Vấn nạn mua bán, sản xuất xăng dầu giả

Mới đây, đường dây xuất, tiêu thụ xăng dầu lậu, xăng dầu giả với quy mô đặc biệt lớn tại Đồng Nai, mở rộng đến Bình Dương vừa bị bắt giữ. 10 địa điểm là bến cảng, nhà kho và các cây xăng trên địa bàn tỉnh Bình Dương tất cả đều liên quan đến hành vi buôn lậu, làm giả xăng dầu của Công ty TNHH TM và dịch vụ Vân Trúc.

Lực lượng chức năng đã thu giữ 4 tàu vận tải thủy có tải trọng từ 400 - 1.000 tấn, 5 xe bồn, hơn 1 tỷ đồng tiền mặt, niêm phong 38 bồn chứa với số lượng gần 3 triệu lít xăng dầu.

Thiếu tá Võ Nhật Hồng Phúc - Thành viên Ban Chuyên án 920G nói: "Kết quả khám xét thu được rất nhiều vật chứng quan trọng, chứng minh được các đối tượng có hành vi làm giả xăng. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng cầm đầu, mỗi ngày chúng cung cấp ra thị trường hơn 500.000 lít xăng giả ở khắp các thị trường Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận".

{keywords}
Lực lượng Công an khám xét một cây xăng trong chuyên án. Ảnh: Báo Nhân dân.

Đề cập đến vấn nạn mua bán, sản xuất xăng dầu giả hiện nay, TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện sự giám sát của các cơ quan còn chưa chặt chẽ.

"Hiện tượng xăng giả là một vấn nạn chúng ta phải làm rõ cơ quan nào trách nhiệm thuộc về ai. Nhưng chúng ta biết hoạt động kinh doanh xăng dầu có rất nhiều đơn vị tham gia… cho nên phải thấy đây là sự bất cập do khách quan một phần. Nhưng bên cạnh đó cũng phải nói rằng sự giám sát, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, cơ quan còn lỏng lẻo", ông Long cho hay.

Khó kiểm soát xăng giả

Tình trạng xăng giả không phải hiện tượng mới và cũng không xảy ra đơn lẻ. Gốc rễ vấn đề nằm ở chỗ để pha được hàng trăm triệu lít xăng giả, đồng nghĩa các đối tượng phải mua được một số lượng rất lớn chất dung môi để pha chế. Từ nhiều năm trước, những đường dây lớn mua bán chất dung môi bất hợp pháp đã bị phanh phui, giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Pha trộn dung môi vào xăng kém chất lượng với tỷ lệ 50-50, cộng thêm chất kích RON và chất tạo màu - đó là thủ đoạn mà 4 nhóm đối tượng đã sử dụng để sản xuất xăng A95 giả. Trong khoảng 3 năm qua, đã có tới hàng trăm triệu lít xăng giả được bán ra thị trường nhờ việc mua dung môi cũng như bán ra xăng giả đều rất dễ dàng.

{keywords}
Xăng được làm giả từ dung môi, chất kích RON và phụ gia. (Ảnh: Dân trí)

Theo nghị định 73/2018 dung môi sử dụng pha chế xăng giả thuộc nhóm hóa chất tiền công nghiệp theo đó nhập khẩu phải có giấy phép. Theo Nghị định 113/2017 đây là hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện, muốn sản xuất kinh doanh phải được xác nhận đủ điều kiện bởi Sở Công Thương các địa phương.

Doanh nghiệp mua lại về kinh doanh cũng phải đủ điều kiện và phải lưu chứng từ mua bán. Hàng năm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải có báo cáo gửi Bộ Công Thương để tổng hợp. Tất cả các khâu đều được giám sát và quản lý chặt chẽ.

Tuy nhiên, liệu rằng quy trình chặt chẽ trên đang chỉ nằm trên luật? Bởi ngoài những quản lý mang tính rất chuyên ngành, tại các địa phương cũng có hệ thống kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng khác nhưng vụ việc buôn lậu, sản xuất xăng dầu giả vẫn xảy ra tại rất nhiều địa phương?

(Theo VTV)