Ông Lê Bửu Châu - Giám đốc Nhà máy chi nhánh Biên Hòa (Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam) - cho biết, các nhà máy của Nippon Sanso hoạt động tại khu vực phía Nam (Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) có năng lực sản xuất khoảng 250-270 tấn oxy lỏng/ngày. Lượng dự trữ ở mức 4.000 tấn.

Theo ông Châu, thời gian qua, công ty chủ yếu cung ứng oxy cho các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tại TP.HCM. Oxy nạp tới các địa điểm y tế trung bình khoảng 80 tấn/ngày. Đơn vị này còn cung cấp oxy cho các tỉnh như Long An, Bình Dương, Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây. 

{keywords}
Các đơn vị sản xuất oxy đang duy trì nhịp độ sản xuất tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường

Trước đó, làm việc tại nhà máy Nippon Sanso tại Đồng Nai, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe và môi trường (Bộ Y tế), Trưởng đoàn Tổ thường trực của Bộ Y tế - ông Nguyễn Đức Sơn - đánh giá năng lực sản xuất oxy y tế hiện nay đủ khả năng đáp ứng cho các đơn vị điều trị và cũng như đơn vị hồi sức tích cực các bệnh nhân nhiễm Covid-19.  

“Con số dự trữ cũng như sản lượng sản xuất hàng ngày so với nhu cầu oxy cho các khu vực điều trị của Việt Nam là dư sức đáp ứng”, ông Sơn nói.

{keywords}
 Bên trong nhà máy sản xuất oxy 
{keywords}
 Lắp đặt bồn oxy tại một địa điểm y tế

Ông Trịnh Đình Long, Quản lý nhà máy của Công ty TNHH Khí Công nghiệp Airwater Vietnam, cho biết, mỗi ngày nhà máy sản xuất khoảng 40 tấn oxy, chủ yếu cung cấp cho bệnh viện tại quận 4 (TP.HCM), bệnh viện tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai).

Theo ông Nguyễn Văn Việt, đại diện Công ty TNHH Linde Gas Việt Nam, nhà máy này đang chạy hết công suất, trước đây sản xuất oxy lỏng khoảng 60-70 tấn/ngày nhưng hiện tại công suất gần gấp đôi, khoảng hơn 100 tấn/ngày đã bao gồm lượng dữ trự.

DN chủ yếu cấp oxy qua các đơn vị trung gian có xe bồn chuyên dụng, đến lấy oxy hàng ngày. Bên cạnh đó, trước đây Linde Gas Việt Nam chỉ có 1 xe giao thì nay đã bổ sung thêm 1 xe đi giao khí liên tục. Công ty đang nỗ lực hết sức để cung cấp oxy trong giai đoạn này, góp phần hỗ trợ cộng đồng người mắc Covid-19.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra hoạt động của trạm ATM oxy ở TP. Thủ Đức ngày 4/9

Thống kê của VietNamNet cho thấy, khu vực phía Nam có 6 công ty sản xuất khí oxy y tế gồm: Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam, Công ty TNHH Air Liquide Việt Nam, Công ty TNHH Linde Gas Việt Nam, Công ty TNHH Oxy Đồng Nai, Công ty CP Hơi kỹ nghệ que hàn (Sovigaz) và Công ty TNHH Khí Công nghiệp Airwater Vietnam.

Các công ty này có 8 nhà máy sản xuất oxy đang đóng tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng năng lực sản xuất oxy lỏng trung bình khoảng 540 tấn/ngày.

Khu vực phía Bắc có 7 nhà máy sản xuất oxy với tổng năng lực sản xuất tương đương với khu vực phía Nam. Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer - Hải Phòng đang là đơn vị có năng lực sản xuất và lưu trữ lớn nhất khu vực. 

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 3 nhà máy.

Tổng lượng oxy lỏng lưu trữ của các đơn vị được phép sản xuất, cung ứng mặt hàng này trên cả nước là khoảng 15.500 tấn. Hiện nay, các đơn vị đang được yêu cầu tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ oxy, tăng khả năng phân phối.

Trần Chung 

Sở Y tế TP.HCM nói về khả năng cung ứng oxy cho F0 tại nhà

Sở Y tế TP.HCM nói về khả năng cung ứng oxy cho F0 tại nhà

Khi người dân đặt câu hỏi bệnh nhân Covid-19 bị thiếu oxy, mong TP lưu ý, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tình trạng này đã dần được khắc phục và tiếp tục củng cố.