Thất thu sau giãn cách

Sau gần 2 tháng tạm dừng sản xuất, làng nghề cốm Vòng (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu nhộn nhịp, tiếng máy xát, tiếng chày giã bắt đầu hoạt động trở.

Bà Nguyễn Thị Thảo đã gắn bó nhiều năm với nghề làm cốm ở phường Dịch Vọng, cho biết: "Thời gian giãn cách ở Hà Nội, nhiều gia đình thất thu khá nhiều do việc tiêu thụ cốm chậm".

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Thảo đang sàng, đãi cốm.

Năm nay, lượng cốm được gia đình bà bán ra chỉ bằng 1/4 so với năm 2020. Bình thường cứ vào mùa cốm mỗi người trong gia đình bà có thể đạt thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Nhưng nay mức thu nhập đó khó có thể đạt được.

Cũng gắn bó hàng chục năm với nghề làm cốm Vòng, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (trú tại Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Vào tầm này năm ngoái tôi bán được 30-60 kg. Nhưng nay do dịch Covid-19 nên lượng cốm bán ra chỉ bằng nửa so với trước kia".

Theo người phụ nữ 50 tuổi này, giờ đối tượng mua trung thành nhất vẫn là những người khách đã thành quen biết nhiều năm. Thậm chí, khách chỉ cần gọi một cú điện thoại cho người bán sẽ ship tới.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh ngồi gói cốm cho khách đến mua.

Ngay cả với người có thâm niên thuộc diện lâu nhất ở làng cốm Vòng, bà Đỗ Thị Khà cũng thừa nhận: "Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng bán ra ngày nhiều nhất cũng chỉ được 10-15 kg. Có hôm, tôi chỉ bán được 3 kg cốm".

Với kinh nghiệm hơn 60 năm làm nghề, bà Đỗ Thị Kha chia sẻ, mùa cốm ở Hà Nội bắt đầu rằm tháng Bảy đến hết rằm tháng Mười. Thời kỳ cao điểm trước kia, bà nói: "Khi đó, tôi có thể làm đến hàng tạ cốm mỗi ngày. Nhưng giờ thì chỉ còn là kỷ niệm trong thời buổi Covid-19 này thôi".

Thu hẹp dần trước đô thị hóa

Cốm làng Vòng dẻo thơm là thế nhưng đang dần nhạt nhòa theo năm tháng. Người dân làng Vòng đang đứng trước nguy cơ mất hẳn nghề cốm cổ truyền trước tình trạng đô thị hóa như hiện nay. 

Theo bà Đỗ Thị Khà, cả làng Vòng chỉ còn vẻn vẹn 8 hộ gắn bó với nghề làm cốm. Hầu hết gia đình nào có đất thì xây nhà cho thuê. Số có diện tích nhà chật chội thì chuyển sang kinh doanh ăn uống, bán hàng phục vụ sinh viên.

{keywords}
Bà Đỗ Thị Khà đang chuẩn trưng bày hàng ra bán cho khách.

So với nghề làm cốm, công việc xây nhà cho thuê chỉ phải bỏ vốn một lần và cho thu nhập đều đặn quanh năm. Trong khi đó, nghề làm cốm chỉ diễn ra 4 tháng, thu nhập lại không cao.

"Ngày nay, gia đình nào phải thực sự tâm huyết, yêu nghề mới có thể duy trì nghề. Bởi cái nghề này vất vả lắm mà hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Trung bình mỗi hộ làm được 30-40 kg/ngày", bà Đỗ Thị Khà chia sẻ.

Chưa kể giờ cốm cũng được nhiều nơi làm. "Cốm trên thị trường bán hiện nay đa phần là cốm của nhiều hộ ở làng Mễ Trì. Thậm chí họ làm xong, người ở làng Vòng lại lấy về bán nên việc mua được cốm Vòng chính hiệu trên thị trường hiện nay là rất khó", bà Nguyễn Thị Thảo cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, giá cốm Vòng có giá từ 200-250 nghìn đồng/kg. Cốm ở nơi khác giá sẽ rẻ hơn, có chỗ chỉ bán từ 100-150 nghìn đồng/kg.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Thảo đang kiểm tra chất lượng cốm sau khi được giã.

Còn bà Nguyễn Thị Kiều Oanh chia sẻ: "Nghề làm cốm vất và cần nhiều không gian. Bây giờ người ta chỉ cần cho thuê nhà, ung dung nhàn nhã kiếm tiền, cũng bằng cả một nhà làm cốm".

Để làm cốm ngon, những người làm nghề lâu năm cho biết cần chú trọng tới công đoạn chọn mua lúa non, khâu rang lúa. Quá trình rang thóc đòi hỏi người làm phải điềm đạm, thong thả, giữ lửa đều. Nếu rang khô quá, cốm có tình trạng "gãy". Ngược lại, cốm được rang nhỏ lửa quá thì dính trấu.

Tuy nhiên hiện nay, người làng Vòng đã đưa máy móc vào quy trình sản xuất cốm. Trước kia, người làm cốm lúc giã thì phải ước lượng chừng bao nhiêu chày là đủ độ, là phải dừng lại.

Bây giờ nhiều nơi dùng máy đỡ tốn nhiều sức. Một mẻ cốm giã chỉ mất khoảng 3 phút và người thợ phải liên tục đảo để đảm bảo hạt cốm không bị nát.

(Theo Dân Trí)

Làng cốm nổi tiếng Hà Nội im lìm giữa mùa dịch

Làng cốm nổi tiếng Hà Nội im lìm giữa mùa dịch

Dịch bệnh COVID-19 khiến làng cốm Vòng và làng cốm Mễ Trì buộc phải ngủ im, không còn rộn rã tiếng chày giã cốm như những năm trước.