Chia sẻ về những khó khăn phải đối diện từ sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, anh Đào Anh Tú (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể về hành trình lao dốc về tài chính chỉ trong thời gian ngắn ngủi, khiến anh từ một nhân viên môi giới bất động sản có lương cao giờ phải xoay xở với đống nợ lớn.

Anh Tú là sinh viên Đại học Hành chính Quốc gia, nhưng ra trường lại có hứng thú với nhà đất, đặc biệt là làm môi giới bất động sản. Nhờ niềm đam mê đó cùng kiến thức trong lĩnh vực này nên anh Tú nhanh chóng trở thành một trong những thành viên xuất sắc nhất công ty.

"Thời điểm năm 2018, khi thị trường bất động sản sôi động, có những tháng tôi bán được 4 - 5 căn hộ chung cư. Vì vậy, tiền hoa hồng có tháng tôi được cả trăm triệu đồng. Đến cuối năm 2019, sau khi đi làm được 2 năm, tôi đã tích luỹ được một số tiền đủ để đầu tư 2 căn hộ chung cư cao cấp tại Mỹ Đình (Hà Nội) theo hình thức trả góp", anh Tú kể.

{keywords}
Thị trường bất động sản đóng băng giữa đại dịch COVID-19 khiến nhân viên môi giới lâm vào cảnh thất nghiệp, nợ nần. (Ảnh minh họa).

Anh Tú tính toán, mỗi tháng trả gốc và lãi cho 2 căn hộ này khoảng 50 triệu đồng. Và anh dự định chỉ đầu tư khoảng nửa năm, khi dự án xây lên cao sẽ bán kiếm lời. Tại thời điểm đó, anh Tú tin rằng số tiền 50 triệu đồng để đầu tư không phải quá mạo hiểm vì căn hộ anh mua nằm ở vị trí đẹp, ưu đãi giá gốc, anh lại nắm trong tay tệp khách hàng nên cần tiền lúc nào cũng có thể bán.

Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ như anh tính và thực sự thay đổi từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 ập đến. "Thời điểm đó, Hà Nội thực hiện giãn cách đến hết tháng 5/2020. Vì vậy, kế hoạch bán trong vòng 6 tháng của tôi thất bại. Dự án cũng vì giãn cách nên tiến độ bị ảnh hưởng, chủ đầu tư sau đó thấy tình hình khó khăn cũng xây dựng cầm chừng", anh Tú nhớ lại. 

Nhưng điều khủng hoảng nhất với anh Tú là thị trường bất động sản gần như đóng băng khiến cả tháng anh cũng không bán nổi 1 căn hộ nào, trong khi áp lực trả lãi vay quá lớn khiến số tiền tiết kiệm ít ỏi còn lại cũng không trụ được bao lâu. 

Nửa năm 2020, thị trường bất động sản dần quen với dịch bệnh nhưng giao dịch vẫn èo uột. "Hai căn hộ tôi đầu tư vẫn không thể thoát hàng. Tôi phải đi vay bạn bè, người thân để lấy tiền trả cho ngân hàng", anh Tú buồn bã cho biết.

Nói về cơn “sốt đất” ở nhiều nơi vào thời thời điểm đầu năm 2021, anh Tú chia sẻ, đó là thị trường đất nền, còn phân khúc nhà chung cư mà anh đầu tư lại không mấy khả quan. Do không chịu nổi áp lực trả nợ, anh Tú đành chấp nhận rao bán bằng giá lúc mua, nhưng oái oăm thay đến nay vẫn chưa bán nổi.

"Nửa năm nay, tôi đã phải bỏ nghề môi giới để làm nghề khác, với mong muốn kiếm sống và kiếm thêm chút tiền trả nợ ngân hàng. Nhưng làm nghề gì tôi cũng “mắc” nghề ấy.

Tôi mở quán ăn hồi cuối tháng 3/2021 thì đến cuối tháng 4, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, quán đóng cửa, tôi mất trắng cả trăm triệu tiền đầu tư. Tôi xin làm shipper chạy giao hàng, nhưng Hà Nội giãn cách, hoạt động shipper bị giám sát chặt chẽ, tôi lại thất nghiệp.

Giờ không chỉ không có việc làm, tôi còn gánh khoản nợ ngân hàng hơn 50 triệu đồng/tháng, tiền nợ mở quán ăn, tiền vay nợ người thân, bạn bè để trả gốc và lãi gần 1 năm qua. Tôi thực sự hoang mang khi từ 1 người thu nhập có tháng lên tới trăm triệu đồng, nay tôi trở thành con nợ hàng trăm triệu đồng. 

Nhìn về khoản nợ lớn trước mắt, anh Tú dự định chấp nhận bán cắt lỗ sâu 2 căn hộ đã đầu tư để thu hồi vốn và thoát khỏi tình cảnh nợ nần như hiện nay. Tuy vậy, khi thị trường vẫn đang bất động như hiện nay thì kế hoạch bán nhà của anh Tú cũng không phải dễ thực hiện.

(Theo VTC News) 

80% sàn bất động sản có nguy cơ ngừng hoạt động, môi giới cần tiếp ‘oxy’

80% sàn bất động sản có nguy cơ ngừng hoạt động, môi giới cần tiếp ‘oxy’

Dịch COVID-19 kéo dài đã khiến nhiều sàn giao dịch gần như tê liệt, môi giới cần nguồn "oxy" trợ giúp.