Chương trình Sữa học đường của Hà Nội công bố với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng. Theo đó, sữa học đường sẽ được Bộ Y tế quản lý về chất lượng sữa cung cấp. Cụ thể, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế Hà Nội giám sát chặt chất lượng sữa từ hãng trúng thầu.

Ngàn tỷ cho sữa học đường: Đấu thầu công khai để minh bạch

30 ngày nữa sẽ công khai doanh nghiệp trúng thầu

Tại buổi tọa đàm “Sữa học đường cần thiết không?” do báo Dân Việt tổ chức vào ngày 9/10, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết, Đề án sữa học đường đã được phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Theo đó, chương trình hướng đến mục tiêu trẻ em mẫu giáo và tiểu học được uống ít nhất một ly sữa mỗi ngày.

Kinh phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp 20%, còn lại gia đình đóng góp 50%. Riêng với trẻ em và học sinh thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo… sẽ được uống sữa học đường miễn phí 100%. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.

{keywords}
 

Phiên đấu thầu chọn nhà cung cấp sữa học đường diễn ra ngày 10/10. Hà Nội đã bán hết 11 bộ hồ sơ dự thầu cho 11 doanh nghiệp sữa, trong đó có nhiều doanh nghiệp sữa lớn trên thị trường hiện nay. Bộ hồ sơ sau khi đóng thầu sẽ được đánh giá, thẩm định, chấm thầu bởi một đơn vị tư vấn độc lập do Hà Nội thuê ngoài. Sau khi đóng thầu 20-30 ngày, Hà Nội sẽ công bố đơn vị trúng thầu.

 "Chúng tôi đã công khai rộng rãi về việc đấu thầu vì vậy không những cả nước mà nước ngoài cũng biết về đề án. Bộ phận đấu thầu sẽ công khai hãng sữa nào trúng thầu ngay khi có thông tin để đảm bảo sự công khai, minh bạch. Trong quá trình đấu thầu, hãng sữa nào không đảm bảo chất lượng sữa sẽ bị loại ngay", ông nói.

Ông Tuấn cũng cho hay, sữa học đường sẽ được Bộ Y tế quản lý về chất lượng sữa cung cấp. Cụ thể, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế Hà Nội giám sát chặt chất lượng sữa từ hãng trúng thầu. Còn việc tham gia chương trình sữa học đường là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của các gia đình. Các gia đình khi đã tham gia rồi mà không thích nữa có thể dừng và ngược lại.

"Theo tôi, sữa học đường là một chính sách hợp lý, đặc biệt là nó giúp những bé sinh ra trong các gia đình có điều kiện khó khăn có cơ hội được sử dụng sữa một cách dễ dàng hơn. Như tôi được phổ biến, giá sữa các con uống ở trường sẽ được trợ giúp 30% từ nhà nước, 20% từ doanh nghiệp. Như vậy, giá thành một hộp sữa từ 7.000 – 8.000 đồng xuống chỉ còn 3.000 đồng, tương đương một ly trà đá. Đây là một mức giá rất thích hợp", anh Nguyễn Quân – phụ huynh học sinh có con học tiểu học ở Hà Nội chia sẻ.

Giám sát chất lượng chặt chẽ

PGS.TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề (Viện Dinh Dưỡng Quốc gia), cho hay, ở nhiều nước trên thế giới cũng có chương trình sữa học đường. Trong đó, Nhật Bản là nước đã đạt được thành công nhất khi lồng ghép sữa học đường trong chương trình bữa ăn học đường, giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất. 4 thành tố không thể tách rời trong chiến lược cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cũng như tạo ra thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học cho trẻ em của Nhật Bản. 

Bà Nhung cho rằng, chúng ta trước đây được nuôi rất thoải mái, cha mẹ chúng ta cho chúng ta lớn lên một cách tự nhiên như cây cỏ. Bây giờ có nhiều ý kiến của xã hội về chương trình này chứng tỏ vấn đề dinh dưỡng của trẻ đang rất được quan tâm. Nhiều bên quan tâm, bàn bạc, chia sẻ, phối hợp sẽ khiến dinh dưỡng của con trẻ tốt lên nhiều hơn.

Nghiên cứu mới nhất của Viện cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em là 20 - 25 %. Ngoài ra lượng trẻ em thiếu vitamin D cũng khá lớn. Từ những nghiên cứu này, việc bổ sung vi chất trong đó có 3 vi chất là sắt, canxi và viamin D vào sữa học đường sẽ hỗ trợ trẻ chuyển hóa canxi tốt hơn.

“Từ khi có quyết định của Thủ tướng là cải thiện khẩu phần 30% sắt và vitamin D, Bộ Y tế đã giao cho Viện Dinh dưỡng nghiên cứu về tiêu chuẩn bổ sung vi chất và thực phẩm. Qua nghiên cứu và tổng hợp cho thấy, hàm lượng vitamin D, sắt và canxi cần phải bổ sung vào sữa học đường”, bà chia sẻ.

Trước những lo ngại của phụ huynh về chất lượng sữa học đường, bà Nhung khẳng định, so với các sữa khác thì sữa học đường sẽ được bổ sung thêm vi chất có tiêu chuẩn là sắt, canxi và vitamin D.

Lâm Giang

Ngàn tỷ ngân sách cho sữa học đường: Thế giới đã làm thế nào?

Ngàn tỷ ngân sách cho sữa học đường: Thế giới đã làm thế nào?

Chương trình sữa học đường mới được thông tin với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ từ nguồn ngân sách, bên cạnh đó doanh nghiệp và phụ huynh học sinh cũng tham gia đóng gó