Thời gian gần đây, các cuộc mua bán, chuyển nhượng hoa lan bỗng trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng khi lan được niêm yết giá kỷ lục. Nhiều chuyên gia sinh vật cảnh dự báo, nếu không kiểm soát chặt chẽ, các hiện tượng biến tướng, lừa đảo sẽ xuất hiện và gây nhiễu loạn thị trường.

{keywords}
Thị trường lan đột biến trở nên sôi động sau dịch Covid-19 với những thương vụ, giao dịch khủng

Theo ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội sinh vật cảnh Hà Nội, đây không phải lần đầu tiên, giới sinh vật cảnh dậy sóng trước hiện tượng lạ. Bởi trước đó, chim cảnh, cây cảnh từng vướng vào những lùm xùm không đáng có. Thế nên, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì lan đột biến sẽ trở thành một bản sao tương tự, lặp lại những sai lầm trong quá khứ.

"Vào khoảng năm 2015 - 2016, cơn sốt về chim cảnh cũng khiến thị trường náo loạn tương tự lan đột biến. Giá chim cảnh ban đầu cũng chỉ loanh quanh mốc 70 - 80 triệu đồng/con nhưng sau đó là lên tới 700 - 800 triệu đồng/con. Nhưng điều đáng nói là trong các thương vụ xuất hiện sự lừa đảo, trục lợi đến từ nguồn gốc chim" - ông Nguyên nhớ lại.

{keywords}
Thương vụ giao dịch lan 83 tỷ đồng khiến cộng đồng mạng dậy sóng

Theo ông, điểm giống nhau giữa chim cảnh và lan đột biến hiện nay là sự bùng nổ, gia tăng quá nhanh về số lượng trong thời gian ngắn. Kèm theo đó là các nhà vườn, người chơi liên tục đưa ra những mức giá trên trời, gây chấn động, xôn xao dư luận.

"Khi tất cả cùng đổ xô chạy theo một thứ thì hiện tượng thiếu hụt nguồn cung sẽ xảy ra. Đồng nghĩa với việc, một số kẻ gian sẽ lợi dụng thời cơ để trục lợi bất chính, dễ nhìn thấy nhất là làm giả, làm nhái xuất xứ sản phẩm" - ông nhận định.

Ông Nguyên cho biết, khoảng 4 - 5 năm trước, ở Đà Nẵng từng xuất hiện sự việc đánh tráo chim đột biến bằng cách pha nhuộm màu lông. Một con chim chào mào thông thường có thể biến thành dòng bạch tạng lên tới hàng trăm triệu đồng chỉ qua vài bước tinh vi như sử dụng công nghệ, thức ăn gây đột biến.

“Thị trường cây sôi động là điều đáng mừng nhưng sôi động mà đi chệch quỹ đạo, làm biến tướng bản chất thì lại là nỗi lo. Vì nó đe dọa trực tiếp đến lợi ích kinh tế của nhiều người làm sinh vật cảnh chân chính”, ông nói.

{keywords}
Chậu lan "Huyền thoại bướm đại ngàn" được hét giá 15 tỷ đồng

Lấy thêm dẫn chứng, ông Nguyên tâm sự, cách đây không lâu, thị trường sinh vật cảnh từng chứng kiến cơn sốt về tùng la hán. Nhiều người đổ xô, đầu tư hàng chục tỷ đồng cho dòng cây mới nhưng kết quả lại không như mong đợi.

"Thời điểm ấy, dân buôn từng nhập rất nhiều tùng về Việt Nam, con số phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng họ chưa bán ngay mà tiếp tục trung chuyển qua 1 nước thứ 3, dân trong nghề còn gọi là tạm nhập tái xuất. Chiêu trò này mục đích chính là để đẩy giá và xóa đi nguồn gốc ban đầu của cây" - ông bật mí.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội hoa lan Hà Nội nhận định, trên thực tế, có rất nhiều loại lan quý hiếm có giá trị cao. Nhưng để giao dịch lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thì phải xem xét lại vì đây là những chiêu trò làm giá lộ liễu. Ngoài ra, khi hướng tới mỗi thương vụ, người chơi cần phải cân nhắc tới yếu tố giao dịch là gì, chỉ buôn bán hay trao đổi đơn thuần.

Bởi hiện nay, có 1 điểm mới trong giao dịch lan đột biến là những thương vụ thường thực hiện cam kết về tương lai. Đơn cử như người chơi bỏ ra 10 tỷ đồng để mua 1 cây lan với điều kiện 2 năm sau, siêu phẩm đó phải ra đúng lượng hoa cam kết. Nếu không, số tiền đó sẽ được hoàn trả lại theo đúng yêu cầu. Đây chính là phần trả tiền trả cho tương lai mà ít người biết đến.

(Theo Dân Trí)