Rắn hổ mang - loại rắn cực kỳ nguy hiểm bởi nọc độc của nó có thể gây chết người nếu không may bị cắn.

Theo đó, chất độc thần kinh có trong nọc rắn ngăn chặn hoạt động của hệ thống thần kinh và hệ thống thần kinh - cơ trong vòng 15 phút đến hai giờ, gây ra tình trạng buồn ngủ, tê liệt, mất ý thức, khó thở. Các mô xung quanh vết cắn bị thâm, sưng lên và chết đi, gây ra nhiễm trùng và nạn nhân có thể phải cắt bỏ bộ phận cơ thể như chân, tay.

Nọc độc rắn còn chứa độc tố cardiotoxin nguy hiểm. Ở giai đoạn cuối cùng, độc tố cardiotoxin làm tăng huyết áp trước khi nhanh chóng chậm lại và khiến tim ngừng đập.

Một vết cắn có thể không chứa nọc độc, nhưng rắn hổ mang có khả năng cắn nhiều lần để phun ra lượng nọc độc lớn. 

{keywords}
Nọc độc của rắn hổ mang có thể gây chết người nếu không cứu chữa kịp thời

Dù có thể gây chết người nhưng y học lại dùng chúng để cứu người như chế tạo huyết thanh kháng nọc, chữa cho những người bị rắn cắn (huyết thanh chế từ nọc độc loài rắn nào chỉ dùng chữa cho người bị loài rắn đó cắn). Ngoài ra, nọc rắn còn được dùng chế các thuốc giảm đau, chống viêm trong thấp khớp, đau cơ, đau dây thần kinh... dưới dạng tiêm hay thuốc mỡ.

Nọc rắn độc hổ mang ở Brazil có chất captopril gây hạ huyết áp rất nhanh khiến con mồi bủn rủn, tê liệt. Các nhà khoa học đã mô phỏng và chế tạo được chất này để chữa trị bệnh tăng huyết áp. Loại nọc độc làm đông máu được ứng dụng chế tạo thuốc cầm máu, chống chảy máu nội tạng.

Từ nọc độc của rắn hổ mang, các nhà khoa học đã trích ra một chất có tên là contortrastin, có khả năng khống chế tế bào ung thư, làm chậm sự lan truyền của các khối u. GS. Manjunatha Kini từ Đại học quốc gia Singapore cho biết, thuốc giảm đau điều chế từ nọc độc của hổ mang chúa có hiệu quả cao gấp 20-200 lần so với morphin.

Ở Việt Nam có những làng chuyên nuôi các loại rắn hổ mang với số lượng lên tới vài trăm ngàn con. Theo đó, ngoài nuôi để lấy thịt rắn bán thương phẩm, trứng rắn thì còn để lấy nọc rắn bán.

{keywords}
Dù rất độc nhưng nọc độc rắn hổ mang lại có tác dụng trong y học nên được thu mua với giá đắt hơn vàng

Như ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), những năm đầu thập niên 90, các chuyên gia y tế của Nga đã sang Việt Nam ký hợp đồng thu mua nọc rắn với giá 1cc tương đương 1 chỉ vàng (vàng khi ấy giá khoảng 250.000 đồng/chỉ). Tính ra, 1 lít nọc rắn có giá tương đương 100 lượng vàng.

Thực tế, ở thời kỳ đó, nhờ bắt rắn nhả nọc mà nhiều gia đình trúng đậm, đổi đời, vàng đong bằng ca cất tủ.

Ông Quảng - một hộ nuôi rắn có hơn 30 năm kinh nghiệm ở xã Vĩnh Sơn tiết lộ, thời đó mỗi năm chỉ lấy được vài lần, nhưng mỗi lần lấy được tầm 20cc. Đem bán đi thì mỗi năm ông cũng thu về khoảng chục cây vàng.

Đến nay, số lượng đàn rắn tăng lên, nọc càng ngày càng nhiều. Các gia đình nuôi rắn hổ mang tại địa phương này lấy nọc rắn đông khô tích đầy trong nhà. Có nhà tích cả vài cây, nhiều như bột sắn dây.

Ông Vũ Mạnh Hùng, người nuôi rắn có tiếng ở xã Vĩnh Sơn, cho biết, ông thu mua nọc đem về đông khô. Cứ 3cc nọc lấy từ rắn thì được 1gram khi đông khô. Hiện nọc rắn đông khô có giá 400.000 đồng/gram, khoảng 400 triệu đồng/kg.

Nọc khô này được ông bọc kín trong vài lớp túi nilon, bởi chỉ cần ngửi thôi đầu óc đã choáng váng chẳng khác nào bị rắn hổ mang cắn, phải uống thuốc giải độc ngay, ông chia sẻ.

Mời độc giả xem clip tự tạo từ bài viết:

Lưu Minh