Những ngày này, vựa trái cây miền Tây đang vào mùa thua hoạch rộ. Thế nhưng, thay vì niềm vui được mùa thì nhiều nhà vườn lại đang đối mặt với tình trạng thua lỗ nặng vì giá trái cây giảm thê thảm.

Dù vườn dâu trái sai trĩu cành nhưng các nhà vườn trồng loại cây ăn trái này tại huyện Phong Điền (Cần Thơ) lại không mấy mặn mà thu hái vì giá dâu bòn bon giảm xuống mức thấp, hàng khó tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường chính là Campuchia không còn "ăn hàng" như trước.

Theo đó, thay vì xuất bán với giá 30.000-40.000 đồng/kg như vụ thu hoạch năm 2019 thì nay dâu bòn bon giá giảm còn 2.000-4.000 đồng/kg tuỳ loại, giá dâu xanh cũng chỉ bán được ở mức 4.000-5.000 đồng/kg.

{keywords}
 
{keywords}
Dâu bòn bon, dâu xanh miền Tây được mùa nhưng giá giảm mạnh

Cùng cảnh ngộ, các nhà vườn trồng mít Thái ở Long An, An Giang, Đồng Tháp cũng ngán ngẩm bởi chỉ khoảng 1 tuần trở lại đây, giá loại trái cây đặc sản này đã giảm khoảng 50% xuống còn 4.000-8.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá rau ngoài chợ.

Anh Bùi Văn Tâm - một thương lái chuyên thu mua mít tại Đồng Tháp thừa nhận, mít Thái loại 1 hiện giá thu mua tại vườn chỉ ở mức 6.000-8.000 đồng/kg, mít loại 2 giảm còn 4.000-5.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá vẫn 15.000-18.000 đồng/kg.

Theo anh, đang mùa hè nên lượng mít tiêu thụ tại thị trường nội địa khá thấp, hàng xuất khẩu cũng hạn chế. Do đó, những ngày này anh đang phải thu mua cầm chừng, khách sỉ đặt hàng anh mới dám tới các nhà vườn cắt mít.

Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, với giá mít giảm chỉ còn vài ngàn đồng mỗi cân như hiện nay thì các nhà vườn đang đối diện với tình trạng thua lỗ.

Hiện nhiều nhà vườn trồng mít Thái phải cắt bỏ những trái mít non bởi giá mít xuống quá thấp, mặt khác là để phục hồi cây và chờ khi giá mít tăng mới cho ra trái.

{keywords}
Giá mít Thái ở miền Tây cũng rớt thảm hại, còn vài ngàn đồng mỗi cân

Tại Đồng Nai, người nông dân trồng sầu riêng cũng đang thua lỗ nặng bởi đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng hầu như không có thương lái tới đặt cọc mua hàng khiến giá giảm đột ngột. Chưa kể, các đợt mưa lớn gần đây làm nhiều diện tích sầu riêng bị bật gốc, rụng trái gây thiệt hại lớn.

Ông Trần Văn Bách, một nhà vườn trồng sầu riêng ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), than thở, đầu vụ thu hoạch, thương lái vào tận vườn thu mua sầu riêng Thái với giá 65.000 đồng/kg, sầu Ri6 55.000 đồng/kg. Nhưng hiện tại, hai loại sầu riêng này giá lần lượt giảm còn khoảng 30.000-35.0000 đồng/kg, tức mất khoảng một nửa giá so với thời điểm cách đây 2 tuần.

Thê thảm hơn, nhà vườn trồng sầu riêng tại Bến Tre không những phải đối diện với tình trạng hạn mặn làm cho sầu riêng rụng lá, năng suất giảm mà giá còn giảm kỷ lục.

Người trồng sầu tại huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết, chưa năm nào giá sầu lại giảm xuống thấp như năm nay. Vào chính vụ sầu năm ngoái, các nhà vườn xuất bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg, thu được vài trăm triệu đồng mỗi ha. Năm nay, giá sầu giảm còn 15.000-30.000 đồng/kg khiến nhà vườn thua lỗ nặng.

Cách đây khoảng 1 tháng, các nhà vườn trồng xoài miền Tây cũng xoài rớt giá thảm, xuống còn 1.000-4.500 đồng/kg. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 khiến loại trái cây này gặp khó trong xuất khẩu.

Theo ông Hồ Văn Hữu - Phó giám đốc HTX Xoài Tân Thuận Tây (TP.Cao Lãnh), do có ký kết hợp tác nên giá mua xoài của HTX khoảng 5.000-5.500 đồng/kg, cao hơn các thương lái 1.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Nhiều nhà vườn chia sẻ, với mức giá chỉ 1.000-4.500 đồng, mỗi công xoài sau khi thu hoạch xong họ lỗ khoảng 6 triệu đồng. Thậm chí, số tiền lỗ còn nhiều hơn khi một số nhà vườn phải đổ bỏ xoài do ế ẩm.

Châu Giang (tổng hợp)