Trong suốt bảy năm, Khath Hach và chồng đều đặn thức dậy lúc 2h sáng, đến khu chuồng trại sau nhà, kéo một chiếc lồng han gỉ chứa 5 con chó xuống con sông gần đó. Tiếp theo, họ dìm chết chúng, làm sạch lông, chuẩn bị một ngày mua bán mới.

Cặp vợ chồng là chủ một lò mổ chó ở làng Chi Meakh (Campuchia). Lịch trình thường nhật của họ mỗi sáng là làm thịt chó rồi chuyển số thịt này đi trên chiếc xe máy của gia đình. Đều đặn 6h30 mỗi sáng, chị Khath Hach và chồng sẽ có mặt ở chợ để bán loại thịt đặc biệt này.

Công việc rút cạn cả thể lực và tinh thần của đôi vợ chồng. "Mỗi lần giết một con chó, tôi cảm thấy rất buồn. Thực sự khó để xuống tay lấy đi mạng sống một con vật nào đó", chị Hach, 37 tuổi, tâm sự.

Vì vậy, khi chính quyền Siem Reap ban hành lệnh cấm buôn bán thịt chó hồi đầu tháng 7, vợ chồng chị Hach là những người ủng hộ đầu tiên. Các nhà hoạt động vì động vật vui mừng vì đây là lần đầu tiên một địa phương tại Campuchia ban hành lệnh cấm mua bán thịt chó. Các quan chức y tế cộng đồng cũng ủng hộ và hy vọng lệnh cấm này sẽ giúp ngăn chặn bệnh dại.

{keywords}
Siem Reap là địa phương đầu tiên tại Campuchia cấm bán và tiêu thụ thịt chó. Ảnh: Getty Images.

Hiểm họa từ thịt chó

Theo Asian Nikkei Review, chính quyền Siem Reap cấm bán và tiêu thụ thịt chó trong thời điểm đại dịch Covid-19 gây mối lo ngại về khả năng mắc bệnh truyền nhiễm từ động vật và nguy cơ từ thói quen ăn các loại thịt lạ. Và ở Campuchia, bệnh dại vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại gây ra hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm tại châu Á và châu Phi, khiến các nước này thiệt hại khoảng 8,6 tỷ USD mỗi năm. Bệnh dại đặc biệt nguy hiểm ở Campuchia bởi số lượng chó không được tiêm phòng tại nước này quá lớn.

Theo tổ chức nghiên cứu Institut Pasteur du Campuchiage, ước tính số lượng chó ở Campuchia gần bằng 20% dân số của quốc gia này. Mỗi năm, khoảng 600.000 người Campuchia bị chó cắn. Nghiên cứu của Institut Pasteur du Campuchiage cho thấy gần một nửa số chó ở Campuchia này có nguy cơ mang mầm bệnh dại.

"Không ai quản lý và kiểm soát số chó này", chuyên gia Veronique Chevalier thuộc Institut Pasteur du Campuchiage cho biết. Ngành công nghiệp thịt chó càng khiến vấn đề thêm trầm trọng. Bác sĩ thú y Katherine Polak từ tổ chức Four Paws giải thích: “Người giết và buôn bán thịt chó có nguy cơ bị chó dại cắn".

Hơn nữa, họ thường bắt chó nhiễm bệnh dại để bán. WHO "đặc biệt không khuyến khích" người dân tiêu thụ thịt chó dù chưa có bằng chứng cho thấy ăn thịt chó có thể mắc bệnh dại.

{keywords}
Dịch bệnh dại gây nhiều tổn thất kinh tế tại châu Á. Tổn thất sản lượng kinh tế do tử vong lên tới gần 4 tỷ USD, chi phí điều trị hơn 1 tỷ USD, thu nhập bị mất mát khoảng 1 tỷ USD. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Siem Reap được xem là trung tâm của ngành công nghiệp thịt chó Campuchia. Four Paws cho biết mỗi năm có tới 3 triệu con chó bị giết để làm thịt ở Campuchia. Phần lớn bị bắt trên đường, được vận chuyển đến các lò mổ tại Siem Reap. Thịt chó sẽ được chuyển đến các nhà hàng ở thủ đô Phnom Penh.

Cứ hai ngày một lần, một số người lái xe máy chở chó từ Siem Reap tới lò mổ của chị Hach. Ngoài việc không muốn chết chó, Hach cho biết chị cũng rất sợ mắc bệnh dại. Chị từng chứng kiến con gái nhà hàng xóm và một người quen qua đời vì bị chó cắn.

Nhưng trong nhiều năm, Hach vẫn làm công việc này vì nguồn thu nhập ổn định. Một con chó có thể mang về 25 USD tùy theo trọng lượng. Bác sĩ Polak cho biết: “Hầu hết đều kỳ thị và không muốn kinh doanh thịt chó, nhưng quả thật đây là một cách kiếm tiền hiệu quả".

Công việc sinh lời cao

Tại châu Á, Trung Quốc là thịt trường tiêu thụ thịt chó lớn nhất thế giới với hơn 20 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm. "Đây là ngành công nghiệp lợi nhuận cao và thường có dính líu tới tội phạm có tổ chức", chuyên gia Polak khẳng định.

"Một số người nghĩ thịt chó rất bổ, trong khi nhiều người khác tin rằng ăn thịt chó sẽ mang lại may mắn", chuyên gia Kike Yuen từ tổ chức phi lợi nhuận World Dog Alliance cho biết. Nhiều phụ nữ Campuchia tin rằng thịt chó có thể cải thiện lưu lượng máu sau sinh. Ở Trung Quốc, tục lệ ăn thịt chó đã bắt nguồn 2.000 năm trước từ thời nhà Hán.

Tuy nhiên, đã có những thay đổi ở châu Á. "Sở Nông nghiệp Siem Reap thực sự hành động. Họ gặp gỡ tất cả những người bán thịt chó này để vận động họ đóng cửa hàng. Điều này thật sự tuyệt vời", ông Polak vui mừng nói.

Ngoài Siem Reap, Nagaland ở đông bắc Ấn Độ cấm thịt chó vào đầu tháng 7, thành phố Thâm Quyến và Chu Hải ở miền nam Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấm tương tự. Chính phủ Trung Quốc loại chó khỏi danh sách "động vật có thể ăn được" và phân loại chúng thành thú nuôi.

Hơn nữa, Trung Quốc cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ngoại lai từ tháng 2 do nghi ngờ virus corona chủng mới bắt nguồn từ một khu chợ nông sản Vũ Hán.

{keywords}
Người dân giơ cao biểu ngữ "An toàn thực phẩm quan trọng hơn lợi nhuận buôn bán thịt chó" tại Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

"Dịch Covid-19 khiến nhiều người chú ý hơn đến những căn bệnh bắt nguồn từ động vật. Chúng ta biết rằng 70% căn bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện trên người bắt nguồn từ động vật", nhà dịch tễ học Gregory Gray thuộc Đại học Duke cho biết.

Giới chuyên gia cho rằng chính quyền các nước châu Á có thể áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh trong tương lai. Một trong số đó là thừa nhận sức khỏe con người có mối quan hệ chặt chẽ với sức khỏe động vật và môi trường. Ví dụ như trường hợp của Campuchia. Việc thực hiện một chương trình tiêm vaccine chống dại sẽ bảo vệ chó, qua đó bảo vệ con người.

Ở Campuchia, hiện chị Hach đã chuyển sang bán đồ uống, gạo và các mặt hàng gia dụng khác. “Tôi không cần phải giết chó nữa. Tôi thật sự hạnh phúc mà không có từ nào có thể diễn tả được", chị chia sẻ.

(Theo Zing)