Chuyện xưa nay hiếm

Với vị trí đắc địa nối bờ hồ Hoàn Kiếm với chợ Đồng Xuân, các tuyến phố: Hàng Ngang, Hàng Đào và Hàng Đường được mệnh danh là khu đất “kim cương” của Hà Nội, vốn trước đây có mức giá thuê mặt bằng cao nhất Thủ đô. Giá thuê tại những tuyến phố này luôn dao động từ 2-2,5 triệu đồng/m2/tháng. Chủ nhà gần như ở kèo trên, được quyền lựa chọn khách thuê. Nhưng, mọi chuyện nay đã thay đổi.

Ông Tùng, chủ một ngôi nhà phố cổ quận Hoàn Kiếm, cho biết, năm ngoái, ông cho thuê cửa hàng kinh doanh thời trang với giá 120 triệu đồng/tháng. Cách đây vài tháng, người thuê đã trả lại mặt bằng. Ông đang giảm chỉ còn 80 triệu đồng/tháng và mong mỏi khách tới thuê. “Mức giá này chưa từng có từ trước tới nay”, ông nói.

{keywords}
Nhiều nhà mặt phố cổ đóng cửa vì không có khách thuê (Ảnh: Nhật Thanh)

Tương tự, bà Nguyễn Thu Hải (chủ nhà ở phố Hàng Trống, Hà Nội) cũng đang tìm kiếm khách thuê. Nếu như cách đây 1 năm, mức giá cho thuê vào khoảng 90 triệu đồng/tháng thì nay bà đã giảm chỉ còn 60 triệu đồng/tháng. Bà cũng hỗ trợ thu tiền theo tháng thay vì đóng cả năm.

“Các nhà phố cổ đua nhau cho thuê, nếu mình không có giá tốt thì họ sẽ đi ngay. Mức giảm cao như vậy mà không có khách. Trong khi, cách đây 1 năm chỉ cần hở ra là có người nhảy vào thuê luôn”, bà chia sẻ.

Theo khảo sát, giá mặt bằng bán lẻ tại các khu vực phố cổ trung tâm đã giảm sâu so với trước dịch, giá của các vị trí vàng có thể giảm tương đương 30-40% để thu hút khách hàng tiếp tục thuê mặt bằng.

Thực tế, những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, trước đại dịch được biết đến với tình trạng luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao. Không ít trường hợp đã từng rơi vào tình cảnh khóc dở mếu dở vì chủ nhà tăng giá.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm (chủ kinh doanh quần áo) đã từng phải “dứt áo ra đi” khi không đàm phán với chủ nhà cách đây vài năm. Ông cho hay, chủ nhà luôn có ưu thế, họ có thói quen là giá cho thuê tăng theo từng năm.

“Chẳng hạn, giá thuê ban đầu là 50 triệu đồng/tháng, sau 4-5 năm giá thuê là 100 triệu đồng/tháng, người thuê chịu không nổi nên không thuê nữa, còn chủ cho thuê thì lấy giá 100 triệu đồng cho người thuê tiếp theo là mốc ban đầu. Cứ thế tháng này qua năm nọ chi phí thuê mặt bằng chỉ có tăng chứ ít khi giảm”, ông nói.

Theo ông Lâm, vừa thuận tiện để ở và kinh doanh, nhà mặt phố luôn có giá trị cao, thậm chí được xem như của để dành không bao giờ xuống giá. Nhưng, trong thời buổi công nghệ và nhu cầu sống thay đổi, nhà mặt phố đang có xu hướng giảm dần giá trị.

Đóng cửa chứ không giảm

Bên cạnh việc chủ nhà giảm giá để giữ chân khách thuê thì không ít trường hợp đóng cửa, bỏ không chứ không điều chỉnh giá. Khảo sát cho thấy, tại các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Cầu Gỗ, Hàng Bông, Hàng Gai,... hàng loạt cửa hàng cửa đóng then cài, treo biển cho thuê.

Dù giá thuê mặt bằng kinh doanh phố cổ Hà Nội đã giảm từ 10-30% nhưng nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng vẫn rất cao nên khó thu hút khách thuê. Nhiều hộ kinh doanh tại đây không chịu được chi phí thuê nhà buộc phải trả lại mặt bằng kinh doanh để cắt lỗ.

{keywords}
Lần đầu tiên chủ nhà phố cổ phải tích cực đàm phán giá với khách thuê (ảnh: Nhật Thanh)

Đại diện một đơn vị tư vấn thừa nhận, có tình trạng chủ nhà không đàm phán được với khách thuê nên dẫn tới mặt bằng bỏ không trong nhiều tháng nay. Bên cạnh đó, chủ nhà vẫn có khoản thu nhập trước đây nên họ chờ đợi những khách thuê tốt hơn trong tương lai.

Nhận định về thị trường, ông Lê Tuấn Bình, Trưởng Bộ phận Cho thuê thương mại - Savills Hà Nội, cho rằng các chủ nhà sẽ phải nhìn nhận mặt bằng cho thuê của mình đúng theo mặt bằng chung của thị trường theo hai điểm.

Thứ nhất là giá thuê. Hầu hết các chủ nhà tại phố cổ chưa từng gặp trường hợp phải đi đàm phán giá thuê với khách thuê. Trước đây, họ sẽ lựa chọn khách thuê trả giá cao nhất. Song, hiện các chủ nhà ở phố cổ tích cực đưa ra các phương án giá phù hợp hơn với thị trường.

Thứ hai, cần có sự linh hoạt hơn về phương án cho thuê. Hiện nay chủ nhà đã có sự linh hoạt hơn khi chia diện tích mặt bằng thành các diện tích nhỏ để khách có thể lựa chọn. Các điều kiện như thời hạn cho thuê, các điều khoản về điều chỉnh giá thuê cũng đã linh hoạt hơn rất nhiều, tuy bị giảm về doanh thu nhưng sẽ được phục hồi nhanh sau giai đoạn dịch.

Bên cạnh đó, tăng trưởng mua sắm trực tuyến cùng với hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các nhà bán lẻ theo hình thức truyền thống và chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải phát triển kế hoạch thu hút khách đến theo các chiến lược sáng tạo hơn.

Duy Anh