Dồn dập rao bán nợ cho vay tiêu dùng

VietinBank vừa thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Theo đó, ngân hàng này rao bán 9 khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của các cá nhân; dư nợ cả gốc, phí và lãi mỗi khoản dao động từ gần 1,5 triệu đồng đến hơn 16 triệu đồng. Các khoản nợ đều không có tài sản bảo đảm. Tổng dư nợ cũng như giá khởi điểm của lô nợ là hơn 75,5 triệu đồng.

Số nợ này đã được trả bớt phần nào do ngay trước đó một tuần, tổng dư nợ và giá khởi điểm của số nợ này là hơn 83,1 triệu đồng.

{keywords}
 

VietinBank cho biết sẽ bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả cùng lúc. Ngân hàng sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.

Trước đó, ngân hàng này cũng rao bán khoản nợ vay tiêu dùng không tài sản bảo đảm của 15 cá nhân khác với tổng dư nợ lên tới hơn 166 triệu đồng. Khoản nợ cao nhất lên tới hơn 44,3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang chào bán nhiều khoản nợ có tài sản đảm bảo.

Chẳng hạn, ngân hàng đang rao bán khoản nợ hơn 27 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư kinh tế Hồng Hà tính đến ngày 14/5. Tài sản đảm bảo của khoản nợ là toàn bộ nhà máy sản xuất gạch Hoàng Văn Thụ (gồm máy móc thiết bị sản xuất gạch và công trình xây dựng) tại thôn Văn Sơn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Hay một khoản nợ khác giá trị hơn 11,3 tỷ đồng cũng được ngân hàng rao bán thuộc về Công ty TNHH Thương mại Nguyễn Cao tại VietinBank Bắc Hưng Yên. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của ông Nguyễn Cao Khánh và bà Trần Thị Thanh Loan tại thửa đất số 108, tờ bản đồ số 11, địa chỉ tại Đào Du, Phùng Chí Kiên, Mỹ Hào, Hưng Yên, có tổng diện tích 360m2 (trong đó đất ở tại nông thôn là 355m2, đất trồng cây lâu năm khác là 5m2).

Cuối tháng 3, nợ xấu của ngân hàng này là 0,88%, là một trong 6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Ngân hàng này cũng đã tất toán xong toàn bộ nợ xấu bán VAMC. Nợ xấu của ngân hàng cũng giảm đáng kể trong năm 2020.

Cho vay tiêu dùng tăng cao là mối lo ngại lớn với ngân hàng

Trong một báo cáo vừa công bố, dựa vào phân tích báo cáo tài chính của 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank, các chuyên gia của HSBC chỉ ra rằng sự gia tăng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng cùng với nợ hộ gia đình tăng cao đang là một mối lo ngại lớn đối với hệ thống ngân hàng.

Tỷ lệ dư nợ của nhóm khách hàng hộ gia đình tại 4 ngân hàng trên đã tăng từ 28% năm 2013, lên tới 46% trong năm 2020. Trong khi trước đó, tỷ lệ dư nợ lớn nhất luôn thuộc về nhóm công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn. Tỷ lệ dư nợ tăng cao của nhóm hộ gia đình đã làm gia tăng tương ứng quy mô nợ của nhóm này so với quy mô GDP, từ mức 25% lên 61%.

Mặc dù tăng trưởng nợ hộ gia đình giảm đáng kể vào năm 2020 nhưng mức độ vẫn còn cao. Tính theo lực lượng lao động, cho vay tiêu dùng thậm chí đã tăng vọt từ 41% thu nhập năm 2013 lên hơn 100% năm 2020. Tuy nhiên, các nhà phân tích của HSBC lưu ý hạn chế của ước tính này là số liệu nợ hộ gia đình bao gồm khá rộng, trong đó có vốn vay sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Dựa trên tham vấn mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), có hơn 50% nợ hộ gia đình là nợ của doanh nghiệp cá nhân vào năm 2019. Nếu ước tính tương tự vào năm 2020, cho vay tiêu dùng sẽ chiếm khoảng 50% thu nhập trên một lực lượng lao động, vẫn là một tỷ lệ cao đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam.

Đòn bẩy tiêu dùng nâng cao có thể kéo giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt là khi các điều kiện thị trường lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, báo cáo cho biết.

(Theo Dân Trí)