Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, năm 2019, nước ta nhập khẩu 67.131 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 63% so với năm 2018. Hai tháng đầu năm nay, nhập khẩu tới 13.816 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ từ Canada chiếm 33,06%, Đức chiếm 25,4%, Brazil chiếm 16,10%, Ba Lan 15,81% và Hoa Kỳ 7,78%.

Trước đó, Bộ NN-PTNT cho biết, để bù đắp thiếu hụt, Việt Nam đã gia tăng lượng thịt lợn nhập khẩu. Cụ thể, Bộ không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt lợn nói riêng cũng như các sản phẩm động vật được phép nhập khẩu. Như năm 2019, có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018).

{keywords}
Hai tháng đầu năm nay, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái

Bộ NN-PTNT cũng tổ chức họp với các doanh nghiệp để bàn giải pháp thúc đẩy nhập khẩu, đồng thời chỉ đạo các cơ quan thú y tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu.

Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi ở nước ta đã được kiểm soát, công tác tái đàn đang được đẩy mạnh. Hiện 11 tỉnh thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có dịch tả lợn châu Phi; 21 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt hơn 80% so với trước khi dịch bệnh này xảy ra; 21 địa phương có tổng đàn đạt hơn 50% và 10 tỉnh thành có tổng đàn dưới 50% so với trước khi có bệnh dịch.

Theo thống kê, tính đến ngày 2/3, tổng đàn lợn của cả nước đạt trên 24 triệu con, bằng khoảng 77% so với tổng đàn lợn so với thời điểm tháng 12/2018 (tổng đàn 31 triệu con).

Từ thực tế tái đàn ở các địa phương, Bộ NN-PTNT dự báo khả năng đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP). 

Cụ thể, tháng 2/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 330.000 tấn, tháng 3 khoảng 350.000 tấn, tháng 4 khoảng 360.000 tấn, tháng 5 khoảng 360.000 tấn, tháng 6 khoảng 365.000 tấn. Quý III/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt 1,098 triệu tấn; quý IV là 1,145 triệu tấn.

{keywords}
Nguồn cung thịt lợn dồi dào và tăng dần, song giá lợn hơi vẫn tăng mạnh 

Mặc dù lượng thịt nhập khẩu tăng mạnh, nguồn cung thịt trong nước cũng dồi dào, song những ngày gần đây giá lợn hơi xuất chuồng vẫn vọt tăng, đạt mức kỷ lục.

Tại các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi tăng lên 85.000-90.000 đồng/kg tùy địa phương - mức giá cao kỷ lục tính từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với giá lợn hơi tại hai miền Trung - Nam.

Trong khi tại miền Nam, giá lợn hơi xuất chuồng cũng âm thầm tăng lên 74.000-78.000 đồng/kg, có nơi giá đã vọt tăng lên 80.000-85.000 đồng/kg.

Tương tự, ở khu vực miền Trung, giá lợn hơi tăng lên 82.000-84.000 đồng/kg.

Cả thương lái và người nông dân đều nhận xét, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá lợn hơi tăng phi mã. Song, trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện ban quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam cho hay, nguồn lợn đổ về chợ dịp này không hề giảm hơn so với thời điểm tháng 1 và tháng 2. Kể từ đầu tháng 3, số lượng lợn về chợ đạt khoảng 600 con/ngày, duy chỉ có ngày 5/3 có giảm hơn một chút. Song, vị này cũng thắc mắc, không hiểu sao giá lợn hơi lại tăng mạnh đến vậy.

“Đà tăng hôm nay đã ngừng lại, nhưng giá lợn ngon nhất chợ vẫn đạt 86.000 đồng/kg”, ông nói.

Ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (Quốc Oai, Hà Nội), còn cho biết, thậm chí có ngày giá lợn hơi đã lên 90.000 đồng/kg khiến đơn vị của ông cũng phải xem xét điều chỉnh giá.

Tính đến hết tháng 2, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 12.459 tấn thịt bò và 12.934 tấn thịt trâu; tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 100% thịt trâu nhập từ Ấn Độ, thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Hoa Kỳ, Úc, Canada.

Riêng với mặt hàng thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm, Việt Nam nhập hơn 26.656 tấn, giảm so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Brazil.

L.Minh