Trong văn bản giải trình mới nhất gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa, Cục Hàng không giữ quan điểm cần có giá sàn trong ngắn hạn, để hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi sau dịch bệnh, trong đó có quyền lợi của nhà nước khi nắm giữ cổ phần chi phối tại hãng hàng không. Các chuyên gia hàng không lo rằng, nếu áp dụng chính sách này, hàng không giá rẻ sẽ biến mất...

Khoảng 2 tuần trước, Cục Hàng không lần đầu trình Bộ GTVT dự thảo quy định về giá sàn vé máy bay (bên cạnh mức giá trần đã có), với mức giá sàn bằng 20% giá trần. Thời gian dự kiến áp dụng trong 12 tháng, ngay khi thị trường hàng không nội địa mở cửa trở lại. Ngay sau đó, dư luận đã có nhiều ý kiến phản đối nên Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không giải trình rõ hơn đề xuất này bên cạnh đánh giá tác động của giá đưa ra. Bộ GTVT cũng cam kết sẽ đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến các đơn vị liên quan nếu ban hành.

Trong giải trình vừa gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không tiếp tục khẳng định, giá sàn vé máy bay chỉ là giải pháp tình huống, áp dụng thời gian ngắn, được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng - hãng hàng không - nhà nước. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có bất cập, hạn chế.

{keywords}
Hành khách làm thủ tục bay nội địa tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch COVID-19.

Về mức giá sàn đưa ra, theo Cục Hàng không, đã so sánh với một số nước cũng áp dụng giá sàn vé máy bay như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc và chỉ ra giá sàn cơ quan này xây dựng đang thấp hơn các nước.

Cục Hàng không tính toán, chi phí bình quân các hãng cung ứng trên chặng Hà Nội - TP.HCM là 1,5 triệu đồng/ghế, nên đề xuất giá sàn bằng 43% chi phí bình quân.

Với giá sàn cơ quan này đề xuất, cộng thêm thuế, phí thu hộ doanh nghiệp cảng, chi phí tối thiểu khách bỏ ra cho chặng Hà Nội - TP.HCM là 824.000 đồng/vé/chiều. Theo Cục Hàng không, mức giá này tương đương với vé tàu hoả khoang ghế mềm điều hoà, ngang vé xe khách. Do đó, giá sàn đã hài hoà lợi ích của hành khách, hãng hàng không, và nhà nước.

Với hành khách, nếu không chấp nhận giá trên có thể lựa chọn hình thức đi lại khác. Còn với hãng hàng không, đây là cách giảm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tạo tiền đề phục hồi. Với nhà nước, là đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối.

Về phía các hãng hàng không, Cục Hàng không cho hay, các hãng chia làm 2 nhóm. Trong đó, Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways đánh giá giải pháp này sẽ tác động tích cực lên hoạt động của mình; trong khi Vietravel Airlines và Vietjet cho rằng, giá sàn vé máy bay sẽ tác động tiêu cực lên hoạt động của hãng.

Chưa có giá sàn nhưng đã có “phí sàn”

Một chuyên gia hàng không cho biết, chi phí khách bỏ ra tối thiểu chặng Hà Nội - TP.HCM là 824 nghìn đồng/vé/chiều mà Cục Hàng không đưa ra mới gồm vé máy bay, thuế, phí thu hộ, chưa đề cập tới khoản phí quản trị hệ thống (hoặc quản lý hành khách) mà các hãng đang thu ở mức từ 400.000-500.000 đồng/vé.

Khoản phí này như một loại “phí sàn” tất cả vé bán ra hành khách đều phải trả, dù là vé 0 đồng. Do đó, nếu cộng đầy đủ các khoản tiền khách phải bỏ ra cho 1 chiều bay Hà Nội - TP.HCM sẽ không dưới 1,2 triệu đồng. Điều đáng nói, phí quản trị hệ thống này đã được các hãng đẩy lên cao thời gian gần đây để bù chi phí khi tung nhiều khuyến mại giảm giá vé.

Cũng theo các chuyên gia, hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không thương mại lớn, đảm bảo cạnh tranh và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu có giá sàn vé máy bay, những điều đạt được về thị trường hàng không cạnh tranh vài năm gần đây có thể không còn. Khái niệm hàng không giá rẻ cũng biến mất. Thậm chí, Việt Nam là thị trường hàng không tăng trưởng thuộc nhóm đầu thế giới cũng không còn.

Với giá sàn vé máy bay, thiệt hại đầu tiên vẫn là khách hàng, khi người thu nhập thấp khó được đi máy bay, dù chỉ vài năm một lần về quê. Họ buộc phải lựa chọn phương tiện rủi ro tai nạn nhiều hơn nhưng giá vé rẻ hơn là xe khách, hoặc trở lại cảnh xếp hàng mua vé tàu hoả.

Cụ thể mức giá sàn và trần vé máy bay Cục Hàng không đề xuất:

+ Các đường bay dưới 500km phát triển kinh tế - xã hội, khung giá được áp dụng từ 320.000-1,6 triệu đồng/vé/chiều.

+ Đường bay khác dưới 500km, khung giá từ 340.000-1,7 triệu đồng/vé/chiều.

+ Đường bay từ 500-850km, khung giá từ 440.000-2,2 triệu đồng/vé/chiều.

+ Đường bay từ 850-1.000km, khung giá từ 560.000-2,79 triệu đồng/vé/chiều.

+ Đường bay 1.000-1.280km, khung giá từ 640.000-3,2 triệu đồng vé/chiều.

+ Đường bay từ 1.280km trở lên, khung giá từ 750.000-3,75 triệu đồng/vé/chiều.

(Theo Tiền Phong)

Thử lý giải về đề xuất áp mức sàn giá vé máy bay

Thử lý giải về đề xuất áp mức sàn giá vé máy bay

Những cuộc thảo luận khởi động lại các hoạt động kinh tế hậu giai đoạn giãn cách căng thẳng để phòng chống dịch Covid-19 đã bắt đầu. Ngay lúc này, kịch bản áp dụng mức sàn giá máy bay (giá tối thiểu) tiếp tục được đưa ra.