hết bát, còn quá lớn thì gây ra tốn điện, tốn nước. Có thể lựa chọn những chiếc máy có tiếng ồn nhỏ để tránh bất tiện trong quá trình sử dụng.

Hầu hết các máy rửa bát trên thị trường đều có thời gian bảo hành từ 2-5 năm nên bạn có thể yên tâm sử dụng. Nếu có ngân sách eo hẹp, khách hàng có thể tìm đến các dòng máy rửa bát nội địa Nhật cũ. Tuy nhiên, điều quan trọng khi mua hàng cũ là phải tìm được cửa hàng uy tín, hỗ trợ lắp đặt, bảo hành rõ ràng.

Hoàng Hiệp