Chiều 17/7, cán bộ của nhiều phường xung quanh chợ trung tâm TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đã kết hợp cùng lực lượng của Công an TP túc trực ở các tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Văn Trỗi, 3/2, Nguyễn Huệ… để điều tiết giao thông vì có hàng nghìn người đi mua rau, cá, thịt… Các cửa hàng bách hóa trong chợ cũng đông người hơn ngày thường.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Một cán bộ UBND phường 4, TP Sóc Trăng nói rằng địa phương không thể “ngăn sông cấm chợ” nên nhiều cán bộ chia nhau hướng dẫn người dân chạy xe theo một chiều để tránh quay đầu gây ách tắc. Nếu trên xe có 2 người, cán bộ phường hướng dẫn một người trông xe ở ngoài, phân công người còn lại vào chợ để thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19.

{keywords}
Rất nhiều người vào chợ Sóc Trăng khi hay tin địa phương sắp thực hiện giãn cách. Ảnh: Việt Tường.

Theo quan sát, người dân tập trung mua gạo, rau, củ, trứng, thịt, cá và mì gói. Giá rau, củ đã tăng 5.000-7.000 đồng/kg so với ngày thường. Nhiều cửa hàng bách hóa đã không còn mì gói.

Chị Lâm Ngọc ở khu đô thị 5A, TP Sóc Trăng cho biết thường ngày giá khổ qua 20.000 đồng/kg nhưng chiều 17/7 tăng lên 35.000 đồng/kg; cà chua từ 15.000 đồng tăng lên 25.000 đồng/kg.

“Thịt ba rọi hàng ngày giá 130.000 đồng nhưng hôm nay tăng lên 150.000-160.000 đồng/kg. Trứng gà công nghiệp bình thường 22.000 đồng đã tăng lên 35.000 đồng/chục (10 trứng). Trứng vịt từ 28.000 đồng tăng lên 42.000-45.000 đồng/chục”, chị Ngọc nói.

Tại Bạc Liêu, từ chiều đến tối 17/7, các tiệm bách hóa, siêu thị và chợ tại TP Bạc Liêu có lượng khách tăng gấp đôi ngày thường. Mì gói, gạo, rau, củ và trứng được mua nhiều. Do có nhiều người vào chợ mua hàng cùng lúc đã gây ách tắc tại một số tuyến đường vào chợ Bạc Liêu và chợ nông sản.

Tại đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang), chiều 17/7 lượng người vào chợ Dương Đông và các siêu thị tăng gần gấp đôi ngày thường. Người dân thành phố đảo nghe tin toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 19/7 nên tranh thủ mua hàng hóa đủ sử dụng 2 tuần nhằm hạn chế ra đường.

{keywords}
Chợ Phú Quốc chiều 17/7 người đông hơn ngày thường. Ảnh: Nhật Tân.

Ông Võ Thành Nhơn (phường Dương Đông, TP Phú Quốc) cho biết do lượng hải sản tại chợ dồi dào nên dù có nhiều người mua hàng, tiểu thương không tăng giá.

Hàng hóa dự trữ nhiều

Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết sau khi có thông tin ngày 18/7 toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, người dân đã đổ xô đi mua hàng hóa vào chiều 15 đến hết ngày 16/7. Chính vì tâm lý sợ hết hàng của nhiều người, tranh thủ mua tích trữ nên tạo ra hiện tượng sốt giá ở các chợ truyền thống, dù siêu thị vẫn bán với giá bình ổn.

“Mì gói nhìn chung đầy đủ, chỉ có một loại cháy hàng do cơ sở sản xuất nằm ở Bình Dương và Vĩnh Long bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên doanh nghiệp cung ứng chậm”, ông Chiêu nói.

Đối với trứng gia cầm, thị trường TP.HCM sử dụng nhiều vào tuần trước nên bị “đứt hàng”. Sở Công Thương Sóc Trăng đã làm việc với đại diện các trang trại để cung ứng đầy đủ.

{keywords}
Người dân Phú Quốc vào siêu thị mua hàng tối 17/7. Ảnh: Nhật Tân.

“Các chuỗi cung ứng hàng hóa đã sẵn sàng, cung cấp đầy đủ cho người dân theo từng cấp độ của dịch bệnh. Kịch bản dự trữ hàng hóa của Sóc Trăng là 208 tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp chủ động đưa về hàng hóa với số lượng tăng 2-3 lần với tổng giá trị khoảng 500 tỷ đồng”. ông Chiêu chia sẻ.

Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh này là ông Phạm Văn Thiều vừa ký văn bản về quản lý hoạt động các chợ, siêu thị và những cửa hàng kinh doanh mặt hàng thiết yếu.

Theo ông Thiều, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vẫn đảm bảo duy trì các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh, nhất là lương thực, thực phẩm và thuốc điều trị bệnh; vẫn duy trì hoạt động các chợ truyền thống (để bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu). Riêng các chợ tự phát phải dừng hoạt động; các siêu thị, cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, các nhà thuốc, cửa hàng thuốc đã được cấp phép phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, nhất là 5K, nếu không đảm bảo phải dừng hoạt động.

Ông Thiều chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với các hành vi trục lợi trái pháp luật, nhất là các hành vi găm hàng, nâng giá, bán hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

{keywords}
Cửa hàng thuốc tây tại Sóc Trăng cũng đông người vào chiều 17/7. Ảnh: Việt Tường.

UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển hàng nông sản (kể cả xe 2 bánh) được tiếp cận thuận tiện các chợ, siêu thị, cửa hàng để cung cấp hàng hóa, song phải lưu ý thực hiện tốt nguyên tắc 5K.

Sở Công Thương được UBND tỉnh Bạc Liêu giao chủ trì, phối hợp các doanh nghiệp, cơ quan có liên quan và các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu bảo đảm an toàn, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa (nghiên cứu áp dụng các kênh phân phối lưu động, giao hàng tận nơi...) đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Theo văn bản hỏa tốc của Thủ tướng ngày 17/7, ngoài TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, Thủ tướng đồng ý bổ sung áp dụng Chỉ thị 16 tại TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời gian thực hiện giãn cách là 14 ngày, chậm nhất từ 0h ngày 19/7.

(Theo Zing)

Lợi dụng dịch bệnh, đầu cơ hàng hóa bán với giá cao có thể bị phạt tù đến 15 năm

Lợi dụng dịch bệnh, đầu cơ hàng hóa bán với giá cao có thể bị phạt tù đến 15 năm

Theo luật sư, hành vi đầu cơ, gom các mặt hàng hóa thiết yếu để bán với giá cao trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp hiện nay cần bị lên án và có thể bị xử phạt hành hoặc phạt tù tới 15 năm.