Khu vườn địa lan Hoàng Vũ có giá trị đến vài chục tỷ đồng là kết quả xứng đáng cho một "lão nông nho nhã" giàu nhiệt huyết và đam mê ở đất Thành Nam.

Lão nông nho nhã

Cánh cổng sắt hé mở, người đàn ông trung niên bước ra từ một khu đất rộng mênh mông, bao xung quanh là tường rào và giàn hoa hồng leo đang độ rực rỡ đơm bông. Khác với tưởng tượng của tôi về một lão nông thích hút thuốc lào và chân lấm tay bùn, ông chủ khu vườn với dáng vẻ từ tốn, nho nhã. 

Trong cuộc trò chuyện với PV, anh Trần Phi Công, chủ nhân của khu vườn hơn 5 ha trồng địa lan Hoàng Vũ không cố ý giới thiệu về cơ ngơi trị giá vài chục tỷ đồng của mình dù khu vườn này vừa được tổ chức kỷ lục ghi nhận là vườn địa lan Hoàng Vũ tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Trong 2 giờ trò chuyện, anh Công chỉ mải miết nói về thú chơi, cách chơi của một người yêu địa lan. Trong câu chuyện về lan của ông còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh.

{keywords}
Vườn địa lan được xác lập kỷ lục của ông Trần Phi Công.

"Người chơi và trồng hoa lan phải là người có văn hóa, phải hiểu được giá trị của cây. Nếu không sẽ chẳng thể trồng nổi một chậu hoa đẹp", ông Công cất lời tâm sự khi vị khách vừa kịp nhấm một ngụm trà mạn.

Anh Công phân tích: "Tại sao khi trồng địa lan lại là một chậu chứ không phải một cây hay cắt vài bông để cắm vào trong lọ như những loại hoa khác.

Một bông địa lan trong chậu giá 2 triệu cũng có nhưng nếu bông hoa đó cắt bỏ ra ngoài mẹt, mang ra chợ bán thì 30 nghìn chưa chắc đã có người mua.

Dịp Tết, có những người bỏ ra số tiền khoảng 30 triệu đồng để mua một chậu địa lan nhưng chắc gì đã hiểu được giá trị của nó. Một chậu hoa lan đẹp phải là chậu có đầy đủ các thế hệ "tứ đại đồng đường" như cây ông bà, bố mẹ và con cái.

Chỉ cách trồng như vậy cây địa lan mới tỏa ra được mùi hương đặc biệt, mùi hương của sự sum họp, đầm ấm, sinh sôi nảy nở... trong gia đình. Nếu thực sự hiểu giá trị của cây người đó mới có thể chọn được một cây hoa lan đẹp".

{keywords}
Ông Trần Công chụp ảnh cùng người bạn tại vườn la hoàng vũ tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Nói về triết lý nhân sinh khi chơi hoa lan, ông Công cho hay: "Mỗi năm hoa lan chỉ nở có một lần. Sau khi nở hoa, nhiều người chơi xong lại vất nó vào một xó. Người chơi hoa như vậy là không có văn hóa. Tức là người không có trách nhiệm, không có lương tâm gì với cái thứ mà nó đã phục vụ mình. Cái người đã giúp đỡ mình thì ta phải biết trận trọng và cảm ơn họ. Và cái cây cũng như thế...".

Dù có kinh nghiệm hơn 10 năm nhưng ông Công vẫn khiêm tốn cho rằng bản thân mình ngày ngày vẫn đang đi tìm giá trị của hoa lan. Càng tìm hiểu về lan ông càng thấy say mê và thú vị. Với ông Công, thế hệ của mình chơi hoa lan vẫn không sâu sắc được như các cụ xưa.

"Ngày xưa, các cụ chơi hoa lan thấm đến nỗi người và hoa như hòa vào là một. Thậm chí, chỉ cần ngửi một làn hương hoa các cụ còn có thể biết được chậu lan ấy bao nhiêu tuổi. Bởi tôi chưa đủ tinh tế khi trồng và chơi hoa lan nên vẫn phải lặn lội, cất công đi khắp nơi để tìm lại những cụ già có kinh nghiệm chơi hoa lan mà học hỏi. Ước mơ của tôi không phải là bán địa lan được nhiều tiền, ước mơ của tôi là có thể ra được một cuốn sách với những kiến thức tinh túy nhất nói về cách trồng và chơi hoa lan dành cho những người yêu thích loài hoa Hoàng Vũ này", ông Công nói.

Giấc mộng Hoàng Vũ

{keywords}
Địa lan Hoàng Vũ khoe sắc trong trang trại của "lão nông nho nhã" đất Thành Nam.

Cả một khu vườn lớn ông Công chỉ trồng một loại địa lan duy nhất là Hoàng Vũ. Sở dĩ ông trồng loài hoa này bởi màu sắc của nó rất thanh lịch, mùi hương nhẹ nhàng, càng chiêm ngưỡng càng bị thu hút và đắm say.

Nói về cơ duyên đến với địa lan Hoàng Vũ, ông Công kể lại: "Hơn chục năm về trước, khi thấy bố vợ và anh vợ trồng địa lan Hoàng Vũ tôi đã nhận thấy được cơ hội kiếm tiền trong đó. Nhờ số tiền tích góp từ việc kinh doanh vật liệu xây dựng trước đó, tôi đã mạnh dạn mua hơn 5 ha đất ruộng để chuyển đổi trồng địa lan.

Ban đầu, khi chưa hiểu gì về lan tôi chỉ nhìn thấy nó là cơ hội kinh doanh, kiếm tiền. Nhưng khi bắt tay vào trồng và nghiên cứu về lan, tôi bắt đầu say mê giống lan Hoàng Vũ. Và hơn 10 năm trồng lan, đến năm nay tôi mới chính thức bắt đầu kinh doanh".

Vườn địa lan của ông có tất thảy khoảng 3.000 chậu lớn nhỏ. Thế nhưng, khi hỏi về số lượng ông Công dặn dò: "Xác kỉ lục là 3.000 chậu nhưng ai hỏi tôi chỉ nói là khoảng 2.300 chậu. Mình làm gì thì nên khiêm tốn đi một chút hơn là khuếch đại nó lên".

{keywords}
Những chậu địa lan được ông Trần Công tận tâm chăm sóc.

Ông Công cho biết, năm vừa rồi hoa nở sau Tết Nguyên Đán nên vườn lan của ông không bán được nhiều. Dù biết có biện pháp kích thích cho cây ra hoa sớm hơn nhưng ông không muốn sử dụng.

"Vạn vật, cây cối cũng cần sinh sôi, nảy nở theo quy luật tự nhiên, không nên thúc ép chúng. Việc kích thích cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Nếu kích thích, ban đầu khách hàng mua sẽ thấy đẹp, nhưng sau khi về nhà một thời gian chăm sóc không khéo cây sẽ héo úa và chết. Kinh doanh cũng cần phải có tâm, tôi muốn kiếm tiền bằng cách nhân văn chứ không phải kiếm tiền bằng mọi cách", ông Công cho hay.

Năm trước, hoa đẹp nhưng nở muộn nên không bán kịp vào dịp Tết. Sợ hoa tủi hờn, không có dịp khoe sắc hương nên ông Công đã cho bạn bè, người thân ai có nhu cầu thì mượn hoa về chơi. Thế nhưng, ông Công chỉ cho mượn đúng đến mùng 5 Tết là phải đem trả.

Nhiều người đem trả hoa vào mùng 5 Tết, thấy hoa đang độ rực rỡ tiếc nuối trách móc: "Ông này ác ghê, cho mượn hoa đúng lúc đẹp nhất thì bắt mang trả".

"Chơi hoa chớ để hoa tàn. Thế mới là người biết cách chơi và có văn hóa. Ông đã được ngắm lan của tôi trong suốt 5 ngày Tết, đến khi trả nó vẫn đẹp thì ông sẽ cảm thấy tiếc nuối và nhớ hình ảnh đẹp đẽ ấy suốt đời. Nếu cho ông mượn thêm 5 ngày nữa, khi hoa tàn mới mang trả thì ông sẽ chẳng còn ấn tượng gì về nó", ông Công thuật lại câu trả lời trước những trách móc có phần vui vẻ của những người bạn.

Cũng như nhiều vị khách đến đây, trước khi ra về, ông Công mời khách đi tham quan một vòng quanh vườn địa lan chứa trọn tâm huyết của mình. Những chậu lan nằm ngay ngắn, thẳng hàng đang được 2 người công nhân tưới nước và chăm sóc. Trong lúc chụp ảnh tư liệu để viết bài này, tôi quan sát thấy ông Công đứng trước những chậu hoa lan xanh tốt với ánh mắt tự hào.

Dắt xe ra khỏi khu vườn mà đầu óc vẫn còn miên man suy nghĩ về cuộc trò chuyện với 'lão nông nho nhã' dành trọn mười năm mải miết cho một niềm đam mê. Và khu vườn có giá trị đến vài chục tỷ đồng cũng là kết quả xứng đáng cho một lão nông nho nhã giàu nhiệt huyết và đam mê.

(Theo VTC News)