Nuôi lợn kiểu 'hoàng gia'

Theo bà Nguyễn Thị Liên (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; chủ trang trại lợn), nghe nhạc sẽ giúp lợn cải thiện về mặt đời sống tinh thần, giảm bớt stress, căng thẳng, tăng thêm độ ngon của thịt. Thời gian bật nhạc cho lợn nghe là cả ngày, trừ khi đi ngủ. Theo cảm nhận của bà, đàn lợn của bà được nghe rất nhiều loại nhạc nhưng có vẻ, nhạc Pháp được chúng ưa chuộng nhất. 

Một bí quyết nữa là bà đã bổ sung giun quế trong khẩu phần ăn của lợn. Giun quế cung cấp protein, tạo ra thịt thơm ngon.

{keywords}
Lợn được nghe nhạc (Ảnh: Kinh Doanh và Phát Triển)

Ngoài ra, xung quanh trang trại, bà Liên trồng rất nhiều loại hoa hồng và nhiều loại cây khác. Bà cho hay tác dụng của cây xanh đối với đàn lợn đó là cung cấp nhiều oxi, không khí mát mẻ, hay khi có dịch tả heo châu Phi thì cây xanh sẽ giảm bớt khả năng vi khuẩn có thể xâm nhập vào trang trại.

Tỷ phú nông dân nuôi nhiều rắn hổ mang bự nhất miền Tây

Trong khi nhiều nông dân loay hoay lựa chọn nuôi động vật nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao, không phải rơi vào tình trạng “dội chợ”, “rớt giá” thì ở xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) có một nông dân chọn mô hình nuôi rắn hổ mang với quy mô lớn và thu về trên 1 tỷ đồng tiền lãi/năm. Đây là trang trại nuôi rắn hổ mang được xem là lớn nhất ĐBSCL đến thời điểm hiện nay.

Đó là mô hình của “vua rắn hổ mang” Phan Thanh Bình. Anh Bình chia sẻ cơ duyên đến với mô hình nuôi rắn hổ mang độc lạ trên báo Vĩnh Long: “Năm 2015, thấy địa phương mình còn rất nhiều rắn hổ mang, tôi nghĩ sao mình không thử nuôi, nhân giống loại động vật hoang dã này".

Ban đầu, nhiều người can ngăn vì lo sợ loại rắn có nọc độc khá nguy hiểm này nhưng anh Bình quyết định thực hiện. Đến nay, anh Bình sở hữu trên 2.000 con rắn hổ mang bố mẹ.

Chiếc điếu cày tre độc lạ được trả giá gần 1.000 USD

Báo Dân Việt thông tin, anh Cao Xuân Hoà (28 tuổi, Thanh Hóa) là một trong những tay chơi điếu nổi tiếng trong cộng đồng những người yêu thích điếu cày Việt Nam. Hiện anh Hòa sở hữu bộ sưu tập điếu cày chạm khắc lên tới hàng chục chiếc độc lạ, trong đó được anh “ưu ái” và tự hào nhất chính là siêu phẩm “Kim Long Vườn Ngọc”.

{keywords}
Chiếc điếu được mệnh danh là “cực phẩm”. (Ảnh: Dân Việt)

Đây là chiếc điếu tạo hình rồng, được làm từ tre gai bụi của Thanh Hóa, thân ống là đoạn tre 100% thiên nhiên ban tặng, vòng xoắn không chắp nối. Đầu rồng được tạo hình từ khúc tre gai, râu tre được tận dụng nguyên bản. Ngoài chất liệu ống tre ưu tú, điểm đặc biệt của chiếc điếu này là chi trước con rồng được người nghệ nhận cho cặp một viên đá quý phong thủy, tượng trưng cho ngọc trong thế “kim long vườn ngọc”.

Chủ nhân chiếc điếu cho biết, anh tình cờ mua lại được đoạn ông điếu (thân rồng) từ một người thợ chặt cọc tre với giá 2,7 triệu đồng sau khi nhận ra đây là một đoạn thân tre độc lạ, rất phù hợp để tạo hình điếu cày. Theo anh Hòa, có người đã trả giá 1.000 USD để mua chiếc điếu nhưng anh chưa bán.

Giống nho lạ màu tím ngắt, ăn ngọt lịm

Theo Dân Việt, mô hình trồng nho Hạ Đen không hạt của vợ chồng lão nông Nguyễn Văn Nội và bà Nguyễn Thị Sinh (ở thôn Cổ Thượng, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) được xem là mô hình lạ và độc đáo ở địa phương. Đây cũng là vườn nho Hạ Đen đầu tiên được trồng thành công trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Năm 2018, trong một lần xem tivi, ông Nội biết đến mô hình trồng nho Hạ Đen không hạt ở miền Bắc. Nhận thấy đây là giống cây mới, tiềm năng thị trường rộng mở, ông đã trực tiếp lên Bắc Giang để học hỏi cách trồng.

Vườn nho của vợ chồng ông hiện là điểm đến tham quan của nhiều người dân và du khách. Nho Hạ Đen ăn ngọt, thơm, không hạt, vì vậy, sau khi tham quan và thưởng thức tại vườn, nhiều du khách còn mua về làm quà.

Món đồ thiêng quý giá có tiền không mua được ở Lâm Đồng

Ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, ông K’Mun Sơn là người cuối cùng còn lưu giữ được số lượng ché nhiều. Theo ông, khi buôn làng phát triển theo nhịp đô thị hóa, chiêng, ché cũng từ trong nhà sàn, nhà rông chạy vào tay giới cổ vật. Hàng năm, ông phải tiếp và từ chối không biết bao nhiêu tay buôn cổ vật đến tham quan, hỏi mua dàn ché hơn 30 cái lớn nhỏ của mình.

{keywords}
Dàn ché cổ vô giá của gia đình ông K’Mun Sơn. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Thậm chí, có người đưa ra mức giá trên trời, ông có làm trăm mùa lúa cũng không có được số tiền nhiều như vậy. Thế nhưng, ông vẫn một mực từ chối. Bởi, với ông, ché là vật thiêng, linh hồn của dân tộc K’Ho. Ngoài mang ý nghĩa tâm linh, trước đây, ché còn tượng trưng cho sự sung túc, quyền uy, sức mạnh của người sở hữu. Bởi, trong cộng đồng người K’Ho, không phải ai cũng có thể sở hữu những chiếc ché to, chạm, khắc, đắp nổi hoa văn tinh xảo.

Ông Sơn chia sẻ, người K’Ho không biết làm gốm. Ché được làm bằng gốm nên có xuất xứ từ nơi khác. Khi ông sinh ra nhà đã có dàn ché này rồi. Ông Sơn phỏng đoán, tính đến đời ông, bộ ché có thể đã hơn 100 năm tuổi.

'Hòn ngọc Viễn Đông' giá tiền tỷ độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Hải châu thường sinh trưởng ở những vách núi các tỉnh miền Trung. Dòng cây này rất đặc biệt, thân gỗ rất chắc, xù xì nhưng đến mùa hoa nở lại có một vẻ đẹp rất khó tả. Hoa trắng muốt như những bông tuyết, trái đỏ như những viên ruby nên được gọi là "hòn ngọc Viễn Đông".

Cây hải châu của ông Nguyễn Gia Thọ (Hà Nội) được giới chơi cây cảnh cho là cây hải châu lớn nhất Việt Nam. Trước kia, cây thuộc sở hữu của một nghệ nhân ở Bình Định. Đây là một trong những cây hải châu đời đầu mà các nghệ nhân khai thác trong tự nhiên về làm cây bonsai.

Theo những người chơi cây, nó là một tác phẩm quý, rất khó tìm được cây thứ hai.

Cây bạch mai trăm tuổi 'từ linh khí sinh ra', quý hiếm bậc nhất Sài Gòn

"Lão" bạch mai của chùa Phụng Sơn (Quận 11, TP.HCM) hiện là cây hoa quý, hiếm bậc nhất TP.HCM. Trải qua hơn 100 năm tuổi, cây bạch mai này vẫn cho hoa trắng muốt cùng hương thơm ngào ngạt mỗi độ Tết đến, xuân về.

{keywords}
"Lão" bạch mai quý hiếm bậc nhất TP.HCM trong khuôn viên chùa Phụng Sơn.

“Bạch mai tại chùa cho hoa trắng nhưng rất lạ. Không như hoa của các loài khác, hoa bạch mai tại chùa nứt ra từ thân, cành cây. Hoa nhỏ, màu trắng, nở về đêm và rất thơm. Hoa thường nở vào dịp Tết, mang mùi thơm nhẹ nhàng nên càng quý”, Hòa thượng Thích Trí Định nói.

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phân tích, bạch mai là giống mai quý và hiếm ở miền Nam nên còn có tên gọi là Nam mai. Bạch mai quý, hiếm đến nỗi, trong Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức ghi rằng: "Mai mù u tự linh khí mà sinh ra, không thể đem đi trồng nơi khác được".

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)