Nhiều ngành nghề đứng trước nguy cơ mất dần đi, trong khi đó, các lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử, công nghệ thông tin hoặc sáng tạo nội dung trên nền tảng số được các chuyên gia dự đoán sẽ trở nên thời thượng trong tương lai gần.

Một số ngành có thể dần biến mất

Chúng ta đang ở trong những thập niên đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chính vì thế, nghề nghiệp trong xã hội có rất nhiều chuyển biến so với trước đây. Theo các tư vấn hướng nghiệp của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong thời gian tới, một số công việc truyền thống đang có nguy cơ biến mất. Đáng nói, những ngành nghề có nguy cơ chiếm tới trên 90% như nhân viên tín dụng, lễ tân, tư vấn tài chính, lái xe taxi. Những ngành nghề như nấu đồ ăn nhanh, nhân viên pha chế rượu, tư vấn thông tin pháp lý... có tỉ lệ "biến mất" từ 58 đến 77%. Thậm chí, nghề lập trình máy tính cũng có tới 40% nguy cơ sẽ mất việc.

{keywords}
Một số công việc mới ra đời và được dự đoán sẽ tạo sức hút không nhỏ. Ảnh: UED

Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tự động hoá và số hoá cũng sẽ rõ ràng hơn trong môi trường làm việc. Máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin đang nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, chưa rõ tự động hóa sẽ ảnh hưởng khi nào và như thế nào đến tính chất, số lượng việc làm của Việt Nam, nhưng ước tính tỉ lệ mất việc làm do ứng dụng công nghệ ở Việt Nam sẽ là từ 10 đến 70%.

Quá trình cơ giới hóa trong lĩnh vực tạo việc làm lớn nhất của Việt Nam, tức là sản xuất nông nghiệp cũng sẽ có những thay đổi nhất định khi máy móc thay thế lao động làm thuê tạo ra số lượng, chất lượng cao hơn. Một dự báo gần nhất cũng cho rằng, nhiều công việc sẽ bị thay thế bởi robot trong 10 năm nữa.

Song song với việc một số ngành nghề có thể biến mất, thế giới cũng có không ít ngành nghề trở nên phổ biến hơn như chuyên gia phân tích đám mây, người sáng tạo nội dung trên YouTube, kĩ sư IA, lập trình ứng dụng, kĩ thuật viên điện thoại di động, phân tích web, thiết kế thực tế ảo, nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia trải nghiệm người dùng... Dự đoán cũng sẽ có những công việc chưa từng có trong hình dung của chúng ta, giúp con người thành danh và giàu có.

Ngành kỹ thuật, công nghệ đang là thời thượng

Trong số nhiều ngành có cơ hội phát triển trong tương lai gần, những lĩnh vực có gắn với các từ khóa như số hóa, dữ liệu, thông minh và innovation (đổi mới sáng tạo)... đang là thời thượng của Việt Nam và thế giới.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định: Các kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy, Việt Nam có sự mất cân đối về cơ cấu nhân lực theo ngành nghề so với khu vực và thế giới. Tỉ lệ sinh viên các ngành kĩ thuật còn khá khiêm tốn so với những ngành khác. Vì vậy, trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực trong những ngành kĩ thuật, công nghệ sẽ rất lớn và sinh viên ra trường dễ có việc làm.

Bên cạnh đó, các ngành học liên quan đến hạ tầng, như công nghệ xây dựng giao thông (gắn với thông minh và tăng trưởng xanh), cả Việt Nam và thế giới đều có nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực. Các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cùng với những lĩnh vực kinh tế gắn với thương mại điện tử, vận hành nền kinh tế số và luật học, các lĩnh vực khoa học sức khỏe... đương nhiên cũng sẽ là những lĩnh vực mà toàn cầu có nhu cầu rất cao trong thời gian tới, GS Đức nhận định.

{keywords}
Nhân viên tín dụng, lễ tân, tư vấn tài chính, lái xe taxi... là những nghề có nguy cơ “biến mất” cao trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: UED

Nhóm ngành kinh doanh kĩ thuật số - thương mại điện tử cũng sẽ phát triển và trở thành xu thế mua sắm trong tương lai là dự đoán của bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng và Tư vấn nhân sự của ManpowerGroup Việt Nam.

Theo bà Trang, giao dịch qua thương mại điện tử đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Sau dịch COVID-19, loại hình này có thể nhanh chóng cạnh tranh mạnh mẽ với bán lẻ truyền thống và thành tương lai của bán lẻ hiện đại.

Tuy vậy, nguồn cung nhân lực cho mảng thương mại điện tử còn khan hiếm vì đây là ngành mới nổi tại Việt Nam. Các nhà đầu tư không ngừng rót vốn và sẵn sàng trả mức lương cao để thu hút nhân tài trong mảng này.

Đồng quan điểm, GS Mathews Nkhoma - Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam - cho biết thêm, dịch bệnh đã đẩy mô hình kinh doanh truyền thống dịch chuyển sang trực tuyến, đưa mọi hàng hóa vốn chỉ bán trực tiếp ở cửa hàng lên sàn trực tuyến. Ông trích dẫn báo cáo mới đây của Savills và chỉ ra rằng, thương mại điện tử đang tấn công mạnh mẽ vào bán lẻ truyền thống với 28% các nhà bán lẻ kết hợp cả hai kênh để tăng doanh số.

Trong khi thương mại điện tử dùng công nghệ như một nền tảng hỗ trợ kinh doanh hiệu quả hơn, kinh doanh kĩ thuật số lại dùng công nghệ làm cốt lõi để tạo ra giá trị và trải nghiệm. Grab, GoViet hay ví điện tử Timo chính là những ví dụ điển hình.

Ở góc độ giải trí, nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số đặc biệt phát triển ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Báo cáo về kĩ thuật số Digital 2019 của We Are Social và Hootsuite (những doanh nghiệp hàng đầu về sáng tạo và quản lí mạng xã hội) cho thấy, 97% người Việt đang sử dụng điện thoại di động, 72% có điện thoại thông minh, 43% có máy tính và 13% có máy tính bảng.

Chính thói quen giải trí, xem video và mua sắm trực tuyến của người dùng đã khiến nhu cầu nhân lực nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số tăng cao.

Đặc biệt, việc chuyển phần lớn các hoạt động học tập, làm việc, vui chơi giải trí, kinh doanh sang nền tảng trực tuyến suốt thời dịch COVID-19 đã chứng tỏ đây là nhóm ngành ít bị ảnh hưởng nặng nề khi người trong ngành vẫn có thể làm việc từ xa hoặc làm việc độc lập mà duy trì được hiệu quả công việc.

Một số ngành học tiêu biểu trong nhóm ngành này có thể kể đến như truyền thông, digital Marketing, thiết kế ứng dụng sáng tạo và làm phim kĩ thuật số. 

Ngành “hot” nhưng phải phù hợp 

Nhiều ngành “hot” đang hứa hẹn cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao nhưng không phải vì thế mà các bạn trẻ bất chấp theo học. Nhiều người cứ nghe tên ngành nghề hay, hoành tráng là bị thu hút song thực tế khi vào học lại nhận thấy không phù hợp. Một số khác lại đang có những ngộ nhận về ngành “hot” trong tương lai.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia về tư vấn, hướng nghiệp: Hiện nay, một số cơ sở giáo dục đại học có xu hướng mở ngành mới theo xu thế với tên gọi hấp dẫn nhằm thu hút sinh viên. Đó là những ngành thường được nhắc lại nhiều lần trên truyền thông, chẳng hạn như những ngành gắn với công nghiệp 4.0, IT, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, big data... Mặc dù đây là những ngành đáp ứng xu thế của xã hội theo hướng phát triển song chúng ta không nên ngộ nhận tất cả các ngành đó đều phù hợp với mọi cá nhân.

“Những ngành này tuy vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức, thậm chí có những nguy cơ cực lớn đối với chúng ta nếu như chỉ chọn nghề dựa theo dư luận, xu thế mà không tính toán một cách hợp lý” - ông Nam cảnh báo.

Vị chuyên gia này tư vấn rằng, mỗi người chỉ có thể thành công nếu biết chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và ngành nghề xã hội đang thực sự cần. Thực tế gần đây, những ngành như quản trị kinh doanh, thương mại, ngân hàng, tài chính... vốn là những cái tên khá “hot”, được thí sinh lựa chọn lại đang được cảnh báo dư thừa nhân lực.

“Chúng tôi không khuyên các em bỏ qua những ngành nghề như vậy nếu bản thân thật sự yêu thích nhưng xin khẳng định rằng, càng là ngành nghề “hot” thì độ sàng lọc càng cao. Các em chỉ nên chọn những ngành nghề đó khi có năng lực, đam mê thực sự. Khi đó sẽ không lo ra trường không có việc làm” - PGS.TS Trần Thành Nam nói.

(Theo Lao động)